PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Trung Quốc sẽ khoan dầu tại vùng nước sâu phía tây Biển Đông?

07/12, Bloomberg đưa tin, CNOOC, Tập đoàn thăm dò dầu khí xa bờ lớn nhất Trung Quốc, có kế hoạch bắt đầu khoan các giếng dầu nước sâu và tăng gấp đôi sản lượng dầu thô và khí tự nhiên tại khu vực phía tây Biển Đông nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của nước này. 
Tập đoàn dầu khí lớn thứ 3 Trung Quốc này có kế hoạch sẽ tăng sản lượng tại khu vực này từ 10 triệu mét khối, tương đương 38,97 triệu thùng, năm 2008, lên 20 triệu mét khối vào năm 2015, ông Ke Luxiong, Phó tổng giám đốc chi nhánh CNOOC tại Trạm Giang, Quảng Đông, cho biết sau khi đi thị sát các hoạt động của đơn vị này. 
Nhu cầu năng lượng tăng nhanh tại nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới này đã thúc đẩy tập đoàn dầu khí quốc doanh CNOOC tăng cường thăm dò tại một khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam. 
Ngày 04/12, ông Xie Luhong, Tổng giám đốc CNOOC tại Trạm Giang, cho biết, một số công ty nước ngoài đã bày tỏ sự quan tâm lớn đến việc tham gia đấu thầu phát triển giếng dầu nước sâu của CNOOC trong khu vực này. 
"Các khu vực nước sâu này được cho là có một khối lượng tài nguyên lớn," ông Qiu Xiaofeng, một nhà phân tích thuộc Công ty TNHH Chứng khoán Merchants của Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết. "CNOOC có thể sẽ cần đến sự giúp đỡ của các đối tác nước ngoài do có thể sẽ xuất hiện những khó khăn về kỹ thuật." 
Ông Xie cho biết, CNOOC có kế hoạch hợp tác với các đối tác nước ngoài khoan các giếng dầu nước sâu đầu tiên tại khu vực này vào năm 2010, tuy nhiên, ông đã không cho biết tên các công ty này. "Độ sâu có thể từ 1.500 m đến 1.800 m," ông nói. 
Các đối tác thăm dò hiện tại của CNOOC tại Biển Đông bao gồm Tập đoàn sản xuất dầu khí độc lập Devon Energy (DVN), Tập đoàn Năng lượng Husky của Canada (HSE.T) và Tập đoàn BG PLC (BG.LN). 
Theo ông Xie, công ty này hiện đang khoan ở độ sâu tới 180 mét tại khu vực này. "Có một tiềm năng tài nguyên khổng lồ tại các lô nước sâu ở Biển Đông, hầu hết các lô này được cho là đều chứa các nguồn khí đốt tự nhiên." 
Tháng 11/2008, CNOOC cho biết, đến năm 2020, CNOOC và các đối tác có thể sẽ dành khoảng 200 tỷ nhân dân tệ (29,3 tỷ USD) để phát triển nguồn dự trữ năng lượng ở Biển Đông. 
Khu vực phía tây Biển Đông là khu vực sản xuất khí tự nhiên "quan trọng nhất" của CNOOC, công ty cho biết trên trang web. Tính đến cuối năm ngoái, CNOOC đã khai thác được trữ lượng dầu và khí trong khu vực này lên đến 614,4 triệu thùng. Tương đương 24,4% tổng trữ lượng của công ty (khoảng 2,52 tỷ thùng dầu tương đương). 
CNOOC đã đặt mục tiêu tăng sản lượng trong khu vực này năm nay lên khoảng 44,069 triệu thùng, tăng 13% so với 38,97 triệu thùng của năm 2008, ông Xie cho biết. "Mục tiêu này có thể đạt được trong các điều kiện bình thường." 
Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế có trụ sở tại Paris, Trung Quốc có thể sử dụng 8,3 triệu thùng dầu mỗi ngày trong năm nay, bằng 9,8% tiêu thụ toàn cầu và 46% tiêu thụ của châu Á. 
Biển Đông, rộng 3,5 triệu kilômét vuông (1,4 triệu dặm vuông), trải dài từ Singapore đến Eo biển Đài Loan và bằng 1/3 diện tích Trung Quốc. 
Tháng 7/2008, chính phủ Trung Quốc phản đối kế hoạch thăm dò năng lượng trong khu vực này của Tập đoàn Exxon Mobil, Mỹ với Việt Nam, họ cho rằng kế hoạch này vi phạm chủ quyền của họ trong khu vực. 
Hành động này của Trung Quốc đã bị Việt Nam kịch liệt phản đối vì kế hoạch thăm dò của Exxon Mobil nằm trong khu đặc quyền kinh tế và thuộc chủ quyền của Việt Nam. 
Việc Trung Quốc lên kế hoạch khai thác dầu ở vùng biển Đông mà không có sự đồng thuận của các nước liên quan là một hành động bất chính chống lại Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông. (Vitinfo 9/12; Theo Bloomberg) 

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên