PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Thị trường ngoại hối: Không thể sớm hết căng thẳng

Sau khi giá vàng tăng tốc, USD trên thị trường tự do cũng đột ngột lên giá mạnh so với VND và vẫn đứng ở mức trên 19.000 VND/USD. Bên cạnh đó, tình trạng nguồn cung USD khan hiếm đang làm nhiều doanh nghiệp đau đầu. 
Thường thường, vào những tháng cuối năm, nhu cầu nhập khẩu của doanh nghiệp lại tăng mạnh. Kéo theo đó là nhu cầu ngoại tệ cũng lớn dần. Tuy nhiên, họ lại không thể mua USD tại các ngân hàng với giá niêm yết. 
17/11, tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước ấn định ở mức 17.022 VND/USD, với biên độ +/-5%, các ngân hàng thương mại có thể giao dịch ở mức kịch trần là 17.873 VND/USD. 
Thực tế, trong ngày 17/11, hầu hết các ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu như Vietcombank, Eximbank và một số ngân hàng thương mại khác đều niêm yết giá mua bán USD bằng nhau và ở mức kịch trần. 
"Điều đó, chứng tỏ thị trường ngoại hối vẫn chưa hết căng thẳng", giám đốc một ngân hàng nhận xét. Không chỉ tỷ giá được niêm yết ở mức kịch trần, mà doanh nghiệp muốn mua USD của ngân hàng cũng không phải dễ dàng. 
Ông Mai Huy Tân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đức-Việt cho biết: "Chúng tôi đang cần mua 200.000 USD để nhập khẩu máy móc từ Đức để phục vụ sản xuất. Nếu mua với tỷ giá ngân hàng công bố thì chúng tôi chỉ mất 3,6 tỷ đồng. Nhưng thực tế, nếu muốn mua được số ngoại tệ trên thì phải mất gần 4 tỷ đồng". 
"Nếu muốn mua USD từ các ngân hàng thì doanh nghiệp phải chịu thêm các khoản phí mua USD cao hơn mức họ niêm yết. "Đôi khi ngân hàng còn khuyên chúng tôi ra ngoài chợ đen mua USD. Vì bản thân họ cũng không có để bán", một đại diện doanh nghiệp máy tính tại Hà Nội cho biết. Tuy nhiên, nếu mua ngoài "chợ đen" thì các doanh nghiệp phải chịu một cái giá "cắt cổ". 
17/11, USD ngoài thị trường tự do giao dịch quanh mức 19.000 VND đổi 1 USD. Tức là cao hơn 1.000 VND/USD so với tỷ giá do các ngân hàng thương mại công bố. 
Một số doanh nghiệp nhập khẩu khác than thở, sự chênh lệch về tỷ giá thì chỉ các doanh nghiệp nhập khẩu chịu thiệt, còn thiệt bao nhiêu thì phụ thuộc vào khả năng đàm phán của doanh nghiệp với ngân hàng. Họ thường phải trả cao hơn 500 - 600 VND/USD cho các khoản phí. 
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phước Thanh - Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam lại phủ nhận việc này. "Chúng tôi không cho phép mua bán ngoại tệ vượt trần, chúng tôi cấm việc thu thêm phí. Nhưng Vietcombank cũng không có USD để bán, vì không ai bán USD cho chúng tôi". 
Một số ngân hàng thương mại cho biết, hiện các nhà xuất khẩu không chịu bán ngoại tệ cho ngân hàng. Họ giữ trên tài khoản để tự nhập khẩu. 
Theo Hiệp hội Ngân hàng, thường thì các nhà xuất khẩu sẽ bán USD cho ngân hàng đổi lấy VND để chi trả cho sản xuất. Nhưng hiện nay họ được hỗ trợ lãi suất nên không bán USD cho ngân hàng nữa. 
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, Việt Nam luôn trong thế nhập siêu. Năm 2007, Việt Nam nhập siêu tới 12,4 tỷ USD, đến 2008 là 18 tỷ USD và 10 tháng năm 2009 đã nhập siêu 8,9 tỷ USD. 
Trong khi đó, các nguồn cung cấp ngoại tệ như xuất khẩu, kiều hối, vốn đầu tư nước ngoài... lại giảm mạnh. Vì thế, nguồn cung ngoại tệ càng trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, việc nới lỏng chính sách tiền tệ cũng gây áp lực tới tỷ giá. 
Trên thực tế, việc ngân hàng duy trì tỷ giá thấp đã khiến các doanh nghiệp không muốn bán ngoại tệ cho ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp buộc phải mua ngoại tệ bên ngoài với tỷ giá cao, còn doanh nghiệp xuất khẩu thì bán ra bên ngoài để hưởng lợi hơn. 
Theo các chuyên gia kinh tế, tỷ giá phải được nâng lên phù hợp với cung cầu thị trường. Tuy nhiên, việc này không thể làm đột ngột bởi như vậy sẽ gây ra tâm lý phá giá đồng nội tệ, người dân sẽ đầu cơ ngoại tệ nhiều hơn, có thể làm cho VND mất giá mạnh hơn. 
Bên cạnh đó, các khoản nợ của Chính phủ sẽ tăng tương ứng, ảnh hưởng cả đến xuất khẩu và nhập khẩu, từ đó ảnh hưởng tới cán cân thanh toán, dòng vốn đổ vào Việt Nam và dự trữ ngoại hối. 
Nếu duy trì tỷ giá thấp trong thời gian dài cũng gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế như VND được định giá cao sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu, làm năng lực cạnh tranh của hàng hóa kém đi, gây sức ép lên dự trữ ngoại hối. 
Hơn nữa, việc NHNN không nới rộng thêm biên độ tỷ giá mà nâng tỷ giá theo từng bước lên sát với diễn biến thực tế như trong thời gian qua là một bước đi phù hợp. 
Khi tỷ giá trong ngoài không chênh lệch lớn thì nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trên. Trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội 17/11, Thống đốc NHNN cho biết: "NHNN sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương tháo gỡ, giải quyết dần dần khó khăn này, nhưng khó có thể giải quyết tức thời". (Vietnamnet 18/11) 

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên