PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Sáp nhập 2 Sở: Quan trọng là sự đồng thuận

Dù mới chỉ dừng ở mức độ xây dựng đề án tại cấp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhưng câu chuyện sáp nhập 2 Sở giao dịch chứng khoán đang được bàn tán râm ran trên thị trường. Liệu khả năng sáp nhập 2 Sở với nhau có khả thi và câu chuyện sáp nhập nếu xảy ra thì nên như thế nào là tốt nhất? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia độc lập Huy Nam về các vấn đề xoay quanh câu chuyện đang nóng hổi này. 
Ủy ban chứng khoán đang xây dựng đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán trong đó có phương án sáp nhập HOSE và HNX lại với nhau. Ông có nhận xét gì về phương án này? 
Ở nhiều nước, việc sáp nhập các Sở giao dịch chứng khoán là rất bình thường và không quá khó khăn, bởi các Sở này hoạt động dưới hình thức sở hữu tư nhân. Vì thế, khi có ý định và thấy ở nhau sự đồng lòng cũng như thấy được lợi ích của sự sáp nhập, quá trình sáp nhập diễn ra nhanh chóng. 
Ở Việt Nam thì khác. Có thể thấy, sáp nhập 2 Sở giao dịch chứng khoán, nếu xảy ra sẽ chủ yếu đến từ chủ trương của Ủy ban chứng khoán và cơ quan cấp cao hơn. Chủ trương này có thể xuất phát từ những tính toán như sau sáp nhập, việc tổ chức, quản lý có thể sẽ ít chi phí hơn, công tác nhân sự, kỹ thuật cho điều hành thị trường chứng khoán cũng có thể tiết giảm… 
Nhưng từ nhu cầu thị trường, liệu có cần một cuộc sáp nhập, theo ông? 
Nếu chỉ dựa vào hoạt động giao dịch đơn thuần trên thị trường thì rất khó có đánh giá chính xác. Vì lượng giao dịch giai đoạn này có thể ít và thị trường ảm đạm khiến người ta có cảm giác không cần phải tổ chức một bộ máy cầu kỳ để quản lý điều hành. Nhưng nếu ngày mai hay trong tương lai, nhu cầu giao dịch thay đổi, lượng mua bán tăng lên thì sẽ thế nào? 
Hiện tôi vẫn thấy việc duy trì hình thức 2 Sở giao dịch chứng khoán không có gì bất ổn cả. Thậm chí, nhờ tổ chức thành 2 Sở mà việc cạnh tranh, cải tiến để thu hút hàng hóa chất lượng cao cũng được nâng tầm. Tuy nhiên, nhiều khả năng, phía Ủy ban chứng khoán đã thấy được những lợi ích từ việc sáp nhập nên mới nghiên cứu về khả năng này. 
Nếu đề án sáp nhập 2 Sở được Ủy ban chứng khoán và Bộ Tài chính đồng thuận đề xuất triển khai, theo ông nên sáp nhập như thế nào để đạt hiệu quả nhất? 
Từng nấc một, từ 2 Sở với nhau, đến Sở - Ủy ban chứng khoán và cao hơn là Bộ Tài chính đều cần tìm được tiếng nói đồng thuận. Đặc biệt là giữa 2 Sở phải có sự thông tỏ, tin tưởng và tự nguyện sáp nhập. Về phía Ủy ban chứng khoán, cần cân nhắc kỹ càng hơn những được - mất của việc sáp nhập trên bình diện tổng thể thị trường. Cái được từ sáp nhập là tiết kiệm chi phí, quản lý có thể quy về một mối…, nhưng cái mất có thể cũng không nhỏ, ví dụ như sự xáo trộn khó tránh khỏi. Nếu đã xác định phải sáp nhập thì một phương án sáp nhập chi tiết (như thời điểm sáp nhập, kỹ thuật sáp nhập, những vấn đề nảy sinh sau sáp nhập…) theo hướng có nghiên cứu kỹ lưỡng, có dự trù mọi khả năng xảy ra là rất cần thiết. 
Liệu thị trường chứng khoán Việt Nam chịu tác động như thế nào nếu diễn ra việc sáp nhập 2 Sở, thưa ông? 
Rất khó để đo được mức độ tác động của tiến trình sáp nhập 2 Sở giao dịch chứng khoán lên hoạt động của thị trường chứng khoán. Nhưng một điều chắc chắn là bấy giờ, nhà đầu tư sẽ phải chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Thay vì chỉ giao dịch ở sàn Thành phố Hồ Chí Minh hay sàn Hà Nội thôi, khi đó số lượng cổ phiếu mà nhà đầu tư phải sàng lọc và theo dõi sẽ tăng lên rất nhiều. Nếu không chuyên nghiệp, nhà đầu tư rất khó tìm thấy cơ hội đầu tư phù hợp. 
Vậy theo ông, điều kiện cho sáp nhập 2 Sở hiện đã chín mùi chưa? 
Phải thấy rằng, trước đến giờ chúng ta chưa từng triển khai công việc nào như thế. Nếu việc sáp nhập 2 Sở xảy ra, đây là lần đầu tiên mà chúng ta đặt lên bàn để cân nhắc. Do đó, nếu bây giờ bạn hỏi đại diện 2 Sở hay phía Ủy ban chứng khoán thì cũng khó nhận được câu trả lời chính xác. Mọi người vẫn sẽ nói phải nghiên cứu, xem xét thêm. Theo tôi, chúng ta cần nghiên cứu nghiêm túc, chứ không đơn thuần triển khai theo cảm tính hay theo ý chí chủ quan. Phải nghiên cứu như nghiên cứu một dự án, dưới nhiều góc độ và có phân tích lợi hại rõ ràng. (Đầu Tư Chứng Khoán 3/11) 

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên