PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Vinashin và Vinalines nợ PVFC hơn 2.700 tỷ đồng

Tại ngày 30/6/2012, tổng dư nợ tín dụng mà PVFC đã cấp cho một số công ty thuộc Vinashin là 1.069,4 tỷ đồng, cấp cho một số công ty thuộc Vinalines là 80,97 triệu USD tương đương với 1.686,5 tỷ đồng.
Tại Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên của Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) có ghi chú về khoản dư nợ của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Công ty kiểm toán Deloitte cho biết, căn cứ vào văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước về xem xét khoanh nợ, cơ cấu lại các khoản nợ của Vinashin và Vinalines, PVFC đã thực hiện ý kiến chỉ đạo giữ nguyên trạng thái nợ hiện tại đối với Vinashin kể từ năm 2009 và từ năm 2011 đối với Vinalines.
Đồng thời, cũng theo chỉ đạo này, PVFC chưa trích lập dự phòng bổ sung đối với một số công ty thuộc Vinashin và một số công ty thuộc Vinalines.
Tại ngày 30/6/2012, tổng dư nợ tín dụng mà PVFC đã cấp cho một số công ty thuộc Vinashin là 1.069,4 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng cấp cho một số công ty thuộc Vinalines là 80,97 triệu USD tương đương với 1.686,5 tỷ đồng.
Hiện tại, PVFC đang tiếp tục làm việc với Vinashin, Vinalines và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về phương án xử lý và thu hồi các khoản cho vay này.
Đến ngày 21/9, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) công bố văn bản giải trình báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên đề ngày 19/9 của PVFC. Tổng công ty này cho hay, đang tích cực làm việc với Vinashin, Vinalines cùng các đơn vị có liên quan để thu hồi nợ.
"PVFC tin tưởng rằng việc thu hồi nợ và xử lý nợ tại Vinashin và Vinalines sẽ thực hiện được. Việc xử lý nợ không ảnh hưởng trọng yếu tới tình hình tài chính, kết quả kinh doanh của Tổng công ty" - tổ chức này khẳng định.
Trần tình tăng chi phí, giảm lợi nhuận trong báo cáo
Trước và sau soát xét, lợi nhuận sau thuế của PVFC chênh lệch đáng kể. Nếu trước soát xét, Tổng công ty ghi nhận lãi 202 tỷ đồng thì sau soát xét của kiểm toán, con số này giảm xuống còn 169,3 tỷ đồng, chênh lệch 32,7 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông thiểu số được ghi nhận 38,7 tỷ đồng cũng giảm xuống còn 14,9 tỷ đồng sau soát xét, giảm 23,8 tỷ đồng. Tổng cộng, chênh lệch lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ trước và sau soát xét gần 9 tỷ đồng.
Giải trình về chênh lệch này, PVFC cho biết, do tại thời điểm Tổng công ty phát hành báo cáo hợp nhất quý II vào ngày 10/8/2012 thì công ty con của PVFC là Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI) chưa phát hành báo cáo tài chính đã được soát xét. Do vậy, PVFC sử dụng số liệu lợi nhuận trên báo cáo tài chính chưa được soát xét của PSI.
Tuy nhiên, theo PVFC, sau đó, trên báo cáo tài chính đã soát xét của PSI, phát hành ngày 14/8/2012, kiểm toán viên đã nêu ý kiến ngoài trừ liên quan đến trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư cổ phiếu chưa niêm yết (OTC). Do đó, Tổng công ty đã quyết định trích lập dự phòng bổ sung đối với các cổ phiếu OTC này cho phù hợp với chính sách kế toán khi lập báo cáo tài chính hợp nhất soát xét, dẫn đến việc tăng chi phí và giảm lợi nhuận hợp nhất.
Tỉ lệ nợ xấu tăng từ 2,3% lên 3,2% sau nửa năm
Cũng theo báo cáo soát xét bán niên, tại thời điểm 30/6/2012, tổng nợ xấu của PVFC đang ở mức 1.454,5 tỷ đồng chiếm tỉ lệ 3,2% tổng dư nợ tăng mạnh so mức 2,3% của thời điểm 31/12/2011. Đáng chú ý là nợ có khả năng mất vốn (loại 5) chiếm tới 45% tổng nợ xấu.
Trong cơ cấu dự nợ theo thời gian, so với cuối năm 2011, trong khi nợ ngắn hạn giảm từ 19.949,5 tỷ đồng xuống 18.611,7 tỷ đồng thì nợ dài hạn lại tăng lên 20.895,5 tỷ đồng từ mức 19.497,7 tỷ đồng.
Tại hạng mục chứng khoán nợ có ghi nhận, trong 647,9 tỷ đồng chứng khoán Chính phủ thì có bao gồm khoảng 340 tỷ đồng giá trị mệnh giá trái phiếu do Chính phủ phát hành đã được PVFC chiết khấu với NHNN theo nghiệp vụ thị trường mở và mua bán kỳ hạn để huy động vốn phục vụ hoạt động kinh doanh.
Khoản chứng khoán 1.200 tỷ do các tổ chức tín dụng khác trong nước phát hành có bao gồm 900 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu của các tổ chức tín dụng đã được PVFC cầm cố để huy động vốn phục vụ hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, 1.040 tỷ đồng chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành cũng bao gồm 270 tỷ đồng giá trị mệnh giá trái phiếu đã được PVFC cầm cố để huy động vốn phục vụ hoạt động kinh doanh.
Báo cáo tài chính soát xét bán niên của PVFC cũng cho thấy, đến 30/6/2012, vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại PVFC đang là 4.680 tỷ đồng, chiếm 78% vốn điều lệ, Morgan Stanley nắm 10%, các cổ đông khác năm 12%. Số lượng cổ phần PVF đăng ký và phát hành ra công chúng tại ngày 30/6 là 600 triệu đơn vị với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Mới đây, tại thông báo số 309 của Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 28/8/2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu PVN không duy trì PVFC trong bối cảnh, PVFC đang có ý định chuyển đổi thành ngân hàng thương mại. Thông tin này từng được ông Nguyễn Thiện Bảo, Tổng giám đốc PVFC trao đổi với báo chí hồi tháng 4, theo đó, PVFC sẽ thực hiện chuyển đổi thông qua hợp nhất với một ngân hàng thương mại. (Dân Trí 21/9, Mục Kinh doanh, tác giả Bích Diệp; Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh 22/9, tr2; Cafef.vn 21/9, Mục doanh nghiệp) 

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên