PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Cổ phiếu dầu khí: cơ hội đầu tư giá trị

Xu thế giảm điểm chung của TTCK thời gian gần đây khiến nhiều mã cố phiếu tốt cũng giảm giá mạnh. Với những NĐT giá trị thì đây được cho là cơ hội để chọn lựa và đầu tư vào những công ty có triển vọng kinh doanh tốt, trong đó có các DN “họ” dầu khí. 
Xu thế giảm điểm chung của TTCK thời gian gần đây khiến nhiều mã cố phiếu tốt cũng giảm giá mạnh. Với những NĐT giá trị thì đây được cho là cơ hội để chọn lựa và đầu tư vào những công ty có triển vọng kinh doanh tốt, trong đó có các DN “họ” dầu khí, khi nhiều mã cổ phiếu có P/E thấp hơn so với mức bình quân chung. 
Hiện tại, có 17 công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang niêm yết chiếm khoảng 3% số cổ phiếu niêm yết và 11% vốn hóa toàn thị trường. Với tiềm năng phát triển trong năm 2010 và giai đoạn tiếp theo, cổ phiếu họ dầu khí thích hợp với những NĐT trung và dài hạn. Dưới đây là một số cổ phiếu tiềm năng. 
PVF- Tổng CTCP Tài chính Dầu khí Việt Nam. Có lợi thế lớn từ nguồn vốn ủy thác đầu tư, cũng như nguồn tiền gửi thường xuyên từ các đơn vị trong PVN. Tổng tài sản của PVF cuối quý III/2009 là 59.249 tỷ đồng. Dự kiến, doanh thu năm 2009 của PVF đạt trên 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận 1.000 tỷ đồng, EPS 1.635 đồng, P/E là 16,6 lần - thấp hơn so với trung bình ngành tài chính là 25,2 lần. Năm 2010, tổng doanh thu của PVF có thể đạt 5.900 tỷ đồng, lợi nhuận 1.556 tỷ đồng, EPS 2.596 đồng. 
PVD- Tổng CTCP Khoan và dịch vụ khoan dầu khí. Với việc ký hợp đồng cho thuê giàn khoan PV Drilling III với Vietsopetro, PV Drilling I với Công ty Dầu khí Việt Nhật (JVPC) và PV Drilling II cho mỏ Bạch Đằng thì hiệu suất sử dụng giàn khoan của PVD đã đạt mức gần như tối đa. Mức giá cho thuê 3 giàn khoan này trung bình là 150.000 USD/giàn/ngày. PVD vừa ký kết hợp đồng đóng mới giàn khoan trên biển thứ 4 Tender Assist Drilling Rig - TAD với tổng chi phí 230 triệu USD và Công ty liên doanh Biển Đông POC đã ký kết hợp đồng thuê với mức 202.000 USD/ngày, thời gian thuê 4,5 năm; giàn khoan này sẽ đi vào hoạt động từ năm 2012. 
Tổng doanh thu năm 2009 của PVD ước đạt gần 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận 904 tỷ đồng, EPS 6.814 đồng. Năm 2010, doanh thu có thể đạt 5.900 tỷ đồng, lợi nhuận 1.540 tỷ đồng, EPS 6.270 đồng. 
Năm 2012, doanh thu sẽ tăng mạnh khi giàn khoan số 4 đi vào hoạt động. Mức P/E của cổ phiếu PVD hiện xấp xỉ 10 lần, thấp hơn so với trung bình ngành dầu khí Việt Nam là 11 lần và thấp hơn nhiều so với mức trên 40 lần của ngành dầu khí Trung Quốc, 15 lần của Thái Lan, trên 30 lần của Ấn Độ, trên 20 lần của Philippines. 
DPM – Tổng Công ty phân bón và Hóa chất Dầu khí. DPM là đơn vị sản xuất đạm urê lớn nhất Việt Nam với sản lượng 760.000 tấn/năm, chiếm khoảng 40% thị phần. Khi Nhà máy đạm Cà Mau với công suất 740.000 tấn/năm đi vào hoạt động, tổng sản lượng mà DPM dự kiến cung cấp ra thị trường đạt 1,5 triệu tấn/năm. 
Từ năm 2011 trở đi, Việt Nam có thể trở thành nước xuất khẩu đạm urê. Hoạt động của DPM được sự ủng hộ từ PVN với nguồn cung khí đầu vào ổn định. Tổng doanh thu năm 2009 của DPM ước đạt 6.700 tỷ đồng, lợi nhuận 1.433 tỷ đồng, EPS 3.772 đồng. 
Năm 2010, doanh thu có thể đạt 7.440 tỷ đồng, lợi nhuận 1.701 tỷ đồng, EPS 4.478 đồng, P/E dự kiến năm 2009 của cổ phiếu DPM là 8,9 lần, năm 2010 là 8 lần so với P/E trung bình ngành khoảng 13 lần. 
PVS - Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí. PVS là đơn vị gần như độc quyền trong dịch vụ công cấp tàu chuyên dụng phục vụ thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí với thị phần trên 90% tại Việt Nam. 
Năm 2010, PVS sẽ đưa thêm 2 tàu chuyên dụng vào hoạt động, nâng tổng đội tàu lên 20 chiếc. Dịch vụ cơ khí chế tạo cũng là thế mạnh hàng đầu của Công ty, sẽ đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận ngày càng nhiều với mức đóng góp khoảng 30% tổng doanh thu. Doanh thu năm 2009 của PVS ước đạt 9.800 tỷ đồng, lợi nhuận 517 tỷ đồng, EPS 2.955 đồng. Năm 2010, doanh thu dự kiến đạt 11.293 tỷ đồng, lợi nhuận 706 tỷ đồng, EPS 3.522 đồng. 
PVI - Tổng CTCP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam. PVI là đơn vị có thị phần bảo hiểm phi nhân thọ đứng vị trí thứ 2 trên thị trường bảo hiểm Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng hàng năm trong 3 năm gần đây ở mức 43%, đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ngành bảo hiểm thời gian qua. 
Dịch vụ bảo hiểm dầu khí mang lại 24% tổng doanh thu của PVI, mảng dịch vụ bảo hiểm xây dựng mang lại 35% tổng doanh thu. Với lợi thế thành viên của PVN và sự tăng trưởng nhanh, mạnh của ngành dầu khí và xây dựng, PVI hứa hẹn sẽ là đơn vị bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất Việt Nam. 
Doanh thu năm 2009 của PVI ước đạt gần 3.600 tỷ đồng, lợi nhuận 193 tỷ đồng, EPS 1.870 đồng. Năm 2010, doanh thu dự kiến đạt 4.483 tỷ đồng, lợi nhuận 425 tỷ đồng, EPS 2.662 đồng. Cổ phiếu PVI hiện có P/E khoảng 12 lần, thấp hơn so với P/E trung bình ngành tài chính tại Việt Nam là 25,2 lần. 
PGD – CTCP Phân phối khí áp thấp Dầu khí Việt Nam. PGD là công ty độc quyền trong lĩnh vực phân phối khí thấp áp tại Việt Ham với mạng lưới khách hàng là các hộ tiêu dùng công nghiệp tập trung tại Đồng Nai, Vũng Tàu và TP. HCM. 
Hoạt động của PGD ổn định và hiệu quả cao nhờ giá vốn hàng bán thấp nhất trong các công ty phân phối khí gas hiện nay. Thêm vào đó, hàng tồn kho hầu như không có, giúp PGD có lượng tiền mặt lớn phục vụ hoạt động kinh doanh và đầu tư mạng lưới đường ống mới. 
Năm 2009, dự kiến doanh thu của PGD là 1.089 tỷ đồng, lợi nhuận 165 tỷ đồng, EPS 5.009 đồng. Năm 2010, doanh thu dự kiến đạt 1.527 tỷ đồng, lợi nhuận 212 tỷ đồng, EPS 4.260 đồng. Mức P/E hiện tại của cổ phiếu PGD là 9,7 lần, thấp hơn so với trung bình ngành cung cấp khí gas là 15 lần. (Stox.vn 17/12) 

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên