PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Tân Bộ trưởng Tài Chính: Thực hiện quyết liệt hơn Nghị quyết 11

Tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn Nghị quyết 11 của Chính phủ. Đó là một trong những công việc ưu tiên của Bộ Tài Chính, từ đó làm tốt các giải pháp thuộc chức năng nhiệm vụ của mình… 
Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh điều này trong cuộc trao đổi với báo giới về chính sách tài chính trong thời gian tới. 
Theo tân Bộ trưởng Vương Đình Huệ, dù kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn và thách thức, nhưng ông nghĩ nhiệm kỳ tới đây cũng có thuận lợi căn bản. 
Chính sách tài chính quốc gia trong 5 năm tới sẽ hướng vào trọng điểm là động viên hợp lý tất cả mọi nguồn lực của đất nước nhằm phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. 
Đồng thời, phân bổ các nguồn lực này một cách đúng đắn và sử dụng có hiệu quả để nâng cao hiệu lực hiệu quả của chi tiêu công nhằm thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm cũng như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm. 
Bộ trưởng Vương Đình Huệ nêu rõ, khi nền kinh tế rơi vào suy giảm hoặc khủng hoảng, thông thường biện pháp đầu tiên và quan trọng nhất là áp dụng chính sách tiền tệ, khi đó chính sách tài khóa cũng được sử dụng rất linh hoạt để phối hợp với chính sách tiền tệ. Chính sách tài khóa được ví như "chất dẫn thuốc" hay "viên kẹo ngọt" để làm giảm vị đắng của chính sách tiền tệ chặt chẽ, đồng thời phối hợp cùng chính sách tiền tệ để làm cho nền kinh tế không bị suy giảm sâu và nhanh chóng vượt qua đáy của suy thoái. Đó là nguyên lý chung. 
Vì vậy, gói miễn giảm thuế tới đây được Chính phủ trình Quốc hội một phần cũng nhằm thực hiện hỗ trợ cho những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp cũng như của người lao động. 
Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Nguyễn Đình Cung cho rằng đã có thể khẳng định một sự đồng thuận xã hội trong yêu cầu ngành tài chính phải thay đổi cách tiêu tiền. 
Ngành tài chính cần tạo cho được niềm tin của người dân vào đồng tiền, để người dân bỏ tiền ra đầu tư tạo ra năng lực sản xuất mới, giá trị gia tăng mới chứ không phải chủ yếu là đầu cơ hoặc tích trữ vào vàng, đôla, bất động sản để không bị lạm phát tước đoạt tài sản... 
Viện Phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng ngành tài chính phải thúc đẩy tái cơ cấu thực chất là thay đổi động lực tăng trưởng. Động lực cũ chỉ có thể giúp chúng ta phát triển đến như ngày nay, muốn có dư địa để giàu hơn, phát triển hơn thì ta phải thay đổi. 
Giải pháp để tái cơ cấu thì rất nhiều, nhưng trọng tâm, cần thực hiện ngay là: ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả đầu tư, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước... 
Đặc biệt về ổn định vĩ mô, không nên thấy có hiệu quả một chút rồi lại làm như cũ. Ổn định phải vững chắc, theo tiêu chuẩn thế giới chứ không phải định tính. Ví dụ lạm phát không phải “một con số” mà phải cụ thể, chỉ nên 4%/năm, bội chi ngân sách 3%... 
Động lực cho sự phát triển của Việt Nam 25 năm qua là tăng vốn đầu tư, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên... Những động lực đó giờ cơ bản đã gần hết, nếu không đi vào phát triển chiều sâu, nâng hiệu quả, năng suất lao động, phát triển công nghệ... thì Việt Nam sẽ giậm chân tại chỗ. Mà trong thế giới phát triển không ngừng, đứng nguyên có nghĩa là đang tụt lại... 
Ngành tài chính cần tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân vượt khó. 
Để phát triển khu vực kinh tế tư nhân thì hỗ trợ chỉ là một phần mà phần quan trọng hơn phải cải tạo khu vực doanh nghiệp nhà nước để khu vực này không chèn lấn. Hiện khu vực doanh nghiệp nhà nước đang chiếm dụng tỉ lệ vốn, tài nguyên, cơ hội kinh doanh rất lớn trong khi các nguồn lực trên là hữu hạn. 
Nhiều khu vực tư phải tìm cách chui vào vỏ bọc nào đó để tiếp cận được các cơ hội trên hoặc chỉ là để được nhận lại các cơ hội do doanh nghiệp nhà nước bán lại. 
Trong quan hệ với Nhà nước, khu vực tư nhân luôn yếu thế, thậm chí “thấp cổ bé họng”. Vì vậy, nên thành lập Tổng cục hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân. Các cơ quan quản lý hành chính, dù pháp luật quy định thế nào nhưng thực tế luôn ở thế “bề trên” doanh nghiệp. Quan hệ đôi bên không thể bình đẳng. 
Vì vậy, cần một đối trọng đủ mạnh, cũng trong Nhà nước để bảo vệ khu vực tư nhân. Vai trò tòa án hành chính, hiệp hội còn chưa lớn nên để một tổng cục giải quyết với các cơ quan nhà nước khác những vướng mắc vốn rất lớn của doanh nghiệp tư vẫn là cách làm nhanh gọn, hiệu quả nhất. (Theo Tamnhin.net 4/8) 

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên