PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Gió - Năng lượng xanh bền vững cho Việt Nam

Năng lượng gió bền vững, tiềm tàng vô tận, nhưng chưa được khai thác trong chiến lược phát triển năng lượng ở VN. 
Theo số liệu của ngành điện năm 2006, nước ta sản xuất được 60,6 tỷ KWh với tổng công suất lắp đặt 12.352MW. Dự báo năm 2010 sẽ sản xuất 112,658 tỷ KWh với tổng công suất 19.550 MW, 2015 sẽ sản xuất 190,700 tỷ KWh với tổng công suất 32.196 MW, 2020 sẽ sản xuất 294,012 tỷ KWh với tổng công suất 48.642 MW có tính đến nhà máy điện hạt nhân 4000 MW. Tuy nhiên vẫn còn thiếu hụt 4.000 MW nữa, dự kiến sẽ nhập khẩu. 
Tại hội thảo quốc tế về “Quy hoạch năng lượng và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam” ngày 20/6/2009 tại Hà Nội, nhiều nhà khoa học cho rằng: năng lượng thuỷ điện ở nước ta rất giới hạn. Sau nhà máy thuỷ điện Sơn La 2.400MW được khánh thành, thì tất cả nguồn thuỷ điện các sông, suối hiện nay chỉ còn có thể khai thác được 100 MW. 
Chúng ta dự định xây dựng hàng loạt nhà máy nhiệt điện để đáp ứng nhu cầu, cần khoảng 40 triệu tấn/năm than đá nhập khẩu. Vấn đề nhập than không dễ. Về dầu mỏ, chúng ta khai thác hàng năm khoảng 14 đến 22 triệu tấn, chỉ bán ra hơn một nửa lượng dầu thô, số còn lại cộng với hàng tỷ khối khí cũng không đủ cung cấp cho các nhà máy điện và nhu cầu tiêu thụ trong ngành giao thông vận tải, chất đốt cho sinh hoạt… 
Trong lúc đó năng lượng mặt trời, năng lượng gió bền vững, tiềm tàng vô tận chưa được khai thác trong chiến lược phát triển năng lượng. 
Hơn thế nữa, theo dự báo quốc tế, chỉ còn 40 năm nữa là than đá, dầu mỏ, khí đốt sẽ cạn kiệt, loài người sẽ lâm vào tình trạng khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Vì thế nhiều nước công nghiệp phát triển đua nhau khai thác năng lượng mặt trời, năng lượng gió, địa nhiệt, thuỷ triều, sinh học… là những năng lượng sạch, tái tạo được và bền vững cho tương lai… 
Tuy nhiên, đầu tư cho năng lượng mặt trời rất đắt, năng lượng địa nhiệt, thuỷ triều, sinh học rất khó khai thác và cũng rất đắt tiền, nên hiện nay xu thế của thế giới tập trung khai thác tài nguyên gió, coi đây là mục tiêu hàng đầu về phát triển năng lượng tái tạo cho hiện tại và tương lai. 
Gió là tài nguyên bao la, sạch, ước tính tiềm ẩn đến 10 triệu tỷ KW. Nếu sử dụng 10% năng lượng gió cũng đủ dùng cho toàn thế giới. Đó là nguồn năng lượng bền vững trong tương lai cho Việt Nam và cho toàn nhân loại. 
Vì thế, nhiều nước công nghiệp phát triển đầu tư vốn, kỹ thuật lớn để khai thác nguồn năng lượng này. Dẫn đầu là Đức tổng công suất lắp đặt 20.652 MW (số liệu năm 2006), chiếm 5,6% điện quốc gia, rồi đến Hoa Kỳ 11.635 MW, Tây Ban Nha 11.614 MW, Ấn Độ 6.228 MW, Đan Mạch 3.101 MW, Trung Quốc 2.588 MW… 
Nhưng khai thác năng lượng gió không dễ. Nước Đức đạt được thành tựu như hôm nay về năng lượng gió là cả một quá trình, từ năm 1973 đã tập trung đầu tư khai thác. Tuy nhiên cũng có lúc thất bại, như động cơ gió lớn nhất thế giới GROWIAN (cao 102m, đường kính bánh gió 100m) bị đổ năm 1985, có cái thì không khởi động được. Nhưng cuộc cách mạng năng lượng gió của Đức chỉ thực sự bắt đầu từ năm 1991, đã đạt được tiến bộ lớn, ổn định. 
Chương trình phát triển nguồn năng lượng táí tạo được Chính phủ Đức thông qua và có hiệu lực từ 4/2000. Hiệp hội Năng lượng gió của Đức cho biết: tới 2010, năng lượng này sẽ đảm bảo cung cấp khoảng 10% nhu cầu năng lượng trong nước. Cơ quan năng lượng Đức đề ra mục tiêu: năm 2015 sản lượng điện từ năng lượng tái tạo chiếm 20% tổng sản lượng điện quốc gia, trong đó 35.000 MW điện được sản xuất từ năng lượng gió. 
Tuy nhiên, phương tiện khai thác năng lượng gió ở Đức và các nước khác sử dụng KHCN hiện đại, nhưng chỉ dừng lại ở động cơ gió rotor trục ngang, nguyên lý chong chóng có nhiều nhược điểm chưa khắc phục được, vì chưa tìm ra giảI pháp hữu hiệu hơn. 
Nước ta là nước có gió mạnh so với các nước trong khu vực. Ngân hàng thế giới đã điều tra và lập bản đồ gió của nhiều khu vực trên thế giới cho thấy Việt Nam có 28.000km2 (8,6% tổng diện tích) có gió tốt. Trong khi đó Campuchia chỉ có 345km2 (0,2% tổng diện tích), Lào - 6776 km2 (2,9), Thái Lan là 761km2 (0,2%). 
Từ những năm 1960 nhiều cơ quan, đơn vị, sở, ban, ngành, viện nghiên cứu, trường học, quân đội, cá nhân, công nhân, nông dân, kỹ sư… nước ta đã chế tạo hàng vạn động cơ gió loại nhỏ để phát điện, bơm nước ở nhiều nơi ven biển, hải đảo, có làng động cơ gió, nhưng hầu hết bị gãy cánh, gãy đuôi lái, ít cái tồn tại hơn ba năm. Một số nơi mua của nước ngoài như của Trung Quốc, Úc, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Đài Loan… về lắp đặt, nhưng không thành công, mà động cơ gió ở đảo Bạch Long Vĩ là một ví dụ cụ thể. 
Turbin gió ở đảo Bạch Long Vĩ do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mua của Tây Ban Nha giá 0,87 triệu USD có công suất 800KW (nhưng tính đúng gió cấp 5 (12m/s) thì không đạt được 70KW, chỉ bằng 1/10 công suất được công bố) cũng chỉ hoạt động trong thời gian ngắn rồi ngừng. Như thế khai thác năng lượng gió không đơn giản. 
Hiện nay công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) sử dụng công nghệ của Đức lắp đặt ở xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận những động cơ gió cỡ lớn 1,5 MW, giai đoạn I là 30 MW, đầu tư 1200 tỷ đồng, đạt 91,6 triệu KWh/năm. Ở xã Hoà Thắng huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận công ty cổ phần Năng lượng tái tạo châu Á cũng chuẩn bị lắp đặt những động cơ gió cỡ lớn tương tự… 
Những công trình về khai thác năng lượng gió là tiền đề để chúng ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng năng lượng sẽ xảy ra trong vài thập niên tới. (Vietnamnet 30/12) 

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên