PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close
Phân mục: Tin hoạt động

Tấm gương học tập Tư tưởng và Đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh: PV Gas thực hiện đột phá về KHCN giai đoạn 2010-2011

Năng động, sáng tạo, khuyến khích sáng kiến áp dụng vào sản xuất để tiết kiệm – Đó chính là một bài học lớn mà Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) học tập được từ tấm gương “Cần – Kiệm – Liêm – Chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài học ấy chính là kim chỉ nam cho hướng đổi mới khoa học công nghệ (KHCN) mà Tổng công ty đã và đang đẩy mạnh.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiết kiệm là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, tiết kiệm không phải là bủn xỉn mà những việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì mất bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng. “Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực” – (Hồ Chí Minh toàn tập).
Hồ Chí Minh đã chỉ ra 3 nội dung cơ bản của việc tiết kiệm, đó là: Tiết kiệm sức lao động. Tức là phải tổ chức sắp xếp cho khéo, phải nâng cao năng suất lao động, “1 người làm bằng 2, 3 người”; tiết kiệm thời giờ. Bác nói: “Thời giờ tức là tiền bạc”, “Phải tiết kiệm tiền của của Nhà nước, của nhân dân và của chính mình”. Việc này được Bác Hồ xác định có liên quan tới tiết kiệm sức người, tiết kiệm thời giờ, “tiết kiệm thời giờ của mình và tiết kiệm thời giờ của người khác”, tiết kiệm tiền của thông qua việc cải tiến lao động sao cho phù hợp…
Để làm được điều đó, Bác đã đề nghị tất cả mọi người đều phải tiết kiệm, đi đầu trong việc thực hiện tiết kiệm là các cơ quan, đơn vị, xí nghiêp. Nội dung của tiết kiệm phải cụ thể, thiết thực ngay trong từng vị trí công tác của từng cá nhân. Bộ đội, chiến sỹ thì tiết kiệm đạn, quân nhu, chiến lợi phẩm; cán bộ cơ quan hành chính thì tiết kiệm thời gian, giấy mực…
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Ai mang vàng vứt đi là người điên rồ. Ai mang thời giờ vứt đi là người ngu dại”. Đặc biệt đối với những người cán bộ, Đảng viên, Người nhấn mạnh “từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân… làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm… Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cá nhân, tập thể, nhất là các cơ quan, đơn vị đã không ngừng triển khai thực hiện các biện pháp về thực hành, tiết kiệm, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường cải tiến, sáng tạo, giảm thiểu thời gian, công sức, tiền của của nhân dân…), tạo thành phong trào thi đua rộng khắp trong đông đảo quần chúng nhân dân. Kết quả đó đã góp phần thực hiện thành công Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tại Tổng công ty Khí Việt Nam, phong trào tiết kiệm được gắn bó chặt chẽ với phong trào sáng tạo, trở thành một động lực phát triển cho toàn Tổng công ty Khí trong nhiều năm qua.
Công nghiệp Khí được đánh giá là nền công nghiệp trẻ nhưng nhiều triển vọng, đóng góp to lớn cho quốc gia ngay từ những ngày đầu thành lập. Dưới sự chỉ đạo sát sao và hiệu quả của Chính phủ, các bộ ngành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Khí Việt Nam – Công ty Cổ phần (PV Gas) trở thành một trong những Tổng Công ty chủ lực - đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, giữ vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp Khí toàn quốc, với nhiệm vụ chính là thu gom, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí. 
Kể từ khi đưa dòng khí đầu tiên vào bờ vào năm 1995 đến nay, PV Gas đã cung cấp cho thị trường hơn 60 tỷ m3 khí khô, 5,3 triệu tấn khí hóa lỏng (LPG) và gần 1,3 triệu tấn khí ngưng tụ (Condensate). Mỗi năm PV Gas cung cấp khí để sản xuất trên 40% sản lượng điện, 30% thị phần phân bón và duy trì trên 70% thị phần khí hóa lỏng trong nước phục vụ các ngành công nghiệp và dân dụng của cả nước. 
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Tổng Công ty Khí Việt Nam đã chứng tỏ công nghiệp Khí là một ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng trong công cuộc CNH - HĐH đất nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, khẳng định vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững, trong chiến lược phát triển năng lượng, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường. PV Gas là một trong 3 đơn vị thành viên hàng đầu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, đứng trong top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, top 10 các doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam,  trở thành Nhà cung cấp khí khô duy nhất và đơn vị sản xuất và kinh doanh LPG số 1 tại Việt Nam. Đến nay, PV Gas đã bao quát hầu hết các hoạt động của ngành công nghiệp Khí Việt Nam, với định hướng chiến lược là: phát triển trở thành một trong những ngành công nghiệp đầu tàu trong nền kinh tế, từng bước vươn ra thị trường quốc tế, xếp thứ hạng cao trong khu vực ASEAN và có tên trong các thương hiệu Khí mạnh của châu Á. 
Là một ngành công nghiệp có tương lai rộng mở, cung cấp nguồn năng lượng tiềm tàng, nhưng công nghiệp Khí luôn đòi hỏi khả năng áp dụng khoa học công nghệ (KHCN) tiên tiến, đổi mới và đảm bảo an toàn. Trong xu thế đổi mới, PV Gas nói riêng, toàn ngành Dầu khí nói chung đang có những bước đột phá, tạo nên những thành tựu đáng ghi nhận, đóng góp to lớn cho sự nghiệp CNH – HĐH đất nước. Công tác KHCN đang phát triển không ngừng và hiệu quả, hỗ trợ đơn vị lựa chọn hướng đi đúng, thúc đẩy năng lực hấp thụ, cải tiến, đổi mới, làm chủ công nghệ trong tất cả các khâu thu gom, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, phân phối và kinh doanh các sản phẩm Khí; tham gia thi công, thiết kế hầu hết các công trình khí quy mô lớn, phức tạp. Công tác nghiên cứu KHCN đã góp phần tạo nên những bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất, đảm bảo ăn tòan cho người lao động. Năng lực KHCN đã cho phép công nghiệp Khí Việt Nam tiếp thu, làm chủ nhanh chóng các công nghệ mới, đi thẳng vào công nghệ hiện đại, xứng đáng với vị trí đáng ghi nhận trong khu vực. 
Thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn, trong thời gian qua, PV Gas đã tích cực triển khai thực hiện 3 nhóm giải pháp đột phá về KHCN trong giai đoạn trước mắt, cụ thể là: Đột phá trong nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của KHCN; Đột phá về cơ chế, chính sách phát triển hoạt động KHCN; Đột phá trong tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ NCKH và phát triển công nghệ (PTCN). Trong năm 2011, PV Gas đã ban hành “Quy chế về Thành lập, Tổ chức, Hoạt động, Quản lý và Sử dụng Quỹ phát triển Khoa học Công nghệ” và quyết định về việc thành lập quỹ phát triển Khoa học Công nghệ của TCT; có chính sách đãi ngộ phù hợp, xây dựng chương trình đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, phát động phong trào sáng kiến cải tiến trong toàn TCT và có tổng kết, khen thưởng cho các sáng kiến có giá trị cao, đem lại hiệu quả, đặc biệt chú trọng, tập trung vào các đề tài có tính ứng dụng thực tế cao, các vấn đề nảy sinh trong thực tế sản xuất kinh doanh (SXKD), đảm bảo chất lượng chứ không dàn trải, mang tính hình thức, số lượng. Công tác hợp tác chuyển giao công nghệ cũng được PV Gas thực hiện tốt. PV Gas đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Viện Dầu khí Việt Nam, PVEP, Tokyo Gas … để phối hợp thực hiện nhiều đề tài NCKH có ý nghĩa thực tiễn và ứng dụng tốt cho hoạt động SXKD của PV Gas. Đối với các đề tài/dự án ứng dụng công nghệ mới, PV Gas đều lựa chọn thuê những tổ chức tư vấn có uy tín và chuyên gia có nhiều kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng của các công trình khí.
Trong giai đoạn 2010-2011, trong số các giải pháp đột phá về KHCN của PV Gas và các đơn vị thành viên đã triển khai áp dụng phải kể đến chương trình “Triển khai quyết liệt kế hoạch nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) để bổ sung nguồn cung khí”. Đây được coi là giải pháp đột phá, nhằm bổ sung nguồn cung khí cho thị trường trong nước trước xu hướng thiếu khí tăng dần trong tương lai. Giải pháp này giúp duy trì và mở rộng hoạt động SXKD của PV Gas, tiếp tục thể hiện vai trò đầu tàu, chủ đạo của ngành công nghiệp Khí Việt Nam. Hiện nay, công tác nhập khẩu LNG giai đoạn Fast track (triển khai sớm) – xây dựng cảng nhập LNG công suất 1 triệu tấn/năm tại Thị Vải (BR-VT) đã được PVN phê duyệt Dự án đầu tư (DAĐT), dự kiến hoàn thành dự án vào năm 2014. Dự án xây dựng cảng nhập LNG công suất 3-6 triệu tấn/năm tại Sơn Mỹ (Bình Thuận) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo lựa chọn địa điểm, và trên cơ sở đó, PV Gas đã hoàn thành báo cáo DAĐT, đang trình các cấp thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, công tác đàm phán về nguồn cung LNG cũng đã được PV Gas thực hiện, đã được thỏa thuận về các điều khoản chính với các nhà cung cấp để cấp LNG khi các dự án đi vào hoạt động.
“Xây dựng, lắp đặt hệ thống SCADA (Điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu) giám sát toàn bộ hệ thống, công trình Khí” cũng là một trong những đột phá mang tính thực tiễn cao. PV Gas đã hoàn thành việc thiết kế/xây dựng, lắp đặt hệ thống SCADA đặt tại trụ sở TCT tại TP Hồ Chí Minh trong tháng 7/2011. Hệ thống này giúp kết nối toàn bộ thông tin trên các công trình/hạ tầng khí chính của PV Gas từ giàn khai thác, hệ thống vận chuyển/phân phối khí, nhà máy chế biến khí, kho cảng sản phẩm lỏng … đến khách hàng tiêu thụ. Hiện nay, các thông tin của hệ thống khí Cửu Long, Nam Côn Sơn 1, PM3-Cà Mau, trải dài trên một địa bàn rộng lớn từ ngoài khơi, qua các tỉnh BR-VT, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Cà Mau … đã được truyền về trung tâm Điều độ khí của PV Gas. Trong tương lai, hệ thống SCADA sẽ tiếp tục được mở rộng cho các công trình khí lớn của PV Gas như dự án (DA) kho chứa LPG lạnh, DA nhập khẩu LNG, DA đường ống và nhà máy khí NCS2, DA đường ống lô B – Ô Môn, DA nhà máy GPP (xử lý khí) Cà Mau …
Lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống SCADA thực sự là một giải pháp đột phá về KHCN giúp PV Gas tăng cường công tác quản lý vận hành, an toàn công trình khí, giảm thiểu rủi ro, nâng cao độ tin cậy của công trình khí; Cung cấp khí ổn định, hiệu quả cho các nhà máy điện chạy khí (chiếm 35-40% sản lượng điện Việt Nam), nhà máy đạm (chiếm 70% nguồn cung phân đạm Việt Nam), có ý nghĩa rất quan trọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực Quốc gia.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD, hàng loạt các ứng dụng công nghệ thông tin cũng được triển khai trong SXKD đã được PV Gas triển khai áp dụng như: Hệ thống họp trực tuyến (Video Conference) đa điểm trong nội bộ PV Gas cũng như giữa PV Gas và Tập đoàn, Phần mềm Quản lý công văn được áp dụng hiệu quả tại Khối cơ quan Tổng công ty và các công ty trực thuộc, Phần mềm quản lý hoạch định các nguồn lực doanh nghiệp - ERP đang được triển khai và dự kiến đưa vào áp dụng trong năm 2012; Phần mềm quản lý bảo dưỡng sửa chữa (BDSC) - Maximo đã được áp dụng thành công tại các công ty KVT,DVK, KTA, NCS và đang được tiếp tục triển khai tại các công ty trực thuộc khác; Phần mềm quản lý dự án – Primavera và phần mềm quản lý dữ liệu dự án - KPOINT đã được triển khai áp dụng đồng loạt tại các đơn vị thực hiện dự án như: Ban XD, Công ty DAK, BPOC, Ban QLDA Khí Đông Nam bộ, Ban QLDA nhà máy GPP Cà Mau; trong từng chuyên môn cụ thể, các ứng dụng CNTT tiên tiến, hiện đại cũng từng bước được PV Gas và các đơn vị thành viên triển khai áp dụng, giúp giải phóng sức lao động, tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả công việc.
Phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của PV Gas phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Các sáng kiến cải tiến được áp dụng trong thực tế đã góp phần vào việc quản lý, vận hành các công trình khí an toàn, liên tục, hiệu quả, bảo vệ môi trường, đem lại lợi ích kinh tế to lớn cho nhà nước, góp phần thiết thực trong việc thực hiện chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí của PVN, Nhà nước. Trong giai đoạn 2010-2011, PV Gas đã có hàng trăm sáng kiến/giải pháp cấp cơ sở với giá trị làm lợi lên đến hàng trăm tỷ đồng; 53 sáng kiến/giải pháp được công nhận cấp PV Gas, trong đó có 12 sáng kiến/giải pháp được công nhận cấp Tập đoàn.
Công tác KHCN được đẩy mạnh đã hỗ trợ hiệu quả để PV Gas dần hoàn thiện những mục tiêu của mình: phát triển Công nghiệp Khí thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường trên cơ sở gia tăng giá trị nguồn khí trong nước, tận dụng nguồn khí từ các nước trong khu vực và thế giới; phát triển PV Gas theo hướng tăng tốc, đột phá, đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả và bền vững trên công nghệ tiên tiến nhất, hướng tới lợi ích chung của cộng đồng xã hội; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đảm bảo nguồn cung ổn định, lâu dài về khí và các sản phẩm khí, trong đó An toàn và Hiệu quả là kim chỉ nam xuyên suốt quá trình phát triển; xây dựng và phát triển thương hiệu PETROVIETNAM GAS thành thương hiệu uy tín, chất lượng và phổ biến. 
Diện mạo hôm nay của ngành công nghiệp Khí Việt Nam, biến chuyển nhanh chóng từ những bước đầu tiên, phát triển mạnh, vững vàng và thuyết phục chỉ trong 21 năm, quả là một thắng lợi to lớn của PV Gas, nhờ sự chỉ đạo sáng suốt, tài tình và kịp thời của Nhà nước, các bộ ngành, của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Trong quá trình phấn đấu vượt qua thử thách, PV Gas đã có nhiều cố gắng đưa ngành công nghiệp khí không ngừng phát triển, theo kịp nhịp độ tăng trưởng KHCN trong khu vực cũng như toàn thế giới, tạo tiền đề xây dựng PV Gas theo mô hình sản xuất kinh doanh hoàn chỉnh ở các khâu thu gom, tiếp nhận, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, phân phối khí và tất cả các lĩnh vực mua, bán, xuất, nhập khí và các sản phẩm khí.
Tiết kiệm bằng sáng tạo - Đây có thể gọi là một thực tế sống động ở Tổng Công ty Khí Việt Nam, thực hiện phong trào: “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo tấm gương của Bác Hồ vĩ đại”.


Chi bộ Văn phòng
Đảng bộ cơ sở Cơ quan Điều hành PV Gas

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên