PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Thương vụ dầu khí Trung Quốc - Canada: Nghi án nhà đầu tư Trung Quốc dùng nội gián trục lợi

Thỏa thuận mua bán trị giá 15,1 tỷ USD mà Tập đoàn dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) vừa ký với Công ty Dầu khí Nexen Inc của Canada đang vấp phải trở ngại lớn từ Mỹ sau khi Ủy ban Hối đoái và chứng khoán Mỹ (SEC) kiện CNOOC gian lận để trục lợi từ phi vụ này.
Ém hàng chờ thời
Nexen có khoảng 10% tài sản ở Mỹ, chủ yếu thuộc các giếng dầu trên vịnh Mexico. Chính vì vậy, Mỹ được quyền can thiệp vào bản hợp đồng giữa Nexen và CNOOC. Ngày 27-7, SEC đã nộp đơn lên Tòa án liên bang ở thành phố New York kiện CNOOC do nghi ngờ về vấn đề sử dụng thông tin nội gián để trục lợi. CNOOC và Nexen đầu tuần trước đã thông báo đạt được thỏa thuận CNOOC mua lại Nexen với giá 15,1 tỷ USD và nhân dịp này tuyên bố tặng các cổ đông một khoản thưởng tương đương 61% giá trị các cổ phiếu của Nexen vào ngày hôm đó.
SEC cho rằng quỹ đầu tư Well Advantage ở Hồng Công thuộc sở hữu của tỷ phú Zhang Zhi Rong (Trương Chí Dung) và một số nhà đầu tư Trung Quốc khác đã kiếm được một khoản lợi nhuận 7 triệu USD. Các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục thông qua tài khoản ở Singapore cũng kiếm lời 6 triệu USD. Số tiền trị giá 13 triệu USD này có được qua việc mua các cổ phiếu của Nexen ngay trước khi có thông báo tặng thưởng các cổ đông và sau đó lại bán đi rất nhanh để kiếm lời khi cổ phiếu của Nexen tăng vọt tới 52%.
Theo đơn kiện của SEC, các nhà đầu tư Trung Quốc đã có được thông tin từ trong nội bộ CNOOC về thương vụ này nên hơn 830.000 cổ phiếu đã được Well Advantage “dự trữ” chờ dịp để tung ra. Chiếu theo đơn kiện của SEC, tòa án đã phong tỏa tài sản trị giá hơn 38 triệu USD của Well Advantage. Theo SEC, dù có khó khăn trong việc điều tra về các hoạt động bất hợp pháp được tiến hành ở Mỹ, nhưng SEC đã can thiệp một cách nhanh chóng để phong tỏa tài sản của các nhà đầu tư bị nghi ngờ và yêu cầu các nhà đầu tư Trung Quốc giải trình về hoạt động này của họ. Cả CNOOC, Well Advantage và Ủy ban chứng khoán Hồng Công đều từ chối trả lời các câu hỏi liên quan tới cáo buộc này của SEC.
Đây là giao dịch đầu tư lớn nhất của Trung Quốc tại Canada và thương vụ này sẽ được hoàn tất vào quý 4 năm nay, nếu các cơ quan chức năng cho phép. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, ông Charles Schumer, đã gửi thư đến Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner yêu cầu Nhà Trắng không phê duyệt bản hợp đồng giữa CNOOC với Nexen tới khi Trung Quốc cam kết và chấp nhận mở cửa thị trường hơn nữa đối với hàng hóa của Mỹ cũng như đầu tư của nước này vào Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ lo ngại về những nỗ lực không ngừng của Trung Quốc trong việc sử dụng các công ty nhà nước để thâu tóm các nguồn năng lượng trên thế giới. Năm 2005, Mỹ đã từ chối lời chào mời mà theo đó CNOOC định mua lại Công ty Dầu khí Unocal của Mỹ với giá 18,5 tỷ USD.
Nỗ lực thâu tóm năng lượng
Với tiềm lực tài chính của mình, các công ty năng lượng của Trung Quốc đang vươn tay thâu tóm các công ty hoạt động trong cùng lĩnh vực ở nước ngoài. Fu Chengyu, Chủ tịch tập đoàn Dầu khí và hóa chất Trung Quốc (Sinopec), từng là người điều hành CNOOC, hiện đang nhắm đến các vùng đất có nhiều dầu khí như Iraq, Cameroon và khu vực Tây Phi. Năm 2011, Sinopec đã chi 19,7 tỷ USD để mua lại tài sản của các công ty năng lượng trong đó đáng kể nhất là 5,19 tỷ USD cho Galp Energia của Bồ Đào Nha. Tuần trước, Sinopec cũng thông báo đã đạt được thỏa thuận mua lại 49% cổ phần của Công ty Năng lượng Talisman của Canada trị giá 1,5 tỷ USD. Trong khi đó, CNOOC đã mua lại công ty khai thác dầu cát OPTI Canada có trụ sở tại Alberta, Canada với giá 2 tỷ USD.
Với việc mua lại Công ty Nexen, CNOOC có thể tiếp cận với dầu cát của Canada và sẽ hiện diện tại vịnh Mexico. Theo các chuyên gia, CNOOC có lẽ đã rút kinh nghiệm từ thất bại trong việc mua Unocal của Mỹ nên lần này khả năng CNOOC mua được Nexen là rất cao. Thứ nhất, quan hệ giữa Canada - Trung Quốc được cải thiện trong thời gian qua. Chính phủ Canada hiện đang khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào nước này.
Trong khi đó, sau sự kiện 11-9, Mỹ coi an ninh năng lượng là ưu tiên trong chính sách đối ngoại và luôn nghi ngờ các công ty nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Mỹ. Thứ hai, với việc đầu tư 16 tỷ USD vào Canada trong hơn 3 năm qua, CNOOC đã trở thành cái tên không còn xa lạ tại Canada. Còn người dân Mỹ hiểu rất ít về CNOOC khi họ tiếp cận công ty năng lượng lớn thứ 9 của Mỹ. Cho dù, dư luận Canada không phải không có những lo lắng trong vụ làm ăn với CNOOC nhưng chắc chắn không thể lớn bằng dư luận Mỹ 7 năm về trước. Thứ ba, CNOOC đề xuất mua Nexen đúng vào thời điểm kinh tế phương Tây đang gặp nhiều khó khăn. Hàng loạt các công ty giờ mong mỏi được rót vốn để duy trì các dự án đầu tư năng lượng.
Trung Quốc xuất hiện như “nắng hạn gặp mưa rào”, Nexen thực sự khó cưỡng. Việc Trung Quốc mua Nexen còn mang lợi ích lớn cho kinh tế Canada khi mang đến cơ hội việc làm và động lực cho tăng trưởng kinh tế Canada. Và cuối cùng, mua OPTI của CNOOC chính là một bước đi quan trọng để tiếp cận Nexen khi OPTI chiếm 35% cổ phần trong dự án hợp tác khai thác dầu cát Long Lake với Nexen. (Sài Gòn Giải Phóng 31/7, tr6, tác giả Đỗ Cao)

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên