PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Thị trường chứng khoán cần những "người khổng lồ"

Tăng quy mô, giá trị vốn hóa thị trường là mong muốn của bất kỳ doanh nghiệp niêm yết nào, nhất là trong điều kiện thị trường chứng khoán Việt Nam có rất ít cổ phiếu lớn.
Hơn thế, thực tế kinh doanh đang đặt ra vấn đề hợp nhất để tối ưu hóa chi phí và cơ hội đầu tư đối với các tập đoàn tư nhân Việt Nam. Xu hướng này liệu có dẫn tới sự thay đổi diện mạo của thị trường chứng khoán Việt Nam?
Bà Lê Thị Hoa, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) cho biết, việc Ngân hàng chưa niêm yết toàn bộ 1,6 tỷ cổ phần VCB như công bố hồi quý II/2011 hoàn toàn do ý chí chủ quan của VCB, chứ không phải do khó khăn về thủ tục từ phía cơ quan quản lý. VCB đang chọn thời điểm thích hợp để niêm yết toàn bộ số cổ phần.
Bên cạnh yêu cầu từ cổ đông, lý do để Ngân hàng thực hiện việc niêm yết toàn bộ 1,6 tỷ cổ phần được vị lãnh đạo này chia sẻ là, "khi đánh giá về một ngân hàng, yếu tố vốn hóa thị trường luôn được các đối tác quan tâm bên cạnh các chỉ số về tổng tài sản, doanh thu, lợi nhuận, ROA, ROE…". Bà Hoa cho biết thêm, tới đây sau khi hoàn tất các thủ tục phát hành thêm cổ phần bán cho đối tác chiến lược Mizuho, VCB sẽ thực hiện niêm yết số cổ phiếu đó trên sàn. Khi ấy, quy mô của VCB sẽ chiếm khoảng 8 - 9% giá trị vốn hóa sàn HOSE.
Một xu hướng khác đang diễn ra với nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn, đó là hợp nhất. Vinpearl sáp nhập với Vincom; các công ty con của FPT đã cổ phần hóa hợp nhất trở lại với Tập đoàn. Ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc FPT cho hay, Công ty đã đề nghị với Bộ Tài chính và Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC, cổ đông lớn của FPT Telecom) về việc hợp nhất FPT Telecom vào FPT.
Trước đó, 3 công ty thành viên gồm FPT Trading, FIS và Fsoft sau một thời gian chuyển thành công ty cổ phần đã hợp nhất trở lại vào FPT. Ông Trương Đình Anh cho biết, việc thương thảo với cổ đông lớn đang ở những bước đầu tiên, nếu được chấp thuận, FPT có thể thực hiện qua hình thức gồm hoán đổi cổ phiếu; hoán đổi cổ phiếu và trả một phần bằng tiền để có thể đạt được sở hữu 100% FPT Telecom. Tập đoàn đã chuẩn bị nguồn lực tài chính để thực hiện giao dịch này.
Lý do dẫn đến quyết định hợp nhất và tăng quy mô tập đoàn được các doanh nghiệp giải thích là nhằm tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Ông Trương Đình Anh nói, FPT đang xây dựng kế hoạch kinh doanh toàn Tập đoàn năm 2012. Dự kiến, ngày 25/11 tới, các bộ phận sẽ bảo vệ kế hoạch của mình, dù kinh tế được dự báo khó khăn, tập đoàn này sẽ đặt kế hoạch tăng trưởng 30 - 35% trong năm tới.
Một trong những giải pháp được FPT thực hiện là siết chặt chi phí quản lý, tăng hiệu quả sử dụng người. 9 tháng đầu năm 2011, doanh thu của FPT tăng 23%, trong khi lượng nhân viên giảm 1,57%. FPT Telecom tăng trưởng 47% doanh thu, trong khi số lượng nhân viên chỉ tăng 6%. Bộ phận quản lý tập đoàn (HO) đã giảm 25% nhân lực, dù khối lượng công việc tăng lên. "Chúng tôi đang cố gắng quản lý hữu hiệu nguồn lực của FPT", ông Anh nói.
Trong quý III/2011, một đoàn nhà đầu tư nước ngoài gồm các tổ chức đầu tư lớn trên thế giới, dẫn đầu là JPMorgan Chase đã có cuộc làm việc với HNX để tìm hiểu cơ hội đầu tư, đồng thời họ cũng đi thăm 4 - 5 doanh nghiệp quy mô lớn đang niêm yết trên sàn. Sau buổi làm việc, trò chuyện với một chuyên gia kinh tế của Việt Nam, các nhà đầu tư này nhận xét, quy mô các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán quá bé, chưa đáp ứng được tiêu chí đơn giản nhất của họ. Đối với những nhà đầu tư dạng này, nếu có những cổ phiếu đủ tiêu chí để lựa chọn, mỗi mã họ đầu tư ít nhất cũng khoảng 50 triệu USD.
Trong khi đó, dù VN-Index chưa thoát xu hướng ảm đạm, đầu tư ăn theo các quỹ chỉ số vẫn được coi là lựa chọn có thể xem xét của một bộ phận nhà đầu tư trên sàn. Tại một buổi hội thảo của Công ty chứng khoán VCBS mới đây, các chuyên viên của công ty này khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên cho những cổ phiếu vốn hóa lớn.
Tại đây, họ chỉ phân tích cơ hội đầu tư vào rổ cổ phiếu có đặc tính đó như IJC, PNJ, HPG, PVC, PGS... Biến động trong danh mục của hai quỹ chỉ số đang hoạt động tại Việt Nam là Vietnam Market Vectors và FTSE Vietnam Index là thông tin "nóng" với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sự thành công ngược dòng về thị giá, có thể tạm gọi như thế, của cổ phiếu MSN trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn vừa qua có một yếu tố không nhỏ là do giá trị vốn hóa lớn. Đáp ứng khẩu vị của nhà đầu tư, tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu trên thị trường là mong muốn của bất kỳ lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết nào. Nếu như việc niêm yết toàn bộ cổ phần của VCB được thực tế chứng minh là hiệu quả thì sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn noi theo như Vietinbank, PVGas…
Với các công ty đại chúng có nguồn gốc tư nhân, tạo ra doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn, gia tăng hiệu quả hoạt động, nhằm đứng vững và vượt qua cơn bão kinh tế hiện nay cũng được xem như giải pháp tối ưu. Những người khổng lồ cho thị trường chứng khoán Việt Nam với đúng nghĩa của nó, xét cả về quy mô và hiệu quả hoạt động đang ngày càng trở nên cần thiết. (Đầu Tư Chứng Khoán 25/10)

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên