PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Phí môi giới: Có nên khống chế mức sàn?

UBCK cho biết, tới đây cơ quan này sẽ xây dựng thông tư mới quy định việc thu phí của CTCK đối với khách hàng nhằm thay thế cho thông tư được UBCK ban hành từ năm 2000 có nhiều điểm không còn phù hợp. Việc có nên quy định mức sàn đối với phí môi giới chứng khoán hay không đang có những dư luận trái chiều. 
Theo quy định hiện hành, CTCK chỉ bị khống chế mức thu phí môi giới trần không quá 0,5%. Định hướng tới đây của cơ quan quản lý là khống chế cả mức phí trần và sàn, CTCK được phép linh hoạt trong khung đó. Mức trần dự kiến không quá 0,5%, mức sàn không thấp hơn 0,15%. Theo UBCK, việc quy định mức sàn nhằm hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các CTCK khi nhiều công ty đưa ra mức phí quá thấp, thậm chí miễn phí giao dịch cho khách hàng. Tuy nhiên, điều này lại gây ra những phản ứng khác nhau trong các NĐT và CTCK. 
Một NĐT trên sàn Thăng Long cho biết, nếu CTCK cung cấp dịch vụ tốt, tư vấn cho NĐT hiệu quả thì việc thu mức phí cao là hợp lý. Phí giao dịch không phải là vấn đề lớn đối với NĐT, mà quan trọng là xu hướng thị trường như thế nào. Nếu thị trường lên thì mức phí cao cũng là chuyện nhỏ, nhưng nếu xuống thì NĐT sẽ phải cân nhắc có đầu tư tiếp hay không. 
Là một NĐT lâu năm trên thị trường, ông Bạch Hưng Hùng cho rằng, đối với NĐT chuyên nghiệp thì phí môi giới rất quan trọng. Các CTCK hiện đang được được hưởng nhiều lợi ích từ việc NĐT, nhất là NĐT tổ chức, NĐT lớn mở tài khoản. Riêng việc thu phí ứng trước, phí cầm cố hoặc lãi suất trên số dư tài khoản NĐT đã khá lớn. Do đó, việc CTCK đưa ra mức phí môi giới thấp, hấp dẫn thu hút NĐT là cần thiết. "Không nên can thiệp, mà nên để các CTCK tự điều tiết với nhau", ông Hùng đề nghị. 
Trong email gửi về ĐTCK, một NĐT viết: "Việc quy định mức trần - sàn đối với phí môi giới là tư duy quản lý bằng mệnh lệnh hành chính. Thực tế, các CTCK chỉ miễn phí giao dịch cho khách hàng trong một khoảng thời gian nhất định để khuyến khích họ mở tài khoản. Họ vẫn thu phí sau khi khách hàng đã tin tưởng và lựa chọn CTCK đó, do vậy không thể nói đây là biện pháp cạnh tranh không lành mạnh. Hơn nữa, các CTCK khi thực hiện miễn phí giao dịch cho khách hàng thì họ phải tự tính toán để đảm bảo chi phí kinh doanh cũng như có lợi nhuận. Các cơ quan quản lý nhà nước nên tạo điều kiện cho sự cạnh tranh. Có như vậy, người tiêu dùng mới được hưởng lợi và đồng thời những CTCK đủ khả năng thì mới trụ vững được trên thị trường". 
Ông Nguyễn Thế Minh- Tổng giám đốc CTCK Hải Phòng (HPS) cho biết, trong năm 2009, bình quân HPS thu về trên 3 tỷ đồng phí giao dịch/tháng. Với tỷ lệ này, HPS chiếm khoảng 1% thị phần giao dịch trên thị trường. "Ở góc độ quản lý CTCK có 13.000 - 15.000 tài khoản (6.000 - 7.000 tài khoản được giao dịch thực tế), với gần 7 năm hoạt động như HPS, tôi hoàn toàn ủng hộ định hướng tới đây của cơ quan quản lý là khống chế cả mức phí trần và sàn, theo đó mức trần dự kiến không quá 0,5%, mức sàn thấp hơn 0,15%. 
Theo ông Minh, khung phí giao dịch dự kiến áp dụng này cũng là khung phí giao dịch hiện hành đang được đa số CTCK áp dụng, trong đó có HPS (hiện HPS áp dụng phí giao dịch dao động ở mức 0,15 - 0,3%)". 
Ngoài ra, theo ông Minh, về lâu dài, nên áp dụng mức phí thu theo lệnh (đang phổ biến tại các nước), chứ không chỉ thu phí theo giá trị giao dịch như hiện nay dù rằng thu phí theo lệnh có thể khiến CTCK gặp một số khó khăn. 
Ông Nguyễn Thanh Kỳ- Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB) cho rằng, việc xây dựng thông tư mới quy định việc thu phí của CTCK đối với khách hàng là cần thiết, khi thông tư cũ được UBCK ban hành cách đây gần 10 năm chưa cập nhật hết tình hình thị trường hiện tại. Ông hoàn toàn ủng hộ quan điểm dự kiến quy định cả mức tối đa và mức tối thiểu, thay cho quy định cũ chỉ quy định mức phí tối đa (mức phí trần)", . 
Ông Kỳ cho biết thêm, khung phí này cũng phù hợp khi mức thu phí giao dịch bình quân trên thị trường tại các CTCK đang là 0,2%. TTCK Việt Nam ngày càng phát triển, càng nên có sự cạnh tranh lành mạnh giữa CTCK, tạo động lực để CTCK mới vươn lên. Hy vọng quy định này sau khi được chính thức ban hành (sau khi lấy ý kiến đông đảo thành viên thị trường) cùng với các quy định liên quan khác, cũng nhằm hạn chế bớt tình trạng các CTCK ngày một mọc lên nhiều, tránh tình trạng "đẻ nhiều mà không biết nuôi". Trên thực tế, các thành viên thị trường đều ủng hộ quan điểm nên cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, chứ không cạnh tranh bằng phí giao dịch. Khi thị trường lên, phí có chạm mức tối đa thì NĐT vẫn giao dịch, còn khi thị trường xuống, miễn phí cũng không có nhiều người muốn giao dịch. 
Ông Vũ Văn Trường- Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, cũng giống như bảo hiểm trước đây, do không có mức sàn nên các công ty đua nhau hạ phí dẫn đến chất lượng dịch vụ kém, kìm hãm lẫn nhau. Sau đó, mức phí sàn được đưa ra đã hạn chế tình trạng này. Đối với chứng khoán cũng sẽ quy định mức phí sàn để các CTCK không thu phí quá thấp và có thể không đưa ra mức trần. Với hơn 100 CTCK đang hoạt động hiện nay thì không nhất thiết phải quy định mức phí trần (chỉ quy định với những ngành nào mang tính độc quyền). (Đầu Tư Chứng Khoán 17/12) 

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên