PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

PVcomBank - một ngân hàng giàu tiềm năng

Sau nhiều năm chuẩn bị thủ tục, hoàn thiện hồ sơ, cân nhắc các vấn đề pháp lý, Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Tây (WesternBank) đã chính thức hợp nhất bằng một đại hội đồng cổ đông được tổ chức ngày 8-9 ra đời ngân hàng mang tên PVcomBank.
Thực tế, phải nhìn nhận PVFC là một tổ chức tín dụng phi ngân hàng có tiềm lực lớn không những của ngành Dầu khí mà còn đứng hàng đầu các tổ chức tín dụng ở Việt Nam. PVFC có tổng tài sản 90.000 tỉ đồng; vốn điều lệ 6.000 tỉ đồng, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ 78% cổ phần, cổ đông chiến lược nước ngoài là Morgan Stanley PVN và các đơn vị thành viên nắm giữ 10% cổ phần. 13 năm qua, PVFC thực hiện nhiệm vụ quan trọng là quản trị và thu xếp nguồn vốn cho.
Nếu năm 2007, PVFC chỉ thực hiện thu xếp cho 2 dự án của PVN với giá trị thu xếp trên 2.000 tỉ đồng thì năm 2008, PVFC thực hiện thu xếp vốn cho 4 dự án của PVN với tổng giá trị gần 5.000 tỉ đồng. Nguồn vốn năm sau luôn cao hơn năm trước, thể hiện: năm 2010, PVFC đã hoàn thành tốt việc thu xếp vốn cho 8 dự án của PVN với tổng giá trị khoảng 15.000 tỉ đồng. Trong năm 2011, PVFC đã thu xếp vốn thành công cho các đơn vị trong ngành như: Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhiệt điện Nhơn Trạch 2, Thủy điện Đắkđring với giá trị quy đổi đạt trên 22.113 tỉ đồng. Năm 2012, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (chủ yếu là khủng hoảng tiền tệ) chưa lắng dịu, nhiều nước khát vốn, hệ thống các ngân hàng đình trệ. Điều đó cũng ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng ở Việt Nam mà cụ thể là Ngân hàng Nhà nước nâng trần lãi suất, các doanh nghiệp khó tiếp cận dòng vốn. Thế nhưng, trong bối cảnh ấy, PVFC vẫn thu xếp khoảng 2,3 tỉ USD vốn cho Dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2...
PVFC trong quá khứ đã là bệ vững tài chính cho các dự án dầu khí. Có chuyên gia lo ngại rằng, khi PVFC hợp nhất với WesternBank trở thành ngân hàng thương mại thì nhiệm vụ thu xếp vốn ấy không còn được đảm bảo như trước. Tuy nhiên, TS Nguyễn Xuân Thắng, Thành viên Hội đồng Thành viên PVN cho rằng, trước kia, khi PVFC chưa mạnh, các dự án dầu khí thường phải vay tiền các ngân hàng lớn ở Việt Nam như Vietinbank, Vietcombank. Trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu vay tín dụng các ngân hàng ngoài vẫn phải đảm bảo song song với việc PVFC thu xếp vốn. Tuy nhiên, với tiềm lực tài chính của PVcomBank có quy mô tài sản trên 100.000 tỉ đồng, vốn điều lệ 9.000 tỉ đồng được duy trì trong 2 năm 2013 và 2014; tiếp tục tăng vốn lên 12.000 tỉ đồng trong năm 2015 sẽ đảm bảo việc thu xếp vốn cho các dự án lớn của ngành Dầu khí.
Thị trường ngành Dầu khí rất rộng lớn với 24 tổng công ty, công ty con và 126 công ty cháu. Nhu cầu vốn giai đoạn 2011-2015, PVN cần khoảng 50 tỉ USD. Hiện nay, PVN đang thực hiện 5 dự án điện than với số vốn mỗi dự án khoảng 1,2-1,5 tỉ USD. Đây là cơ hội lớn cho PVcomBank hoạt động.
Như vậy, sau khi hợp nhất, PVcomBank có tổng tài sản đứng thứ 9, vốn điều lệ đứng thứ 7 trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Với nhu cầu vốn lớn, đồng thời là cổ đông lớn nhất cùng với lịch sử hợp tác lâu dài, chắc chắn PVN tiếp tục được PVcomBank thu xếp vốn cho các dự án lớn. Vậy nên, việc PVFC chuyển đổi mô hình hoạt động sang ngân hàng thương mại sẽ không ảnh hưởng đến quá trình thu xếp vốn của PVN mà ngược lại còn như “hổ mọc thêm cánh”, tiềm lực được cộng hưởng thêm từ WesternBank sẽ tạo nền tảng vững chắc hơn cho ngân hàng mới trong nhiệm vụ sát cánh cùng các dự án dầu khí.
Cuối tháng 4/2012, PVFC và WesternBank ký thỏa thuận nguyên tắc về việc tái cơ cấu WesternBank và hợp nhất ngân hàng. Sau đó, hai bên tiến hành khảo sát đánh giá thực trạng hoạt động mọi mặt. Giữa tháng 6/2012, sau khi trình Ngân hàng Nhà nước đề án hợp nhất, đề án đó đã được trình lên Thủ tướng phê duyệt. Cuối năm 2012, Chính phủ phê duyệt đề án hợp nhất giữa PVFC và WestenBank. Tháng 5/2013, PVFC và WestenBank trình Ngân hàng Nhà nước hồ sơ xin chấp thuận đề án hợp nhất và các tài liệu hợp nhất đã được trình đại hội cổ đông hai tổ chức tín dụng thông qua. Tháng 6/2013, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận nguyên tắc hợp nhất này. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, quy trình hợp nhất đã hoàn thành. PVcomBank ra đời không chỉ là một bước tiến lớn trong quá trình tái cấu trúc PVN mà còn tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã được Chính phủ phê duyệt.
PVcomBank sẽ cung cấp đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ của một ngân hàng thương mại: huy động vốn cá nhân, dịch vụ thanh toán, mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ, thu xếp vốn cho các dự án trọng điểm… Mạng lưới hoạt động của PVcomBank sẽ được khai thác sâu rộng với 102 điểm giao dịch (1 hội sở, 30 chi nhánh, 67 phòng giao dịch, 4 quỹ tiết kiệm) tại các tỉnh thành trọng điểm của cả nước trên cơ sở kế thừa và phát triển các chi nhánh, điểm giao dịch của PVFC và WestenBank.
Nguyên Chủ tịch HĐQT WesternBank Lại Trí Hiền không giấu nổi niềm xúc động khi biết rằng, nếu cứ để hoạt động bình thường, ngân hàng 25 tuổi này sẽ gặp vô vàn khó khăn. WesternBank là ngân hàng có thế mạnh về bán lẻ kết hợp với thế mạnh bán buôn của PVFC sẽ trở thành một ngân hàng thương mại có dịch vụ đa dạng, tiềm lực lớn. Ông Lại Trí Hiền cho rằng, sự hợp nhất này đem lại hiệu quả cho hai bên, ông hy vọng, PVcomBank sẽ phát triển và vững bền.
TS Nguyễn Xuân Thắng, Thành viên HĐTV PVN kỳ vọng PVcomBank sẽ thay đổi nhiều như xây dựng và ban hành quy chế hoạt động; tăng vốn điều lệ, đảm bảo chất lượng tài sản, đạt và vượt kế hoạch kinh doanh, khả năng thanh khoản cao. Lãnh đạo Tập đoàn kỳ vọng PVcomBank sẽ có năng lực quản trị tốt mà cụ thể Hội đồng Quản trị phải chuyên nghiệp, Ban Tổng giám đốc phải sáng tạo và Ban Kiểm soát phải cẩn trọng.
Ở tất cả các ngân hàng, yếu tố con người luôn được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, đại hội cổ đông quan tâm, liệu rằng chất lượng nguồn nhân lực có được đảm bảo sau khi hợp nhất? Ông Vũ Huy An, nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVFC cho rằng, về cơ cấu tổ chức, PVcomBank sẽ làm theo mô hình chuẩn của ngân hàng thương mại. Về nhân sự sẽ sử dụng tối đa và công tác đào tạo ngắn hạn và dài hạn sẽ phù hợp với nhu cầu sử dụng tại ngân hàng và năng lực của nhân sự đó. Thời gian qua, PVFC đã cử cán bộ sang WesternBank đào tạo nhân sự cho dịch vụ bán buôn; ngược lại WesternBank cử cán bộ sang PVFC đào tạo nhân sự cho hoạt động bán lẻ. Như vậy, thế mạnh về nhân sự của hai bên sẽ được hòa hợp với nhau, tạo nên sức mạnh chung cho PVcomBank.
Tại đại hội, các cổ đông đã bầu ra 7 thành viên Hội đồng Quản trị PVcomBank, trong đó có 1 thành viên Hội đồng Quản trị độc lập; bầu 4 thành viên Ban Kiểm soát ngân hàng. Kết quả, ông Nguyễn Đình Lâm, nguyên Chủ tịch HĐQT PVFC đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT PVcomBank. Ông Nguyễn Hải An đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Kiểm soát PVcomBank. (PetroTimes 30/9) 

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên