PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Đôi điều suy ngẫm về kết quả kiểm toán năm 2018

(GDVN) - Những vấn đề đặt ra trong công tác đầu tư của PVN tại Báo cáo kiểm toán năm 2018 cho thấy hoạt động dầu khí là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro lớn

Theo số liệu mới được công bố, trong những năm qua, tổng tài sản của PVN không ngừng tăng, chỉ tính riêng từ khi bắt đầu hoạt động theo mô hình Tập đoàn kinh tế năm 2006, tổng tài sản của Tập đoàn ước gần 147.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 98.000 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2019, tài sản của PVN tăng hơn 7 lần 829.200 tỷ đồng còn vốn chủ cũng tăng 7 lần đạt hơn 466.000 tỷ đồng. Đây là con số chứng minh rõ nhất cho sự phát triển mạnh mẽ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Bên cạnh đó, PVN là Tập đoàn tiên phong trong hợp tác, hội nhập, góp phần tích cực đưa hình ảnh đất nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

PVN đã xây dựng được đội ngũ những người làm dầu khí hùng hậu, với số lượng lao động hiện có trên 60 nghìn người (trong đó 5,5 nghìn người có trình độ trên đại học, 30 nghìn người có trình độ đại học và cao đẳng và trên 24,5 nghìn công nhân kỹ thuật) hình thành đội ngũ lao động có trình độ cao, đủ khả năng làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong và ngoài nước.

Tập đoàn đã tích cực phát huy và thực hiện hiệu quả vai trò là “đầu tàu” kinh tế của đất nước.


Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

 

Tập đoàn đã trở thành nòng cốt, là hạt nhân trong việc hình thành các khu công nghiệp lớn tại các tỉnh thành phố như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai - Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất - Quảng Ngãi, Vũng Áng - Hà Tĩnh, Nghi Sơn - Thanh Hóa...

Đó là chưa kể đến nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có vai trò không thể thay thế khi tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Bởi nơi nào có hoạt động dầu khí, có giàn khoan dầu khí là ở đó chủ quyền quốc gia được khẳng định.

Về mặt kinh tế thì chỉ tính riêng năm 2018, PVN đã nộp ngân sách Nhà nước chiếm 50% trong tổng số 28 Tập đoàn, Ngân hàng Nhà nước.

Bởi vậy phải khẳng định tính hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhưng ngược lại cũng không thể phủ nhận những nguy cơ tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là ở khâu thăm dò, khai thác dầu khí.

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kết quả kiểm toán tại các Tập đoàn kinh tế, trong đó đánh giá hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, thua lỗ cao, phải bán để thu hồi vốn.

Chưa kể, việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài còn vượt hạn mức quy định trong giấy chứng nhận đầu tư.

Điển hình là Dự án Lô 67 chuyển vượt 142 triệu USD; dự án SK 305 chuyển vượt 15 triệu USD…

Những con số mà Kiểm toán Nhà nước đưa ra là chính xác, và đây cũng là những vấn đề mà PVN đã nhiều lần báo cáo với lãnh đạo Chính phủ và Bộ Chính trị.

Vậy nên, khi đọc thông tin từ báo cáo kiểm toán, chúng ta cần phải có cái nhìn tổng thể về những việc đã và đang làm được của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Từ đó phân tích từng dự án, tìm hiểu nguyên nhân khách quan và chủ quan… để qua đó có cái nhìn tổng thể một cách công bằng, đưa ra nhận định chính xác.

Trong lịch sử ngành tìm kiếm thăm dò dầu khí ngay tại Việt Nam, nếu tính các tập đoàn, công ty nước ngoài “mất tiền” thì con số thống kê được đã lên tới hàng tỉ USD.

Chỉ tính từ năm 1996 đến năm 2018, đã có gần chục tập đoàn và công ty dầu mỏ quốc tế mất chi phí gần 10 tỷ USD do không tìm thấy dầu ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong đó, “ đau đớn” nhất như BP của Anh mất hơn 500 triệu USD và khu mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh, Tập đoàn Total - Pháp và Exxon Mobil của Mỹ mất hơn 500 triệu USD thăm dò ở mỏ Cá Voi Xanh…

Những công ty khác mất vài chục triệu đến trăm triệu USD thì cực nhiều. Rủi ro lớn là vậy nhưng dầu khí cũng siêu lợi nhuận, đôi khi vận rủi của người này lại là may mắn của những người khác.

Đơn cử như chuyện về mỏ Đại Hùng, một Tập đoàn khai thác thấy không hiệu quả đã bán lại cho PVN với giá… 1 USD.


Người lao động PVEP trên giàn Đại Hùng 01.

 

Và các nhà khoa học của PVN đã thay đổi phương pháp khai thác, mở rộng tìm kiếm, thế là 5 năm nay, mỗi ngày Đại Hùng 01 cho trên dưới 10 ngàn thùng dầu.

Tiếp đến là mỏ Hải Thạch- Mộc Tinh, BP chấp nhận mất chi phí nửa tỉ USD để rồi trao lại toàn bộ hồ sơ cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Sau khi nghiên cứu, nỗ lực bằng nhiều giải pháp quyết liệt, đến nay, mỗi ngày cụm mỏ này nộp cho Nhà nước hơn 1 triệu USD.

Nói về tính rủi ro trong hoạt động dầu khí, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay: Dầu khí là một ngành mạo hiểm, rủi ro muôn vàn.

Tôi nhớ câu chuyện được nghe từ thập niên 90 của thế kỷ trước, từ thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi quyết định khai thác mỏ Đại Hùng, đứng trước khó khăn vì các đối tác rút khỏi dự án, kêu gọi đầu tư nước ngoài không được, ông đã kiên quyết cho rằng, nếu nước ngoài không làm được thì mình vay vốn để tự làm.

Rất may sau đó với quyết tâm của ngành Dầu khí, việc khai thác mỏ Đại Hùng đã mang lại lợi ích lớn cho đất nước.

Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng đồng thời cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ việc đánh giá một cách chân thực, công bằng về những rủi ro thực tế của ngành Dầu khí.

“Chúng ta phải biết chấp nhận những rủi ro ấy. Bản thân những người đi làm dầu khí luôn sẵn sàng đối đầu với rủi ro, thậm chí đánh đổi cả tính mạng.

Việc khoan không thấy có dầu là điều bình thường, chi hàng chục triệu USD vào một mũi khoan, tưởng chắc chắn thấy dầu nhưng lại không có, đó là một điều hết sức bình thường trên thế giới”, ông Nhương nói.

Tùng Dương (giaoduc.net.vn)

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên