PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Cần chiến lược cho năng lượng sinh học

Đã có những nghiên cứu tiêu biểu về năng lượng sinh học như nghiên cứu tổng hợp biodiesel từ một số dầu thực vật bằng phản ứng trao đổi; nghiên cứu tổng hợp thành công loại Zeolite ETS-10 và khảo sát ứng dụng của nó trong phản ứng trao đổi ester dầu mỡ động thực vật thải thành biodiesel với hiệu suất trên 97%... nhưng ứng dụng thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. 
Khẳng định giá trị 
Nhiên liệu sinh học còn được gọi là biofuel hay agrofuel, là loại chất đốt được tổng hợp từ nguyên liệu động thực vật gọi là sinh-khối biomass. nhiên liệu sinh học ở ba thể chính: Thể rắn (củi, than củi); thể lỏng (xăng sinh học, diesel sinh học…) và ở thể khí (khí methane sinh học-biogas). 
Theo Tiến sĩ Huỳnh Quyền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu (RPCT) - Đại học Bách khoa Thành Phố Hồ Chí Minh, chính sự phát triển trong lĩnh vực khai thác chế biến nhiên liệu hóa thạch đã kìm hãm sự phát triển của nhiên liệu sinh học. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, đứng trước sự cạn kiệt trong tương lai của các nguồn nhiên liệu hóa thạch, sự biến động thị trường dầu mỏ gây bất ổn đến sự phát triển ổn định của các nền kinh tế… thì nhiên liệu sinh học được nghiên cứu khá nhiều và đang hình thành xu hướng ứng dụng nhiên liệu sinh học thay thế dần dần nhiên liệu hóa thạch. 
Hiện nay, trên thế giới có khoảng hơn 50 nước đã tiến hành nghiên cứu sản xuất và đưa vào sử dụng nhiên liệu sinh học. nhiên liệu sinh học được sử dụng trong lĩnh vực giao thông bao gồm các loại dầu thực vật sạch, ethanol, diesel sinh học, dimetyl ether (DME), ethyl tertiary butyl ether (ETBE) và các sản phẩm từ chúng. Các thống kê trên thế giới cho thấy: Năm 2003 đã sản xuất được 38 tỷ lít ethanol, năm 2006 là 50 tỷ lít ethanol (75% trong số đó được dùng làm nhiên liệu) và theo dự kiến năm 2012 sẽ khoảng 80 tỷ lít ethanol ra đời. Còn với nhiên liệu biodiesel, năm 2005 đã có 4 triệu tấn diesel sinh học (B100) được xuất xưởng, năm 2010 lên đến trên 20 triệu tấn. 
Không chỉ vậy, nhìn vào các sáng chế đăng ký trong lĩnh vực này có thể thấy rõ sự phát triển của ứng dụng nhiên liệu sinh học. Trong giai đoạn 2001 - 2010, số đăng ký sáng chế liên quan đến nhiên liệu sinh học tăng gấp nhiều lần so với giai đoạn trước. Nếu đỉnh cao nhất của giai đoạn trước vào năm 2000 là 66 đăng ký sáng chế thì đỉnh điểm của giai đoạn này là 1.527 đăng ký sáng chế (nhiều gấp 23 lần) - Kỹ sư Vũ Thụy Minh Thư - Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh) cho biết. 
Còn ít ứng dụng 
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng ứng dụng nhiên liệu sinh học hướng đến mục tiêu thay thế các loại năng lượng hóa thạch. Từ lâu đã có những nghiên cứu sản xuất và ứng dụng nhiên liệu sinh học tại Việt Nam nhưng đến năm 2003, khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với tổ chức phát triển của Hà Lan Netherlands Developpment Organization tiến hành xây dựng dự án Năng lượng tái tạo, thì nhiên liệu sinh học mới thực sự được chú ý. Dự án này dấy lên phong trào khai thác hiệu quả công nghệ sản xuất và ứng dụng nhiên liệu sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng nông thôn, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân và giảm thiểu tối đa hiệu ứng nhà kính… 
Song song đó, các nghiên cứu về nhiên liệu sinh học ở trong nước cũng phát triển, như Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Bùi Văn Ga với nghiên cứu tập trung vào việc tinh chế và ứng dụng cho động cơ, hay các nhóm nghiên cứu từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Bách khoa Thành Phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu hoàn thiện được việc chuyển đổi động cơ xăng và động cơ diesel chạy trên nhiên liệu biogas… 
Nhìn chung các nghiên cứu về biogas chủ yếu tập trung vào công nghệ tinh chế loại bỏ các tạp chất như H2O, H2S, CO2… nhằm làm tinh khiết nhiên liệu biogas trước khi đưa vào sử dụng. Và cũng chính từ đó, nhiên liệu sinh học phát triển ở quy mô lớn hơn, tập trung vào các nhà máy sản xuất, trang trại chăn nuôi, sản xuất biogas từ nước thải nhà máy tinh bột sắn, sản xuất biogas từ nước thải của nhà máy chế biến thủy sản… 
Tiến sĩ Huỳnh Quyền khẳng định, nhiên liệu sinh học là một trong những giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề thiếu hụt năng lượng trong tương lai, cũng như giải pháp cho việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Minh chứng là hiện trên thế giới, một số quốc gia đã triển khai và nhiên liệu sinh học đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nền kinh tế bền vững và an ninh năng lượng quốc gia. 
Tuy nhiên với Việt Nam, ứng dụng nhiên liệu sinh học vẫn còn rất thấp, nguyên nhân lớn nhất là nước ta chưa xây dựng được một chính sách hay chiến lược dài hạn một cách cụ thể cho loại nhiên liệu này. Do đó xây dựng chiến lược dài hạn cho phát triển nhiên liệu sinh học là hết sức cần thiết. 
Trong 5 quốc gia dẫn đầu về nghiên cứu sản xuất và ứng dụng nhiên liệu sinh học trên thế giới, luôn có mặt 3 quốc gia chủ chốt của châu Á: Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc là nước có sáng chế đăng ký trễ nhất thuộc ngành nhiên liệu sinh học nhưng lại dẫn đầu về số lượng đăng ký sáng chế thuộc lĩnh vực sản xuất nhiên liệu sinh học nói chung và sản xuất biogas nói riêng. (Sài Gòn Giải Phóng 14/11, tr10, Tác giả Bá Tân) 

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên