PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Nhiều thách thức trên thị trường LPG

Với lợi thế là chất đốt sạch, dễ sử dụng nên khí dầu mỏ hóa lỏng (tức LPG hay còn gọi là gas) hiện là một trong những nhiên liệu được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Thị trường kinh doanh LPG trong những năm qua tăng trưởng rất nhanh nhưng cũng gặp không ít những thách thức, khó khăn.
Thị trường tăng trưởng nhanh
LPG xuất hiện ở nước ta từ năm 1993, đến nay dần trở thành chất đốt chủ đạo trong sản xuất cũng như trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Cùng với sự phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế, xã hội và đời sống của người dân, LPG đã xuất hiện ngày một nhiều, không chỉ ở những đô thị lớn mà ở cả thị trường nông thôn, miền núi, vùng cao. Điều đó lý giải cho sự tăng trưởng nhanh của thị trường LPG trong những năm qua, từ mức tiêu thụ chỉ 49.500 tấn (năm 1995) lên mức hơn 1 triệu tấn hiện nay và đang tiếp tục có xu hướng gia tăng trong những năm tới.
Hiện nay, PV Gas là đơn vị cung cấp LPG hàng đầu của Việt Nam, có hệ thống khách hàng trải khắp toàn quốc, có khả năng chủ động về nguồn hàng và sở hữu các cơ sở vật chất sản xuất, tồn trữ, vận chuyển, kinh doanh LPG lớn nhất Việt Nam. PV Gas cấp nguồn LPG cho hầu hết các doanh nghiệp LPG Việt Nam và có quan hệ kinh doanh LPG với hầu hết các nhà kinh doanh LPG lớn nhất thị trường quốc tế.
Hai đơn vị thành viên của PV Gas là Công ty Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Bắc (PV Gas North) và Công ty Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Nam (PV Gas South) hiện là những đơn vị có thị phần bán lẻ lớn nhất ở hai thị trường chính là miền Bắc và miền Nam, LPG được bán lẻ dưới hình thức bình 12kg và 45kg cho các đối tượng dân dụng và thương mại. Hiện nay, PV Gas chiếm giữ khoảng 70% thị phần LPG trên toàn quốc.
Thời gian qua, giá nhập khẩu LPG biến động liên tục với biên độ rộng, gây tâm lý không ổn định cho khách hàng. Trong năm 2012, có thời điểm giá nhập khẩu biến động đến 50%, giá nhập khẩu trung bình năm 2012 khoảng 916USD/tấn, tăng 8% so với năm 2011. Một số khách hàng công nghiệp và dân dụng chuyển sang sử dụng nguồn nhiên liệu khác do giá LPG trên thị trường cao; công tác nhập khẩu và kinh doanh quốc tế gặp khó khăn.
Do đó, để tạo nguồn cung ổn định, đồng thời đảm bảo đầu ra ổn định, giúp thị trường LPG liên tục tăng trưởng, PV Gas đã định hướng xây dựng chương trình nhập khẩu dài hạn, đồng thời xây dựng hệ thống phân phối bán buôn LPG ngày càng tiện lợi, nhằm phân phối hiệu quả LPG từ nhà máy xử lý khí, các nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhập khẩu nhằm gia tăng thị phần; đa dạng hóa ứng dụng LPG cho ngành vận tải (Autogas), LPG - Air cho khu dân cư, khu công nghiệp và hóa dầu.
Chống nạn sang chiết gas lậu
LPG là một mặt hàng kinh doanh có điều kiện nhưng hiện nay tình trạng vi phạm pháp luật về kinh doanh LPG, đặc biệt là đối với mặt hàng gas dân dụng vẫn diễn biến phức tạp. Việc cạnh tranh không lành mạnh, gian lận thương mại còn khá phổ biến trong lĩnh vực này. Hiện tượng này xảy ra do việc kinh doanh gas gắn liền với vỏ bình chứa nên phát sinh hành vi vi phạm quy định pháp luật về sang chiết trái phép; chiếm đoạt, hoán cải vỏ bình, giả nhãn hiệu hàng hóa đối với vỏ bình chứa… Đó là các vi phạm nổi cộm trong kinh doanh gas hiện nay.
Vỏ bình gas là tài sản lớn của các công ty kinh doanh gas, chiếm khoảng 60-80% tổng giá trị tài sản. Đầu tư vào sản xuất hay đặt mua vỏ bình các đơn vị sở hữu phải đóng thuế, mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, chịu chi phí quảng cáo thương hiệu, chi phí bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định... Trong khi đó, các đơn vị sang chiết gas lậu và thu gom, chiếm dụng vỏ bình gas trái phép để hoán cải bằng cách thay đổi quai xách, mài logo, đóng dập lại số series, sơn hoặc dán logo, nhãn hiệu của họ để tung ra thị trường chỉ chịu mức chi phí đầu tư thấp và không phải đóng các loại thuế phí.
Việc làm này làm thất thu thuế của Nhà nước, gây thiệt hại cho nhà sản xuất, kinh doanh gas chân chính. Đồng thời, việc thay đổi kết cấu vỏ bình có thể làm giảm sức chịu áp lực của vỏ bình, gây ra nguy cơ cháy nổ rất cao, ảnh hưởng đến quyền lợi và an toàn cho người sử dụng.
Hiện nay, tỉnh Đồng Nai là một trong những điểm nóng của nạn sang chiết gas lậu. Công an tỉnh này đã mở các chuyên án, mất nhiều tháng điều tra và huy động hàng trăm công an vào cuộc, tổ chức đột nhập, bắt quả tang hành vi vi phạm của những đơn vị sang chiết gas lậu. Tốn kém nhiều công sức như vậy nhưng trong năm qua công an tỉnh Đồng Nai cũng chỉ xóa được 3 trạm chiết nạp lậu. Trong khi đó, còn rất nhiều trạm chiết nạp lậu đang hoạt động và cơ quan chức năng tiếp tục cấp phép cho các trạm chiết nạp thuê mới ra đời và nhiều trạm đang trở thành những trung tâm chiết nạp lậu mới.
Do sang chiết, nạp gas lậu là hoạt động siêu lợi nhuận nên các đối tượng bị xử phạt thường tiếp tục tái phạm. Với các quy định hiện hành thì việc chống chiết nạp lậu tốn nhiều thời gian và công sức nhưng hiệu quả chưa cao.
Để thiết lập trật tự sản xuất, kinh doanh gas lành mạnh, đúng pháp luật, chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu công nghiệp trong kinh doanh LPG, bảo vệ quyền và lợi ích của thương nhân, người tiêu dùng và an toàn xã hội. Hiệp hội Gas Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Công Thương đánh giá tình hình sang chiết gas lậu hiện nay và báo cáo Chính phủ để sửa đổi, bổ sung Nghị định 107/2009/NĐ-CP về kinh doanh LPG, nghị định số 105/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh LPG, tăng mức xử phạt và tăng cường quản lý việc sang chiết LPG.
Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, từ nhiều năm qua, hiệp hội đã nhiều lần đề xuất một giải pháp chống sang chiết gas lậu một cách căn bản, ít tốn kém nhưng không hiểu sao cho đến nay vẫn chưa được Bộ Công Thương chấp thuận. Đó là giải pháp, quy định tường rào trạm chiết phải thông thoáng (làm bằng song sắt ở ít nhất hai mặt) và nhà chiết nạp cũng phải thông thoáng ít nhất một mặt chính để tạo điều kiện cho xã hội cùng giám sát việc sang chiết, nạp.
Hiện nay, hầu hết các công ty gas lớn đều có tường rào làm theo dạng này như: Trạm chiết của Saigon Petro, PV Gas South, Vinagas... Trong khi đó, tất cả các trạm sang chiết, nạp lậu đều kín cổng cao tường để tránh sự theo dõi, phát hiện của cơ quan chức năng. Do đó, Hiệp hội Gas Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương sớm xem xét, ban hành quy định về tường rào và nhà chiết nạp của trạm chiết để tăng cường hiệu quả công tác chống sang chiết gas lậu. (Petrotimes.vn 26/3, mục Kinh tế, tác giả Mai Phương; Năng Lượng Mới 26/3, tr12) 

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên