PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close
Phân mục: Tin hoạt động

Cảm xúc Trường Sa

Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển đảo, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với việc củng cố an ninh - quốc phòng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân và một số tổ chức, đơn vị đã tổ chức chuyến thăm quần đảo Trường Sa từ ngày 26/4 đến 5/5/2009.

Đoàn đã đến thăm các chiến sỹ trên 10 đảo Trường Sa, mang theo nghĩa tình của toàn thể CBCNV ngành dầu khí cả nước. Trong thành phần đoàn, có 3 thành viên từ PV GAS là: Chị Nguyễn Mai Phương Thúy, anh Hoàng Kiên Cường và anh Trịnh Công Định. Chúng tôi xin giới thiệu những cảm tưởng của anh Trịnh Công Định (Ban TTBV) về chuyến đi không thể quên này.
Xem hình ảnh chuyến thăm quần đảo Trường Sa
Đúng 8 giờ 00 sáng Chủ nhật, ngày 26/4/2009, sau ba hồi còi dõng dạc, tàu Hải Quân 936 chia tay với thành phố mang tên Bác, ra khơi thực hiện chuyến hành trình đến quần đảo Trường Sa. Chuyến tàu chở theo nhiều vị khách mới từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Bộ tư lệnh Hải quân, A36 Bộ Công an, Cục biên giới Hải đảo Bộ Ngoại giao, Công an Hải Phòng, Viện Năng lượng mặt trời Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, đoàn đại biểu tỉnh Ninh Thuận… Tất cả chúng tôi đều hồi hộp hướng về phía biển, trong lòng chỉ lặp đi lặp lại 1 câu: Trường Sa, sắp đến rồi, Trường Sa!

Theo kế hoạch, đoàn chúng tôi đi thăm các đảo Đá Nam, Song Tử Tây, Sơn Ca, Đá Thị, Nam Yết, Sinh Tồn, Cô Lin, Đá Tây, Trường Sa Lớn, Phúc Tần (cụm nhà giàn DK1). Đúng theo lịch trình của dự kiến, 13 giờ 30 thứ 3 ngày 28/ 4/2009, tàu thả neo cách đảo Đá Nam chừng 600m, đoàn chúng tôi chia làm ba tốp xuống xuồng đi thăm hòn đảo đầu tiên. 
Đá Nam là 1 trong 22 hòn đảo chìm tại quần đảo Trường Sa. Ấn tượng đầu tiên ùa đến: Ồ, gọi là đảo chìm mà sao phần “nổi” rộng thế, diện tích không dưới 300m2. Theo hướng dẫn của các đồng chí Hải quân, chúng tôi mới được biết, các đảo chìm của Trường Sa đều có diện tích bề nổi gần như nhau: khoảng 300m2 đến 500m2. Đảo dành hơn nửa diện tích cho việc chứa các bồn nước bằng Inox để đựng nước mưa. Phần đất ưu tiên còn để trồng rau xanh, chăn nuôi heo. Chó cũng là loài vật phổ biến trên đảo, sống thân thiện với con người như những người bạn không thể thiếu. Trên Đảo, tòa nhà chính được xây dựng kiên cố cao ba tầng. Tầng thứ nhất dùng làm kho để chứa đồ, lương thực, thực phẩm và các máy phát điện. Tầng 2 và 3 dùng để sinh hoạt chung và nơi ăn nghỉ của các chiến sĩ. Nỗi khổ nhất ở đảo chìm có lẽ chính là sự hạn hẹp này. Tuy nhiên, lính đảo chìm vẫn chưa phải là vất vả nhất, nếu so với  cụm nhà giàn DK1 Phúc Tần, nơi không gian sống của những người lính gần đến mức tối thiểu. “Thoải mái” nhất là cuộc sống ở 9 hòn đảo nổi, nơi rộng rãi và xanh tươi hơn, đến mức lính ở đây thường gọi Trường Sa Lớn là Thủ đô của Trường Sa.
Ở các đảo nổi đều có nhiều cây xanh, cảnh quan môi trường rất đẹp, thơ mộng và một số đảo nổi còn có nước lợ. Cây xanh ở đây được trồng phủ kín đảo, thường là mấy loại cây chịu được sóng gió như phong ba, bão táp, bàng vuông, phi lao và muống biển. Đặc biệt xanh tươi và nên thơ phải kể đến đảo Sơn Ca vì có mật độ cây xanh nhiều và đẹp nhất.
Trên hầu hết các đảo, bộ đội đã trồng được rau xanh, chủ yếu là bầu, bí, mướp, rau muống và một số loại rau khác. Để trồng được rau bộ đội ta phải che chắn và xây công sự cho những luống rau mới tránh được sự tấn công của sóng và gió biển, nhưng rau cũng chỉ trồng được trong 6 tháng mùa khô.
Trong số các đảo nổi, có ba đảo Song Tử Tây, Trường Sa lớn, Sinh Tồn là có dân sinh sống, mỗi đảo có 7 hộ dân. Đảo Song Tử Tây sang tháng có một công dân đầu tiên được sinh ra trên đảo. Đến cuối năm 2009, có thêm một cháu bé chào đời tại đảo Sinh Tồn.

Đảo nổi rộng nhất có diện tích chừng hơn 2ha, còn đảo nổi nhỏ rộng hơn 1ha. Xung quanh các đảo nổi đã được kè bê tông chắn sóng, chống sói mòn, phía trên có đường bê tông rộng chừng hơn một mét chạy vòng xung quanh đảo có lắp các trụ đèn chiếu sáng bằng Pin năng lượng mặt trời. Đây là những món quà tình nghĩa từ đất liền rất thiết thực với đảo xa, rất thuận tiện cho bộ đội gác và đi tuần tra vào ban đêm. Trường Sa lớn đã có điện 24/24, điện sinh hoạt được cung cấp bằng điện năng sinh ra từ năng lượng của gió, toàn bộ kinh phí này do Tập đòan Dầu khí Việt Nam ủng hộ. Trong tương lai không xa, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ hộ trợ thêm kinh phí để xây dựng toàn bộ hệ thống chiếu sáng và nguồn điện dùng cho sinh hoạt bằng điện năng sinh ra từ năng lượng gió tại các đảo nổi, đảo chìm tại quần đảo để Trường Sa tỏa sáng hơn giữa đại dương.
Công việc hàng ngày của người lính ở Trường Sa rất bận rộn: ngày đêm canh giữ bảo vệ biển đảo và vùng trời biên cương Tổ quốc, xây dựng các hòn đảo ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn. Ngoài ra người lính ở Trường Sa còn có một nhiệm vụ quan trọng nữa là giúp đỡ, cứu nạn ngư dân trong bão tố và khi gặp nạn trên biển. Nơi đảo xa, cuộc sống thường ngày của người lính thiếu thốn mọi thứ. Họ nói vui: chỉ có cái nắng, gió mưa và những con sóng bất thường khắc nghiệt là dư thừa hơn đất liền. Nhưng, những người lính trẻ vẫn chiến đấu và trưởng thành, cuộc sống Trường Sa vẫn đơm hoa kết trái xanh tươi bên những cây phong ba, bão táp không khuất phục trước bão tố. Quả vậy, những con người chúng tôi gặp ở đây đã để lại trong tôi những ấn tượng khó phai: họ bình dị quá, hiền hậu, vui tính và tinh tế quá. Đó là nhận xét chung của tôi cũng như mọi người trong đoàn. Những giờ khắc giao lưu với anh em trên 9 hòn đảo không nhiều, nhưng tôi tin chắc rằng những người lính rất yêu biển đảo, yêu hòa bình, yêu cái đẹp và cuộc sống. Chính vì thế, họ mới có thể chịu đựng và hy sinh.


Chia tay Trường Sa, bắt tay tạm biệt những người lính, trong lòng tôi dâng tràn cảm xúc không nói lên lời. Người lính cũng im lặng và gửi ánh mắt trìu mến nhìn về phía con tàu. Trong giây phút đó, sự im lặng cũng là một thứ ngôn ngữ tuyệt vời nhất, biểu cảm nhất. Tôi như hiểu thêm về những đêm khóc thầm lặng lẽ của những người mẹ, người vợ, để những người lính yên tâm lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc.
Trịnh Công Định (Ban TTBV)

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên