PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Doanh nghiệp "đau đầu" với nợ khó đòi, trăm sự tại "Trái tim nhầm chỗ để trên đầu"?

Khó khăn đã khiến mối quan hệ vay-nợ-nợ-vay trở nên phức tạp.Mọi dự định của cả chủ nợ lẫn con nợ đi tong và rồi, những khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi thành nỗi lo của không ít cổ đông.
Mùa báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2013 đã đi vào những ngày cuối cùng. Dư âm để lại là sự lệch pha khá lớn giữa những doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp tầm nhỏ, tầm trung. 
Một trong những vấn đề doanh nghiệp nhỏ và vừa mắc phải đó là tình trạng cho vay nợ chồng chất trong khi các phương án đòi nợ hay đòi đối tác thực hiện hợp đồng là không có hoặc không đủ chế tài để đòi. Tình trạng đó khiến nhiều doanh nghiệp phải trích lập dự phòng cho những khoản thu đã quá hạn. Hoặc, thậm chí, đến quá hạn trả nhưng doanh nghiệp vẫn tin đối tác, không trích lập hoặc trích lập không đủ để rồi kiểm toán phải có "lời" trong phần ý kiến!
Lo nhất nợ xấu doanh nghiệp
Tại ngày 30/6/2013, công ty vẫn chưa tiến hành trích lập dự phòng cho một số khoản phải thu đã quá hạn. Kiểm toán cho rằng, việc chưa trích lập dự phòng nói trên chưa phù hợp với nguyên tắc thận trọng được quy định tại Chuẩn mực kế toán Việt Nam và hướng dẫn của Thông tư 228 của Bộ Tài chính. Khoản dự phòng phải trích lập, theo ý kiến kiểm toán lên tới 107,2 tỷ đồng. Như vậy, nếu trích lập theo khuyến nghị của kiểm toán, khoản lỗ trước thuế của CNT sẽ lên tới 143,8 tỷ đồng thay vì 36,6 tỷ đồng. 
Giải trình cho ý kiến nói trên, CNT cho biết các khoản nợ quá hạn đều của các khách hàng có quá trình hợp tác lâu dài với công ty, tập trung trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Các khoản nợ đều đã được đối chiếu và xác nhận khoản nợ đầy đủ và có kế hoạch thanh toán cụ thể trong thời gian tới. Tuy nhiên công ty không cho biết cụ thể về thời gian thanh toán. 
Tại PTL, kiểm toán đã lưu ý hàng loạt vấn đề trong đó nổi cộm là việc tại ngày 31/12/2012, khoản phải thu tiền phạt do vi phạm hợp đồng với các công ty sau: Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp dầu khí Sài Gòn PVC - SG (mã PSG), Công ty Cổ phần Thiết bị Nội ngoại thất dầu khí PVC-MT, Công ty Cổ phần Xây lắp đường ống bể chứa dầu khí PVC-PT (mã PXT) và Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghệ và Dân dụng dầu khí PVC-IC (mã PXI) với số tiền tổng cộng là 30 tỷ đồng chưa được đối chiếu xác nhận nợ. 
Kiểm toán lưu ý vậy, còn, PTL có ý kiến khác. Bản giải trình của công ty nêu rất nhiều lý do khiến công ty không thực hiện xác nhận nợ. Tuy nhiên, một khi kiểm toán đã lưu tâm thì nhà đầu tư cũng sẽ lưu tâm chuyện xử lý các khoản phải thu này.
Sau soát xét, V15 lỗ thêm 23 tỷ đồng nâng mức lỗ lũy kế bán niên lên 26,3 tỷ đồng thay cho mức lỗ 2,9 tỷ đồng trong báo cáo tài chính quý 2 công bố trước đó. Ngoài ra, công ty kiểm toán còn lưu ý đến khoản phải thu khách hàng đã quá hạn thanh toán trên một năm khoảng 86 tỷ đồng! Với một doanh nghiệp vốn điều lệ chỉ trăm tỷ như V15 mà "đèo bòng" nỗi lo khoản phải thu quá hạn đến 86 tỷ đồng là điểm khó lòng khiến cổ đông an tâm dù cho thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy công ty đã đánh giá khả năng thu hồi nợ của từng khách hàng và trích lập dự phòng 1,5 tỷ đồng cho khoản quá hạn thanh toán 101 tỷ đồng.
Đáng buồn, những trường hợp nêu trên chỉ là vài ba dẫn chứng đơn lẻ. Thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều doanh nghiệp đang đau đầu với khoản phải thu quá hạn.
Trái tim nhầm chỗ để trên đầu?
Tất nhiên, chuyện làm ăn không thể thoát khỏi chuyện vay, nợ, nợ, vay. Vòng xoáy đó tồn tại như một lẽ hiển nhiên, đặc biệt đối với Doanh nghiệp Việt. Những năm lãi suất ngân hàng lên cao ngất ngưởng, chuyện mua hàng, nợ tiền; chuyện vay vốn những doanh nghiệp "thân quen" để vượt qua cơn khốn khó trở thành chuyện thường xuyên. 
Nếu chuyện kinh doanh diễn ra xuôi chèo mát mái thì đa phần sự vay mượn cũng không quá rủi ro. Tuy nhiên, kinh qua mấy năm khó khăn, chính bản thân chủ nợ cũng đối mặt với nợ nần, thua lỗ thì chuyện các doanh nghiệp đang vay nợ mình gặp khó còn khó kiểm soát hơn. 
Quá tin vào đối tác. Cho vay và chế tài xử lý khi chuyện vay nợ không như dự kiến ban đầu đã khiến không ít "chủ nợ" phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ mà mình đã đinh ninh sẽ thu hồi đúng hạn. Khó khăn đã khiến mọi dự định của cả chủ nợ lẫn con nợ đi tong và rồi, những khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi nhiều tỷ đồng xuất hiện trong câu chuyện kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và thành nỗi lo của không ít cổ đông. (Cafef.vn 17/9, mục thị trường chứng khoán, tác giả Thanh Hiên) 

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên