PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Hiệu quả về năng lượng và an toàn cho môi trường từ sử dụng biogas – gas

“Khi sử dụng năng lượng sản xuất từ biogas làm khí đốt, phát điện trong sinh hoạt và sản xuất, người tiêu dùng có thể tiết kiệm 100% chi phí cho điện năng, đồng thời, bã phân làm cho năng suất cây trồng cũng tăng thêm 20%, giúp nhà nông thu lợi nhuận cao hơn mà không phải sử dụng những hóa chất khác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, ông Hồ Chí Tuấn, Trưởng phòng môi trường, Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết. 
Hiện nay, chỉ riêng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh đã có 4.150 mô hình sản xuất khí sinh học (biogas), bao gồm quy mô nhỏ như hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (20 con heo), đến những mô hình trang trại với số lượng lớn đến gần 3.000 con heo. Những mô hình này trải đều ở các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Hóc Môn, quận Thủ Đức, quận 12,…. Trong đó, các mô hình lớn tập trung ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi. 
Khi nói đến hiệu quả kinh tế, lợi ích mang lại từ sử dụng biogas, ông Nguyễn Tấn Luận, chủ trang trại chăn nuôi - thức ăn gia súc, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi nhấn mạnh: “Dù không tự phát sinh tiền lãi, nhưng khi ứng dụng các hầm biogas, trang trại tiết kiệm chi phí cho khí đốt nấu ăn khoảng 3triệu đồng/tháng, chưa kể nguồn nhiên liệu để chạy máy phát điện sử dụng cho toàn trang trại”. Hiện ông Luận đang nuôi gần 3.000 con heo, giải quyết khoảng 200 lao động tại địa phương, với mức lương trung bình là 2,5 triệu đồng/người/tháng. 
Ông Huỳnh Công Bằng, chủ trang trại chăn nuôi 400 con heo, tại ấp Trung Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn lại không sử dụng nhân công trong việc chăm sóc trang trại. Toàn bộ trại của ông Bằng được xây lắp theo hướng chuồng kín, hệ thống phun nước tắm heo, hệ thống máng ăn tiếp nối. Theo ông Bằng, hiện trại được trang bị hệ thống máy lạnh làm mát cho heo, nhiệt độ trong chuồng kín luôn từ 24 o C-25 o C, mức chênh lệch nhiệt độ trong chuồng thấp, nên giúp heo phát triển tốt, rút ngắn thời gian xuất chuồng khoảng 15 ngày, ước tính, có thể tiết kiệm chi phí cho thức ăn lên đến 180.000 triệu đồng/lứa. Ngoài ra, ông Bằng cũng không phải trả chi phí cho điện sinh hoạt, điện chạy máy lạnh làm mát chuồng, khi sử dụng khí sinh học, mỗi tháng trại của ông tiết kiệm 6 triệu đồng tiền điện. 
Mặt khác, khí biogas cung cấp cho chạy máy phát điện sẽ giúp các trang trại, các hộ chăn nuôi chủ động được nguồn điện cho sản xuất, sinh hoạt, ứng phó được tình trạng thiếu điện hiện nay. Với số lượng mô hình trang trại chăn nuôi ứng dụng lắp hầm biogas hiện nay, lượng khí sinh học đã góp phần giải quyết nguồn điện đáng kể cho sinh hoạt và sản xuất trong khu vực thành phố. Ông Luận khẳng định, với 2 hầm biogas của trang trại, trang trại chưa gặp tình trạng thiếu điện. 
Ông Hồ Chí Tuấn cho biết, qua khảo sát thực tế từ các chuồng trại chăn nuôi, phân heo sau khi ủ khí được lấy lên, phơi khô sau đó mới được đưa vào sử dụng làm phân bón cho cây trồng. Đến giai đoạn này, mùi hôi của phân hầu như được khử 90%, môi trường không bị ảnh hưởng bởi mùi phân như trước khi ủ yếm khí trong hầm. Đồng thời, chất lượng phân cao, trong phân chứa đầy đủ các chất hữu cơ cần thiết cho cây phát triển. Loại phân này có thể sử dụng cho cây ăn quả, các loại rau, cây cảnh và kể cả cây cao su cũng phát triển tốt hơn khi được bón phân sinh học. 
Bên cạnh đó, lượng vi sinh vật trong phân cũng bị tiêu diệt triệt để trong quá trình xử lý, chính vì vậy mà người sử dụng yên tâm về vấn đề sâu bệnh khi bón phân. 
Xử lý phân bằng phương pháp ủ yếm khí không những mang lại hiệu quả về năng lượng cho khí đốt và điện sinh hoạt, bã phân sau khi ủ cũng mang lại thu nhập đáng kể cho người chăn nuôi. Hiện nay, giá bã phân là 250 đồng/kg (tại xã Thái Mỹ), nhưng tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, giá bã phân lên đến 450 đồng/kg. 
Ông Nguyễn Tấn Luận cho biết, mỗi tháng trại chăn nuôi của ông sản xuất gần 10 tấn bã phân. Như vậy, ông thu nhập trung bình khoảng 30 triệu đồng/năm khi bán phân sinh học. 
Theo anh Lê Công Mẫn, chủ vườn bưởi rộng 1 ha tại xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi cho biết, khi sử dụng phân sinh học, sâu bệnh trên cây bưởi giảm đến 80%, tính ra mỗi năm anh tiết kiệm được 8 triệu đồng tiền thuốc trừ sâu và 4 triệu đồng cho nhân công phun thuốc trừ sâu. Đó là chưa kể đến giá phân hóa học ngày càng tăng cao, nếu sử dụng phân hóa học, anh mất 24 triệu đồng/năm, trong khi sử dụng phân sinh học, chi phí mua phân chỉ còn một nửa. 
Mặt khác, năng suất cũng cao hơn 20%, trái bưởi đạt chất lượng cao hơn, ngon và trọng lượng nặng hơn so với khi sử dụng phân hóa học.
Mỗi m3 biogas có thể chạy một động cơ 2KVA trong 2 giờ; cung cấp 1,25kWh, hoặc nấu ăn cho gia đình 5 người trong 1 ngày; sử dụng cho bóng đèn thắp sáng trong 6 giờ, chạy tủ lạnh 1m3 trong 1 giờ,... Theo tính toán của Tiễn sỹ Nguyễn Tấn Phong, trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, 1 m 3 biogas tương đương với 0,4 kg dầu diesel, 0,6 kg xăng hoặc 0,8 kg than. 
Nếu tính đơn thuần, sử dụng biogas để thu được lợi ích kinh tế thì hiệu quả chỉ là phần nhỏ, mục tiêu lớn nhất khi ứng dụng công nghệ này vào sản xuất là nhằm giảm thiểu khí thải mêtan từ phân hủy phân chuồng vào không khí. Khi sử dụng phân chuồng chưa xử lý cho bón cây trồng, sau khi phân hủy sẽ phát sinh một lượng lớn khí mêtan, gây hiệu ứng nhà kính cao, thậm chí gấp 3 lần khí CO 2, ông Hồ Chí Tuấn nhấn mạnh. 
Ông Huỳnh Công Bằng chia sẻ: “Cái khó trong chăn nuôi là nước thải và chất thải động vật. Khi ứng dụng phương pháp ủ khí biogas thì sẽ giúp hạn chế ô nhiễm môi trường tốt nhất. Chính vì vậy, khi lượng biogas sinh ra cần phải sử dụng hết, để tránh phát sinh khí mê tan vào môi trường”. (Kinh Tế Việt Nam & Thế Giới 14/12, tr6+7, Tác giả Hồng Nhung và các báo khác: TTXVN 13/12; Theo Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam 13/12, Mục Tin Hoạt động) 

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên