PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Hiện tượng hàng loạt cổ đông lớn ồ ạt bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán: Thoái vốn hay “thoát xác”?

Bất chấp thị trường chứng khoán vẫn đang trong trạng thái èo uột, theo thống kê của một số Công ty chứng khoán, chỉ riêng trong tuần qua đã có trên 100 giao dịch nội bộ và cổ đông lớn trên 2 sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSX) và sàn Hà Nội (HNX). 
Thoái vốn hay “thoát xác”? 
Các thông báo bán ra một lượng lớn cổ phiếu lên tới hàng ngàn tỉ đồng đã làm rúng động thị trường chứng khoán và làm không ít nhà đầu tư, cổ đông nhỏ hoang mang. Thực chất đằng sau việc các đại gia đua nhau bán cổ phiếu là gì và ai lợi, ai thiệt đang là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Cả tổ chức và cá nhân ồ ạt thoái vốn... 
Theo quan sát của giới đầu tư, nhu cầu tái cấu trúc hoạt động của nhiều doanh nghiệp cũng như chủ trương thoái vốn của doanh nghiệp Nhà nước đã làm thị trường liên tục xuất hiện các giao dịch bán ra với khối lượng lớn của các cổ đông lớn và nội bộ. Chính điều này làm cho cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp có nhiều thay đổi.
TPC có tỉ lệ cổ tức hằng năm lên đến 20% nhưng cổ đông lớn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quế Trân vẫn đồng thời mua 10.000 cổ phiếu và bán 672.050 cổ phiếu TPC. Qua đó, Công ty Quế Trân giảm tỉ lệ nắm giữ cổ phiếu TPC từ 7,92% xuống 4,81%. Với PVV, chỉ trong vòng 2 tháng, Công ty chứng kiến sự ra đi của một loạt cổ đông lớn. Cụ thể, Công ty chứng khoán MB (mã chứng khoán: MBS) liên tục bán cổ phiếu PVV, hạ tỉ lệ nắm giữ từ 14,53% xuống còn 4,33%. Oceanbank cũng đã bán hết toàn bộ 5 triệu cổ phiếu - chiếm 18,67% vốn điều lệ PVV và không còn là cổ đông của Công ty này. Tương tự, với chiến lược cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư và thoái vốn khỏi các doanh nghiệp ngoài ngành, PVF lần lượt bán hơn 2 triệu cổ phiếu PTL. PVF thoái vốn còn 5,95% và bán 5 triệu cổ phiếu PVS, giảm sở hữu còn 5,85%.
Không chỉ cổ đông lớn là tổ chức mà cả cá nhân cũng thông báo thoái vốn. Được bàn tán xôn xao nhất trong thời gian gần đây chính là việc 2 nhân vật cộm cán của Công ty Cổ phần khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC) đăng ký bán một lượng lớn số cổ phiếu đang nắm giữ, dù rằng Công ty này vừa có báo cáo tài chính quý II có lợi nhuận tăng khá tốt. Cụ thể, bà Đặng Thị Hoàng Phượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị - đăng ký bán ra 22 triệu cổ phiếu từ ngày 1.8 đến 24.8. Trước đó, ông Đặng Thành Tâm - anh bà Phượng - cũng đã đăng ký bán 22 triệu cổ phiếu từ 30.7 đến 24.8, giảm lượng cổ phiếu nắm giữ xuống 44 triệu cổ phiếu, chiếm 40% lượng cổ phiếu SQC. Với giá trung bình hơn 60.000 đồng/cổ phiếu, nếu giao dịch thành công, ông Đặng Thành Tâm sẽ thu về khoản tiền dự kiến lên tới gần 1.400 tỉ đồng.
Hay như trường hợp hàng loạt nhân vật chủ chốt của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã DLG) bán chui cổ phiếu hồi cuối tháng 6 vừa qua là ví dụ khác. Theo đăng ký, người chủ tịch và nhiều lãnh đạo DLG bán cổ phiếu từ 26.6, nhưng trên thực tế bà Hương (vợ chủ tịch Hội đồng quản trị) đã bán hơn 1 triệu cổ phiếu từ ngày 21.6. Một loạt nhân vật khác như chị chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị, phó Tổng Giám đốc... mỗi người bán hàng trăm ngàn cổ phiếu trước thời hạn đăng ký.
...và “thoát xác”?
Cách đây một năm, mảng tối bắt đầu xuất hiện ở Công ty chứng khoán ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (mã chứng khoán: SBS) khi quý II/2011, Công ty báo lỗ 163 tỉ đồng. Cuối năm, con số nâng lên 610 tỉ đồng và sau kiểm toán, Công ty chính thức lỗ 788 tỉ đồng. Đến quý I/2012 các cổ đông SBS tiếp tục té ngửa khi bị báo lỗ thêm 660 tỉ đồng, tức trung bình 7,3 tỉ đồng/ngày. Lúc này, trên một loạt các đầu báo về tài chính, ông Nguyễn Hồ Nam - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị SBS - nói rằng, SBS đang nỗ lực tái cấu trúc tài chính, khi phục hồi, chắc hẳn SBS sẽ có 600 tỉ đồng tiền mặt gửi ngân hàng, từ quý II/2012, Công ty bắt đầu kinh doanh có lãi... Nhiều tranh cãi xảy ra sau đó cổ phiếu SBS lại được quan tâm và săn đón trở lại. Kết quả, SBS tăng trần nhiều phiên liền trong niềm hân hoan của không ít cổ đông trung thành. Thế nhưng, sau khi vẽ ra viễn cảnh tươi sáng thì chỉ trong vài tuần đầu tháng 4, tháng 5 các sếp lớn tại SBS thoái sạch vốn.
Hơn 2 tháng sau, trong đại hội cổ đông thường niên bị trì hoãn tổ chức tới ba lần, các cổ đông dài hạn mới nhận ra đã bị ăn một cú lừa ngoạn mục khi các VIP này đồng loạt từ nhiệm, rời ghế và bán tháo cổ phiếu trước đó. Cuối cùng, sự thật con số thua lỗ lũy kế của SBS cũng được phơi bày là nó đã ăn gần hết vốn chủ sở hữu. (Lao Động 7/8, tr3, tác giả Bảo Chương)

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên