PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Thưởng Tết: Kẻ cười ngoác miệng, người ngồi buồn xo

Trong khi cán bộ, nhân viên ở nhiều công ty, doanh nghiệp ‘hạng sang’ thuộc các ngành nghề, như: Ngân hàng, dầu khí…"tạm” bằng lòng với số tiền thưởng Tết từ một đến vài chục triệu đồng/người, thì hàng trăm công nhân ở nhiều doanh nghiệp khác của tỉnh Quảng Ngãi lắc đầu: Mong được nhận đủ lương đã là tốt lắm rồi, nói gì đến thưởng. 
Tuy chưa chính thức công bố, thế nhưng nhiều cán bộ, nhân viên ngành ngân hàng đóng trên địa bàn tỉnh cho biết: Số tiền thưởng năm nay chắc không dưới 2 con số (10 triệu đồng). Còn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị chủ quản Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng đã công bố mức tiền thưởng Tết âm lịch cho cán bộ, công nhân. 
Theo đó, cao nhất được trên 29 triệu đồng/người, thấp nhất gần 2 triệu đồng/người, vượt khoảng 4% so với năm trước. “Nghèo” hơn, một công ty con khác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung, cũng đưa ra mức thưởng Tết cao nhất là 3 triệu đồng/người, còn thấp nhất là 500.000 đồng/người. 
Được xem là một trong số những doanh nghiệp hoạt động ổn định, hiệu quả của ngành may ở Quảng Ngãi, Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Thương mại Thuyên Nguyên cũng đưa ra mức thưởng Tết từ 1-5 triệu đồng/người. 
Thế nhưng, theo con số báo cáo hiện có của Sở Lao Động Thương Binh & Xã hội tỉnh, thì số tiền thưởng cao nhất thuộc về Công ty Cổ phần Thuỷ điện Đakđrinh - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, với mức cao nhất là 42 triệu đồng/người và thấp nhất là 3,5 triệu đồng/người, tăng 113,24% so với năm trước. 
Có thể con số này chẳng là gì so với các doanh nghiệp ở những thành phố lớn, như: Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh…Thế nhưng nó lại là con số “khủng” đối với một tỉnh nhỏ như Quảng Ngãi, khi mà mức thu nhập bình quân của hàng ngàn công nhân chưa đầy 2 triệu đồng/người/tháng. 
Chị Nguyễn Thị Hải (26 tuổi), công nhân may ở 1 công ty của tỉnh, lắc đầu: Với số tiền thưởng như vậy thì công nhân ở đây phải làm gần 2 năm mới có. Bởi lẻ bình quân mỗi tháng làm việc cật lực, tăng ca thì cũng chỉ được khoảng hơn 2 triệu đồng/người/tháng. 
Quê ở xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, do nhà nghèo, lại đông anh em nên vừa tốt nghiệp Trung học Phổ thông, Nguyễn Thị Thuỷ (24 tuổi) đành gác lại giấc mơ vào đại học để làm công nhân may cho một Công ty tại một khu công nghiệp trong tỉnh. Thế nhưng do làm ăn kém hiệu quả nên doanh nghiệp thường xuyên nợ lương công nhân. 
Chị Thuỷ giọng đượm buồn: "Đơn đặt hàng không có nên thu nhập của công nhân bình quân cũng chỉ hơn 1,2 triệu đồng/người/tháng. Đã vậy còn bị thường xuyên nợ, hoặc trả lương theo kiểu “nhỏ giọt”, nên nhiều lần phải về nhà xin gạo đem xuống ăn. Năm ngoái lãnh đạo công ty hứa cho mỗi người thùng bánh trị giá 200.000 đồng, nhưng sau đó lại nói rằng doanh nghiệp gặp khó khăn quá nên ‘xin” khất lại". 
Số công ty may làm ăn hiệu quả ở Quảng Ngãi không nhiều, thu nhập lại cũng chẳng cao hơn là mấy. Hơn nữa cũng đủ người rồi; một số khác thì nằm ở địa điểm nhà trọ không có, hoặc rất ít, an ninh không đảm bảo…nên cũng đành phải bám lại đây. 
"Chỉ mong sao công ty tìm được nguồn hàng để thu nhập của công nhân ổn định và đừng bị thiếu nợ đã là tốt lắm rồi, “mơ” gì đến chuyện thưởng hả anh", chị Võ Thị Hồng Ngân, một công nhân may khác tâm sự. 
Không chỉ một vài, mà hàng trăm công nhân khác đang làm việc tại nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn Quảng Ngãi cũng chỉ có ước mơ như thế và không phải làm “chủ nợ” bất đắc dĩ là đủ. Nghe bạn bè được thưởng tết triệu này triệu nọ mà ham. Tết âm lịch năm rồi công nhân ở đây được thưởng 400.000 đồng/người. Nhưng năm nay lãnh đạo công ty nói do làm ăn thua lỗ nên chỉ thưởng mỗi người thùng bánh kẹo tổng hợp, trị giá khoảng 200.000 đồng. Thôi thì có còn hơn không vậy, anh Nguyễn Tấn Vũ (24 tuổi), công nhân cơ khí đang làm việc cho một công ty tại khu kinh tế Dung Quất, thở dài. 
Ông Nguyễn Thái Long, cán bộ Sở Lao động Thương Binh & xã hội tỉnh, tâm sự: Tuy chưa thống kê, thế nhưng được biết rất nhiều công nhân không được thưởng Tết. Và phần đông số này thường rơi vào những doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm ăn kém hiệu quả. Nói gì đến thưởng, ngay cả tiền đóng bảo hiểm cho người lao động mà họ còn nợ, không muốn đóng, thậm chí tìm cách “quỵt” nữa là thưởng. Được biết theo số liệu thống kê đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 200 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội với tổng số tiền gần 13 tỷ đồng. 
“Mặc dù vào ngày 9/12, Sở Lao Động Thương Binh & Xã Hội tỉnh đã có văn bản khẩn gửi cho công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để yêu cầu báo cáo chuyện tiền lương, thưởng Tết cho cán bộ và công nhân, viên chức, với thời hạn chót là trước ngày 17/12. 
Tuy nhiên trong số khoảng 2000/3000 doanh nghiệp được sở gửi văn bản thì đến thời điểm này chỉ có khoảng 15 công ty, doanh nghiệp báo cáo. Không riêng gì năm nay, mà năm trước việc báo cáo lương, thưởng Tết cũng chỉ có khoảng 10% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn là thực hiện mà thôi" - ông Lê Tùng Khánh, Quyền Trưởng phòng Lao động Tiền lương-bảo hiểm xã hội, Sở Lao Động Thương Binh & Xã Hội tỉnh cho biết. (Bee.net.vn 25/12, Mục Điểm nhấn, Tác giả P.H.O; Theo VnEpress 25/12, Mục Kinh doanh) 

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên