PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Tháng 10, xuất khẩu đã phục hồi

Trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, tăng mạnh nhất là dầu thô đạt 723.000 tấn, tương đương 590 triệu USD (tăng gần 30%) nhưng phần lớn là do phục hồi sau khi sụt giảm mạnh trong tháng 9.
Tuy vậy, cùng với than đá (tăng khoảng 10%), xuất khẩu dầu cho thấy thị trường năng lượng thế giới đang có dấu hiệu phục hồi. Xuất khẩu vàng, đá quý đã giảm mạnh trong tháng 9 và ổn định ở mức 34 - 35 triệu USD trong tháng này. Các mặt hàng điện tử, máy tính... cũng tăng khoảng 7% nhưng một số mặt hàng quan trọng như gạo, cao su, sắt thép... lại giảm nhẹ.
Trong tháng 10, tổng kim ngạch hàng nhập khẩu đạt 9,1 tỷ USD, giúp giữ nhập siêu ở mức 800 triệu USD. Tính chung từ đầu năm, nhập siêu của Việt Nam ước khoảng 8 tỷ USD, tương đương gần 10,4% giá trị xuất khẩu. Đáng chú ý, nhập khẩu tháng 10 giảm mạnh chủ yếu do giảm nhập xăng dầu - khí đốt và ô tô (đặc biệt là ô tô nguyên chiếc). Riêng lượng nhập khẩu xăng dầu đã giảm khoảng 10.000 tấn, còn 950.000 tấn (tương đương 860 triệu USD). Trong khi đó, lượng nhập ô tô nguyên chiếc giảm 25%, chỉ còn 3.000 chiếc, tương đương 460 triệu USD.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu đã có dấu hiệu phục hồi nhưng không ít các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nhiều lĩnh vực xuất khẩu vẫn bày tỏ lo ngại về tình hình cuối năm nay và sang đầu năm sau. Do đó, để thúc đẩy xuất khẩu trong những tháng cuối năm này cũng như tạo tiền đề cho năm tiếp theo, các chuyên gia thương mại cho rằng Bộ Công Thương cần chú ý đến chính sách tỷ giá. Cơ chế tỷ giá của nước ta về cơ bản là neo tỷ giá (VND/USD). Cách thức điều hành (phá giá danh nghĩa) là nhân tố tăng lạm phát, không kiềm chế được nhập siêu và VND vẫn chịu sức ép mất giá. Vì vậy, thời gian tới, Việt Nam chưa thể theo đuổi chế độ tỷ giá thả nổi, bởi một chế độ tỷ giá thích hợp phải duy trì khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế và tạo được dư địa dao động tỷ giá, qua đó tăng tính linh hoạt cho chính sách tiền tệ.
Các chuyên gia cũng đưa ra giải pháp khuyến khích tiết kiệm, giảm tiêu dùng và chính sách thu hút FDI cần tập trung vào các đối tác tiềm năng; đầu tư tăng năng lực sản xuất các mặt hàng có lợi thế xuất khẩu, trong đó, tập trung mở rộng sản xuất các mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao và liên tục trong nhiều năm. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu phải nâng cao giá trị xuất khẩu hàng nông sản, hướng tới chế biến sâu, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao. Cùng với đó là việc phát huy cao độ chức năng xúc tiến thương mại, tổ chức thị trường và xúc tiến xuất khẩu; xây dựng phương án khai thác hiệu quả các thị trường có FTA, đặc biệt quan tâm khai thác thị trường Trung Quốc. Cuối cùng là tập trung vào việc quản lý nhập khẩu, giảm nhập siêu; hoàn thiện cơ chế điều hành nhập khẩu trên cơ sở xác định lại định hướng điều hành nhập khẩu để đưa ra các giải pháp điều hành nhằm tăng xuất khẩu, giảm nhập siêu, xây dựng khuôn khổ chính sách và cơ chế bảo hộ thương mại hợp lý. (Tin Tức 27/10, tr1+7, Tác giả Uyên Hương)

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên