PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Ngành Dầu khí sẽ là điểm sáng của thị trường chứng khoán 2023

Theo Báo cáo Chiến lược 2023 mới thực hiện của Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI), nửa đầu năm 2023 thị trường Chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục những diễn biến giằng co phân hóa khi thanh khoản trên toàn thị trường cạn kiệt, kết quả kinh doanh Quý 4/2022 sẽ tiếp tục sụt giảm so với các quý trước đó dưới áp lực lãi suất, tỷ giá. Tuy nhiên thi trường Chứng khoán Việt Nam sẽ dần phục hồi, và sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm 2023.


Năm 2022 - một năm đầy biến động. Hàng loạt “thiên nga đen” đã xuất hiện trong năm 2022, như cuộc chiến tại Ukraine, xu hướng nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát của các Ngân hàng Trung ương, Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách zero-Covid kéo dài hàng loạt hậu quả, hay các biến cố trong nước như các vụ án cùng loạt chính sách tăng cường kỷ cương trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu.

Nền kinh tế còn gặp nhiều thách thức nhưng trong tầm kiểm soát

Năm 2023 sẽ còn nhiều biến động, tâm điểm được thể hiện trong Báo cáo Chiến lược 2023 - PSI chỉ ra rằng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại do tác động từ kinh tế thế giới, nhưng áp lực lạm phát, lãi suất và tỷ giá sẽ giảm đáng kể.


Tăng trưởng GDP cả năm 2023 sẽ chậm lại so với 2022 và ước đạt 6,0%-6,5% so với năm 2022. Tuy có nội lực ổn định, kinh tế Việt Nam cũng sẽ khó tránh khỏi bị tác động bởi đà tăng trưởng chậm của kinh tế thế giới trong năm 2023. Sự suy giảm trong nhu cầu tiêu dùng của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ khiến cho hoạt động xuất khẩu trong năm 2023 bị ảnh hưởng.

Dự báo CPI năm 2023 có thể tăng khoảng 4,5% so với 2022. Giá hàng hoá tăng chậm hơn nhờ nguồn cung ổn định trở lại và thông tin Trung Quốc mở của biên giới từ 08/1/2023. Tuy nhiên, một số hàng hoá thiết yếu khác như điện, dịch vụ y tế, giáo dục nhiều khả năng sẽ tăng sau hai năm bị kìm nén giá để hỗ trợ người dân trong đại dịch và gây áp lực lên lạm phát trong năm 2023.

Áp lực tỷ giá trong năm 2023 được PSI cho là sẽ giảm bớt và NHNN không cần phải tiếp tục tăng lãi suất điều hành để bảo vệ VND. Dự báo VND sẽ mất giá so với USD khoảng 3%-4% trong năm tới. Mặt bằng lãi suất trong năm 2023 được PSI dự báo sẽ duy trì ở mức hiện tại và có thể sẽ giảm nhẹ về cuối năm 2023. Tuy nhiên, lãi suất huy động kỳ hạn dài được đánh giá là sẽ khó giảm khi các NHTM sẽ phải đảm bảo giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về mức 30% từ 01/10/2023 tới đây.

Thị trường chứng khoán sẽ có nhiều cơ hội đầu tư từ vùng giá thấp

Khép lại một năm 2022 nhiều cảm xúc, với nhiều nốt trầm. VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm ở mức 1.007,09 điểm, tăng hơn 15% so với mức đáy 874 điểm xác lập giữa tháng 11/2022, nhưng vẫn thấp hơn 35% so với đỉnh lịch sử 1.536 điểm trong phiên giao dịch đầu năm. Trong năm 2022, với mức giảm 32,78%, chỉ số VN-Index giảm mạnh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Dòng tiền khối ngoại quay trở lại, điểm nhấn năm 2022 được xác định trong 2 tháng cuối năm. Tháng 11 và 12, Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng tổng cộng gần 30 nghìn tỷ đồng.


Giữa môi trường nhiều thách thức như vậy, vẫn có những điểm nhấn để săn tìm cơ hội. Theo Báo cáo Chiến lược năm 2023 của PSI dự báo mục tiêu của chỉ số VN – Index trong năm 2023 quay trở lại tích lũy trong vùng cân bằng 1.200 – 1.300 điểm. Việt Nam vẫn sẽ là thị trường hấp dẫn so với các thị trường khu vực trong tương quan tăng trưởng lợi nhuận giai đoạn 2023-2024.

Đà tăng trưởng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp tích cực sẽ là tín hiệu tốt cho sự phục hồi của thị trường chứng khoán. PSI dự báo dòng tiền sẽ có sự dịch chuyển rõ ràng hơn đến những cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn hoặc các doanh nghiệp đã được bảo chứng chất lượng.

Theo Báo cáo, ngành Hàng không sẽ được hưởng lợi đầu tiên nhờ việc giao thương và đi lại thuận lợi. Tiếp theo là ngành hỗ trợ giao thương như Logistics. Một số nhóm ngành bao gồm các ngành có hoạt động thương mại chặt chẽ với Trung Quốc như Dệt may, Thuỷ sản, Bán lẻ, … cũng như các ngành hưởng lợi từ xu hướng hồi phục của giá nguyên vật liệu khi tiêu thụ của Trung Quốc phục hồi như Thép, Dầu khí… được kỳ vọng hưởng lợi. Tiếp đó, nhà đầu tư có thể hướng một phần tỷ trọng danh mục sang những cổ phiếu có lợi suất cổ tức tiền mặt cao như nhóm ngành Phân bón.

Một điểm sáng với nhóm ngành Xây dựng - Câu chuyện giải ngân đầu tư công cũng được kỳ vọng là yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường chứng khoán. Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 dự kiến hơn 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022.

Ngành Dầu khí – “Điểm tựa tin cậy trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững”

Năm 2022 đã chứng kiến những biến động mạnh của giá dầu, giá dầu Brent lập đỉnh 14 năm và đã có thời điểm giao dịch ở mức gần 140 USD/thùng. Dòng chảy Dầu khí trên thế giới được tái định hướng do tác động của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dầu khí đều ghi nhận kết quả kinh doanh ở mức kỷ lục.

Nguồn cung dầu thô thế giới đã quay về gần mức trước dịch trong khi nhu cầu được dự báo sẽ giảm trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2022 và 2023 không mấy tươi sáng do lạm phát và căng thẳng địa chính trị leo thang. Sự suy giảm trên của nhu cầu được bù đắp một phần bởi xu hướng chuyển dịch từ sử dụng khí sang dầu khiến cân bằng cung-cầu không mấy chênh lệch và động thái cắt giảm sản lượng từ từ của OPEC+. Thêm vào đó, nhu cầu dầu được kỳ vọng sẽ phục hồi khi Trung Quốc dỡ bỏ phong toả, tái mở cửa nền kinh tế kể từ đầu tháng 01/2023. Các tổ chức dự báo giá dầu Brent bình quân năm 2023 đạt khoảng 80 USD/thùng và được đánh giá là điểm cân bằng cho cán cân cung-cầu. Nguồn cung dầu thô thế giới đã quay về gần mức trước dịch trong khi nhu cầu được dự báo sẽ giảm trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2022 và 2023 không mấy tươi sáng do lạm phát, dịch bệnh và căng thẳng địa chính trị leo thang. Giá khí đốt tại các khu vực được dự báo giảm từ 23-27% trong những tháng tới so với trung bình năm 2022.


Năm 2022 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) ghi nhận mức doanh thu kỷ lục, đạt 921,2 nghìn tỷ đồng vượt 67% kế hoạch năm, tăng 48% so với năm 2021. Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức tác động rất lớn đến các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn, tuy nhiên, tất cả chỉ tiêu, sản lượng kinh doanh thuộc 05 lĩnh vực của Petrovietnam đều hoàn thành kế hoạch và ghi nhận mức tăng trưởng cao so với năm 2021.

Cùng với những kỷ lục được ghi nhận là sự đóng góp từ các doanh nghiệp, đơn vị thành viên trong các lĩnh vực. 2022 là năm ghi nhận kỷ lục về doanh thu kể từ khi hoạt động của PV GAS với tổng doanh thu đạt 100 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Nhà máy Đạm Cà Mau ghi nhận kết quả kinh doanh cao nhất kể từ khi thành lập với tổng doanh thu ghi nhận ước đạt hơn 15 nghìn tỷ đồng, tương đương sản lượng sản xuất urê quy đổi ước đạt 914,38 nghìn tấn.

Đứng trước dự báo ngành dầu khí thế giới và khu vực trong năm 2023, cổ phiếu ngành dầu khí được đánh giá sẽ có tiềm năng hồi phục mạnh mẽ từ năm 2023. Ở phân khúc Thượng nguồn: việc giá dầu ổn định mức cao hơn điểm hoà vốn của các doanh nghiệp thăm dò và khai thác giúp cho dòng tiền quay trở lại phân khúc thượng nguồn và kỳ vọng tạo nguồn công việc ổn đinh cho các doanh nghiệp dịch vụ công nghiệp dầu khí như PVS, PVD.

Ở phân khúc Trung nguồn: cổ phiếu doanh nghiệp vận tải dầu khí như PVT sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ diễn biến của giá cước vận tại dầu và sản phẩm dầu tại các tuyến quốc tế. Bên cạnh đó, cổ phiếu GAS sẽ là cổ phiếu hấp dẫn trong năm 2023 khi giá LNG tại châu Á và các khu vực đã giảm nhanh các tháng cuối năm và kỳ vọng giữ vững xu hướng trong thời gian tới. Với mặt bằng Crackspread được dự báo sẽ dùy trì ở mức cao là tín hiệu tốt với các NMLD như BSR ở phân khúc hạ nguồn.

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên