PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Mỹ giúp Trung Quốc thắng thầu dầu khí ở Afghanistan

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã đạt đến thỏa thuận cuối cùng với chính phủ Afghanistan về khai thác mỏ dầu ở lưu vực sông Amu Darya.
Vốn đầu tư trong hai năm đầu dự kiến từ 200 đến 300 triệu USD. Các điều khoản của dự án đã được hoàn thiện và lãnh đạo cấp cao hai bên sẽ phê duyệt trong vòng hai tháng nữa. Giữa tháng 10, Bộ Mỏ Afghanistan đã thông báo như trên.
Làm thế nào CNPC có thể thắng thầu một hợp đồng chiến lược tại một quốc gia mà Mỹ có tầm ảnh hưởng to lớn? Trang web Chính sách ngoại giao của Mỹ cho rằng điều nghịch lý là CNPC thắng thầu nhờ Bộ Quốc phòng Mỹ.
Trang web này nhận định trong 10 năm qua, Trung Quốc đã tìm cách thâu tóm tài nguyên thiên nhiên ở Trung Á nhằm đáp ứng nhu cầu khoáng sản và dầu khí tăng vọt ở Trung Quốc. Tại Afghanistan, năm 2007, các công ty nhà nước Trung Quốc đã thắng lớn trong hợp đồng khai thác đồng trị giá 80 tỉ USD tại thung lũng Aynak.
Trong khi đó, từ năm 2006, Bộ Quốc phòng Mỹ đã khuyến khích đầu tư, phát triển công nghiệp và năng lượng tại Afghanistan cũng như Iraq nhằm làm chỗ dựa nếu Mỹ rút quân hoặc giảm viện trợ cho hai nước này. Năm ngoái, Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ đánh giá tài nguyên khoáng sản của Afghanistan trị giá phải hơn 1.000 tỉ USD. Sau đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thiết kế quá trình đấu thầu và cài cố vấn, luật sư, chuyên gia vào Bộ Mỏ Afghanistan.
Dự án khai thác dầu Amu Darya được đấu thầu đầu tiên xem như thử nghiệm. Hồ sơ dự thầu bao gồm diện tích 4.500 km2 với năm mỏ dầu. Trữ lượng ước tính 80 triệu thùng dầu thô sẽ cung cấp khoảng 11.000 thùng/ngày trong suốt 20 năm.
Thông thường các công ty tư nhân phương Tây đầu tư vào dầu khí ở Trung Á phải xem xét các rủi ro như trữ lượng dầu, cơ sở hạ tầng, chất lượng dầu, vị trí địa lý, khả năng vận chuyển, rủi ro về kinh tế và chính trị. Vì mục đích lợi nhuận nên với các nước có cơ sở hạ tầng kém và rủi ro an ninh cao như Afghanistan, họ thường đòi hỏi phân chia lợi nhuận nhiều hơn.
Tuy nhiên, tại Afghanistan, công ty nào chịu trả tiền bản quyền khai thác cao nhất và chỉ cần đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cơ bản là thắng thầu. CNPC thường chịu trả phí nhiều hơn từ 5-7 USD/ thùng, bởi thế đương nhiên thắng thầu.
Phía Mỹ vẫn giữ quy trình dự thầu như vậy vì hai lý do. Thứ nhất, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố không quan tâm công ty Mỹ hay Trung Quốc thắng thầu miễn quá trình đấu thầu minh bạch. Thứ nhì, Bộ Quốc phòng Mỹ lập luận mục tiêu chính hiện giờ là tìm nguồn thu nhanh chóng cho Afghanistan (để Mỹ nhẹ gánh) và CNPC trả nhiều tiền hơn so với các nhà thầu phương Tây.
Trang web Chính sách ngoại giao nhận định nếu mục đích chính của Mỹ là tìm kiếm doanh thu cho Afghanistan (Afghanistan sẽ không phụ thuộc vào các nước phương Tây thay vì Mỹ) thì CNPC chưa chắc là đối tác lý tưởng. Lý do: CNPC đã từng biết đến như một công ty hay phá vỡ cam kết về thanh toán hợp đồng, sử dụng công nghệ cũ làm chậm quá trình khai thác và phát triển. Cũng với lý do đó mà Kazakhstan từ chối hồ sơ dự thầu của CNPC dù trên giấy tờ CNPC tốt hơn các công ty khác. (Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh 29/10, tr6, Tác giả Quang Minh)

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên