PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Ngân hàng: Những món nợ đồng lần và “cái chết dây chuyền”

Trong khi các ngân hàng thương mại nợ lẫn nhau, Ngân hàng Nhà nước lại đang "nợ" Chính phủ các đề án về quản lý thị trường tiền tệ, vàng... Đến nay, nhiều món nợ đã quá hạn. 
Vấn đề đầu tiên dẫn đến việc phải sắp xếp lại các ngân hàng thương mại nhỏ là do họ đều có cùng chủ. Có những đại gia có "chân" trong hơn một ngân hàng thương mại. 
Lại có đại gia không chỉ kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng mà cả bất động sản, thậm chí ôtô, xuất nhập khẩu hàng hóa. Ai dám chắc các đại gia này không "lấy đồ túi trái, bỏ sang túi phải". Và thực tế là khi bất động sản, chứng khoán cùng lao dốc thì hiện tượng "chết dây chuyền" rất dễ xảy ra. 
Thứ hai, thanh khoản của các ngân hàng thương mại gần đây thực sự rất có vấn đề. Bản chất của vốn vay trên thị trường liên ngân hàng là bù đắp thiếu hụt thanh khoản tạm thời. Nhưng các ngân hàng thương mại đã không làm như vậy. 
Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho biết, nguyên nhân khiến ba ngân hàng thương mại trên mất khả năng thanh toán là do họ đã dùng vốn vay ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng để đầu tư trái phiếu dài hạn và cấp tín dụng. 
Thực tế Ngân hàng Nhà nước biết quá rõ những bất thường trên thị trường này khi lãi suất, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng liên tục tăng trong thời gian qua (hiện tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bằng VND bình quân khoảng 36.129 tỷ đồng/ngày; bằng USD quy đổi ra VND đạt 83.775 tỷ đồng, khoảng 16.751 tỷ đồng/ngày). 
Gần đây, rất nhiều ngân hàng thương mại lớn phàn nàn khoản cho vay trên thị trường liên ngân hàng bị quá hạn, thậm chí rất khó thu nợ. Nhưng ông Bắc Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng thương mại lớn thỏa thuận giãn nợ cho những ngân hàng gặp khó khăn. 
Hành xử của một số ngân hàng thương mại lớn tạm thời dư thừa vốn khả dụng là lo lấy thân mình: Co về, không cho vay nữa; và nếu có cho vay thì như BIDV là yêu cầu có tài sản đảm bảo và chỉ cho vay 50%/tổng giá trị tài sản đảm bảo. Như vậy vô hình trung các ngân hàng thương mại đã tự "bịt" lối thoát thanh khoản của mình. 
Không ít ngân hàng thương mại đã phải chấp nhận đến gõ cửa Ngân hàng Nhà nước với giá phải trả rất cao. Và thị trường mở thì "mở cửa" liên tục, bình thường là mỗi ngày một phiên, nhưng cao điểm lên đến 3 phiên/ngày để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng. 
Như vậy vấn đề đặt ra không chỉ là năng lực quản trị điều hành của các ngân hàng thương mại mà bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng cần xem lại phương thức quản lý, điều hành thị trường tiền tệ. 
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải trình Bộ Chính trị Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng trước ngày 20/12. Thời gian không còn nhiều. Nhưng thời gian trình các đề án là một chuyện, vấn đề là nội dung của đề án đó; lộ trình, phương thức thực hiện như thế nào...? (Doanh Nhân 15/12) 

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên