PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Doanh nghiệp xin rút niêm yết - Có đáng lo?

Thời gian gần đây, trên thị trường chứng khoán xuất hiện tượng doanh nghiệp niêm yết xin được tự nguyện rút lui khỏi thị trường. Điều này có thực sự đáng lo? 
Trong số những doanh nghiệp xin lui, không chỉ những doanh nghiệp mới niêm yết khoảng hơn 1 năm, mà có cả doanh nghiệp đã niêm yết được chục năm, kể từ khi thị trường chứng khoán mới đi vào hoạt động. Nhiều ý kiến thành viên thị trường tỏ ra khá lo ngại về điều này, bởi họ cho rằng việc doanh nghiệp xin rút niêm yết đang thể hiện một vấn đề nào đó của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ khác, chưa chắc tình trạng đó đã thực sự đáng lo. 
Có thể sắp tới, 2 mã cổ phiếu ORS của công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông và TRI của công ty nước giải khát Sài Gòn Tribeco sẽ biến mất trên các bảng điện tử. Lý do là cả 2 đều đang xin được hủy niêm yết trên sàn. Điều này có lạ không? Cơ quan quản lý thẳng thắn trả lời. Không lạ. "Hủy niêm yết là chuyện bình thường, trong thị trường có vào có ra", ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết. 
Có vào có ra, bằng chứng là không chỉ có ORS hay TRI, mà một loạt cổ phiếu khác đã rút và đang xin rút khỏi sàn như MKP, IFS, hay V11, S27. Có nhiều lý do từ phía doanh nghiệp, nhưng tựu chung vẫn là do không huy động được vốn, do giá cổ phiếu xuống quá thấp, ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Lý do nào cũng xác đáng nếu xét về phía doanh nghiệp, thế nên các chuyên gia cho rằng, sẽ không cần thiết để hỏi tại sao doanh nghiệp "dứt áo" dời sàn mà phải hỏi, việc tự nguyện rút lui đó đang thể hiện điều gì và thị trường nên ứng xử thế nào. 
Anh Trương Thanh Hải - Trưởng nhóm phòng phân tích, công ty chứng khoán SHS nhận định: "Khi thị trường lên thì lên sàn, khi thị trường xuống thì rời bỏ thị trường. Nhà đầu tư không thiện cảm với cổ phiếu này, doanh nghiệp mang tính chộp giật, những doanh nghiệp này khi niêm yết trở lại tạo ra tâm lý khó khăn cho nhà đầu tư cổ phiếu". 
"Đi" thì không khó, nhưng "về" cũng chẳng dễ bởi chưa cần tính đến độ tin tưởng của nhà đầu tư, của thị trường, doanh nghiệp nếu về, nếu tái niêm yết cũng sẽ mắc phải rào cản từ phía cơ quan quản lý, khi mà Ủy ban chứng khoán "không đánh kẻ chạy đi", nhưng cũng sẽ không nương nhẹ người quay lại, bởi cơ quan này đang ý thức rất rõ về việc phải nâng cao chất lượng hàng hóa cho thị trường. 
"Một thời gian sau, doanh nghiệp không phải muốn vào là được ngay, phải có tiêu chuẩn, điều kiện nâng cao và phải cụ thể hóa bằng văn bản", ông Vũ Bằng cho biết thêm. 
Thị trường chứng khoán hiện đang đón nhận một mặt hàng mới, cổ phiếu mới. Chưa biết là hàng tốt hay không tốt, nhưng chắc chắn một điều, muốn bán được, mặt hàng đó phải có đầy đủ thông số để người mua biết mà lựa chọn. Cũng vậy, cổ phiếu đó chắc chắn phải minh bạch thông tin cho nhà đầu tư xem xét mà đầu tư. 
Thế nhưng, theo chiều ngược lại, nếu cố phiếu rời sàn, nghĩa là cổ phiếu đó đang sợ phải minh bạch thông tin hay không? Nếu câu trả lời là có. Nhìn một cách tích cực, việc tự nguyện xin rút niêm yết đang giúp cơ quan quản lý không cần tốn nhiều công sức mà vẫn thanh lọc được những hàng hóa có chất lượng cho thị trường. (vtv.vn 15/12)

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên