PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Xây dựng tổ hợp Hóa dầu Miền Nam: Tắc bốn phía

Đã gần 4 năm kể từ ngày khởi công rầm rộ vào tháng 8/2008, tới nay khu vực dự kiến xây dựng Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam vẫn không có nhiều thay đổi.
Vướng mắc về đất
Tháng 1/2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cấp mới chứng nhận đầu tư cho Dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam, theo đó 400 ha diện tích đất phục vụ cho dự án được tách ra khỏi khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn. Như vậy, diện tích khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn chỉ còn lại 850 ha, thay vì 1.250 ha như trước đây.
Các nguồn tin cho hay, việc chuyển Dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam ra ngoài khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn xuất phát từ lý do, nếu nằm trong khu công nghiệp thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Dự án sẽ được cấp cho nhà đầu tư hạ tầng cơ sở của khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn chứ không phải cho chủ đầu tư Dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam. Như vậy, nếu muốn vay vốn với tài sản thế chấp trên đất đi kèm theo quyền sử dụng diện tích đất này, các nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn. 
Tuy nhiên, tách ra khỏi khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn, dự án vẫn chưa thể đẩy nhanh hơn tiến độ, bởi cho tới thời điểm này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa chính thức công bố giá cho thuê đất với dự án. Các nguồn tin cho hay, giá thuê đất gần đây nhất được phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhắc tới để triển khai dự án này là 20 USD/m2/50 năm. So với kỳ vọng của các nhà đầu tư thì con số này được xem là bất ngờ, bởi rất cao. Nhất là khi mức giá này chưa có san nền và không có hạ tầng kỹ thuật đi kèm. Với mức giá này, chỉ riêng tiền thuê đất thôi cũng đã khoảng 80 triệu USD, cao gần gấp đôi so với dự tính của các nhà đầu tư khi xây dựng dự án trước đây.
Còn nhớ, tại Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn với diện tích khoảng 1.118 ha, để đẩy nhanh tiến trình triển khai, việc giải phóng mặt bằng và san lấp được thực hiện bởi phía Việt Nam. Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, số tiền để triển khai giải phóng và san lấp mặt bằng về cốt 0 để bàn giao cho chủ đầu tư là trên 200 triệu USD. Điều này, cùng với hàng loạt vấn đề khác liên quan đến đầu tư cơ sở hạ tầng để triển khai thực hiện dự án, vẫn chưa thể thống nhất được giữa chủ đầu tư và địa phương, vì thế tiến độ triển khai dự án vẫn là một câu hỏi ngỏ.
Thêm đối tác
Bên cạnh những vướng mắc về đất, dự án cũng chính thức có thêm nhà đầu tư mới là Công ty Dầu khí quốc gia của Qatar (QPI). Ngày 9/2/2012, tại Bangkok, các đối tác cũ trong Dự án gồm SCG, TPC, PetroVietnam và Vinachem đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với QPI Việt Nam trực thuộc QPI trong việc đầu tư dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam. Như vậy, thay vì chiếm tổng cộng 71% phần hùn trước đây, các đối tác Thái Lan giờ chỉ còn chiếm 46% (SGC nắm 28%, TPC nắm 18%), QPI Việt Nam nắm 25%, phần còn lại thuộc về PetroVietnam và Vinachem. Sự tham gia của QPI vào dự án 4,5 tỷ USD này đảm bảo ổn định nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào của dự án như propan, naptha… bên cạnh những hỗ trợ khác về tài chính.
Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng, không phải chỉ có một nhà đầu tư nước ngoài mới là QPI muốn tham gia dự án này. Itochu, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hóa chất đến từ Nhật Bản đã từng nghiên cứu việc tham gia đầu tư này với tỷ lệ cổ phần nắm giữ là khoảng 5%. Tuy nhiên, do không ít sản phẩm của Itochu trùng với cơ cấu sản phẩm của Dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam nên rút cuộc nhà đầu tư này đã chấp nhận đứng ngoài cuộc để không tạo ra sự cạnh tranh.
Nhưng cũng chính bởi vấn đề hạn chế cạnh tranh trong quá trình phân phối sản phẩm sau này của Dự án với chính các nhà đầu tư tham gia góp vốn mà khả năng biến động về đối tác hoàn toàn có thể còn xảy ra trong tương lai. Nguồn tin riêng của Doanh Nhân cho hay, Vinachem, đối tác Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực hóa chất đang cân nhắc việc tham gia dự án hay không. Nguyên nhân là bởi một số các sản phẩm hiện có hoặc đang có ý định phát triển của Vinachem trùng với các sản phẩm mà Tổ hợp Hóa dầu miền Nam sẽ làm ra. Như vậy, nếu cả hai bên vẫn giữ hướng phát triển như dự định hiện nay của mình thì nhà đầu tư sẽ cạnh tranh với chính công ty mà mình góp vốn.
Trong trường hợp Vinachem không tiếp tục tham gia Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, việc tìm kiếm một đối tác khác để nhận lại cổ phần này (mà vẫn đảm bảo được tỷ lệ góp vốn của phía Việt Nam ở mức thích hợp) cũng đặt ra các thách thức mới trong quá trình triển khai dự án. (Diễn Đàn Doanh Nghiệp 21/8, Mục Đầu tư, tác giả Yên Hưng)

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên