PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Xăng chịu mức thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít

15/11, Tổng cục Thuế đã công bố Luật Thuế bảo vệ môi trường, luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012. 
Theo đó, căn cứ Luật Thuế bảo vệ môi trường, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1269 về Biểu thuế bảo vệ môi trường, đồng thời Chính phủ ban hành Nghị định số 67 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế bảo vệ môi trường. 
Theo Biểu thuế bảo vệ môi trường, các loại xăng sẽ chịu thuế 1.000 đồng/lít, dầu Diesel là 500 đồng/lít, các loại dầu còn lại là 300 đồng/lít. 
Đề án Luật thuế bảo vệ môi trường được "nâng lên, đặt xuống" trong rất nhiều cuộc họp trước đây mới đi đến thống nhất. Lúc đầu, Bộ Tài chính dự thảo mức thuế đối với mặt hàng xăng là 4.000 đồng mỗi lít, còn mặt hàng dầu là 2.000 đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc đánh thuế cao như vậy sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng nên cơ quan này đã tiến hành chỉnh sửa hạ mức thuế này xuống thấp hơn. 
Bộ Tài chính cho rằng, để ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, không gây tác động lớn đến sản xuất và đời sống xã hội, mức thuế 300 đồng, 500 đồng và 1.000 đồng này được coi là phù hợp và không làm thay đổi cơ cấu giá bán lẻ. 
Cùng với đó, mặt hàng chịu thuế suất cao nhất là túi nilông. Bộ Tài chính cho biết, mặt hàng túi nilông được xác định là hàng hóa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hiện nay, tại các siêu thị, chợ, hầu hết người bán hàng phát miễn phí các loại túi nilông, do giá của túi nilông quá rẻ. Vì vậy, để thay đổi hành vi của người sử dụng, góp phần nhanh chóng giảm ô nhiễm môi trường từ những hành vi xả thải túi nilông đã qua sử dụng, dự thảo đang đề xuất mức thu thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng này là 40.000 đồng/kg. 
Sẽ có 8 nhóm đối tượng sau phải chịu thuế môi trường bao gồm: Xăng dầu, than, dung dịch HCFC, túi nhựa xốp (túi nilông), thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho. 
Người nộp thuế môi trường chính là người sử dụng các sản phẩm gây hại cho môi trường. Tuy nhiên để đảm bảo tính khả thi, giảm chi phi hành thu, Luật quy định: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường là người nộp thuế, đồng thời quy định cụ thể đối với một số trường hợp đặc thù để tránh phát sinh vướng mắc khi triển khai Luật như: Trường hợp ủy thác nhập khẩu thì người nhận ủy thác nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường là người nộp thuế. Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua than khai thác nhỏ lẻ, mà không xuất trình được chứng từ chứng minh hàng hóa đã được nộp thuế bảo vệ môi trường thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp thuế. 
Ông Nguyễn Đình Thi, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài Chính cho rằng, việc áp thuế sẽ không ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Ông Thi đưa ra ví dụ cụ thể: Nếu mua một chiếc tủ lạnh giá 2 triệu đồng, người tiêu dùng phải đóng mức thuế bảo vệ môi trường cho sản phẩm này là 1.000 đồng. Như vậy không phải là quá khó khăn với người mua sản phẩm.Cũng theo ông Thi, áp thuế với những sản phẩm gây hại cho môi trường là nhằm giúp người dân ý thức trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng. Nếu một túi ni lông được áp thuế bảo vệ môi trường thì giá thành sẽ cao hơn. Bởi vậy, sẽ hạn chế được người dân trong việc sử dụng túi nhựa xốp gây hại đồng thời thay đổi ý thức trong việc đem làn nhựa mỗi khi đi chợ. 
Về ý kiến cho rằng áp thuế cho xăng sẽ khiến mặt hàng này tăng giá thêm, ông Nguyễn Đình Thi cho biết, so với giá xăng hiện nay, nếu áp thuế môi trường, mặt hàng này sẽ không tăng vì khi đó xăng dầu không phải không phải nộp thuế “tiêu thụ đặc biệt” nữa. Việc áp thuế nhằm điều hành giá xăng dầu theo giá hiện nay của thế giới và khu vực tránh tình trạng xuất, nhập lậu mặt hàng này. Trong nhóm xăng dầu có sự đánh thuế chênh lệch giữa hai mặt hàng xăng và dầu diesel. Xăng gây tổn hại cho môi trường ít hơn dầu diesel lại phải chịu thuế cao hơn mặt hàng này. Vấn đề này được giải thích trên cơ sở do dầu diesel chủ yếu người sử dụng là ngư dân đánh cá, vận tải hàng hóa và vận tải đường sắt. Nếu áp thuế môi trường cao hơn sẽ làm ảnh hưởng đến dân sinh vì các mặt hàng khác sẽ tăng giá theo. 
Việc đánh thuế đối tượng nông dân là nhóm dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân. Đại diện của Vụ Chính sách thuế cho rằng, khi đưa đối tượng này vào danh mục đánh thuế bảo vệ môi trường Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã có những khảo sát thực tế. Theo Cục Quản lý giá thì phân bón chiếm khoảng 35% chi phí đầu vào của người nông dân, thuốc bảo vệ thực vật chiếm khoảng 12% còn thuốc bảo vệ thực vật thuộc diện đưa vào chịu thuế chỉ chiếm khoảng 15% trong tổng số các thuốc bảo vệ thực vật được đưa vào sử dụng ở Việt Nam. Bởi vậy, nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sẽ rất nhỏ. Hơn nữa, việc áp thuế với nhóm này sẽ hạn chế được việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng và giúp nông dân dần ý thức được việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nào có lợi và có hại cho cây trồng. (Pháp Luật và Xã Hội 15/11, Mục thị trường, Tác giả Thái Phương; Đầu Tư Chứng Khoán 15/11, Mục Kinh tế - Đầu Tư) 

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên