PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Cải tổ hệ thống ngân hàng: Ngân hàng quốc doanh không thể ngoài cuộc

“Tôi không phân biệt ngân hàng to hay nhỏ mà chỉ phân biệt ngân hàng tốt hay xấu. Vấn đề là làm sao nhận diện được ngân hàng tốt hoặc xấu để có biện pháp phù hợp, không ảnh hưởng đến các ngân hàng khác và nhất là quyền lợi khách hàng, người dân”. Một cổ đông lớn của một ngân hàng cổ phần nói như vậy.
Vị này đã từng trải qua ba đời Thống đốc, đồng thời đã từng cứu một ngân hàng Thương mại cổ phần nông thôn từ những năm 1990, cùng các đồng sự vực dậy ngân hàng này để gia nhập nhóm ngân hàng cổ phần bậc trung hiện nay. Ông cho rằng cách tiếp cận cải tổ ngân hàng từ vốn điều lệ, từ quy mô hay từ chuyện số lượng các ngân hàng đều là sai lầm.
“Ngân hàng nhỏ không phải tội đồ. Rất nhiều ngân hàng nhỏ đã hoạt động ở nhiều nước hàng trăm năm vẫn an toàn và lành mạnh, họ chỉ phục vụ một nhóm nhỏ khách hàng và rất hiệu quả, thậm chí các tỷ lệ an toàn tài chính cao hơn nhiều các ông to”, ông nói. Singapore có số dân ít song có tới mấy trăm ngân hàng hoạt động rất trật tự và rất nhiều trong số đó có vốn điều lệ nhỏ hơn mức tối thiểu của Việt Nam.
Một lãnh đạo ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ cho biết một số nhà đầu tư nước ngoài đã nói rằng chuẩn bị vào Việt Nam để mua ngân hàng giá rẻ. Ông cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên có thông tin rõ ràng mạch lạc để trấn an thị trường. Việc cần làm ngay là khám sức khỏe tổng thể một lượt ngân hàng, xác định rõ trong số vốn điều lệ hiện nay ở các ngân hàng, có hay không các khoản tiền trùng chéo hay vốn ảo? Các cổ đông lớn trước sức ép tăng vốn thời gian qua có vay nợ lẫn nhau hay không? Với các biện pháp sẵn có trong tay, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể làm rõ trong vài tháng.
Bên cạnh đó, thực tế có những ngân hàng dù vốn điều lệ khoảng 2.000 tỉ đồng, tổng tài sản khoảng 5.000 tỉ song với tỷ lệ nợ xấu 5-7% thì coi như tài sản đã mất gần hết, cũng không có lý do để giữ.
Quản trị trong hệ thống ngân hàng, theo vị này, còn rất nhiều vấn đề nên tái cấu trúc để chuyên nghiệp và ổn định hơn là điều cần thiết. Vấn đề quan trọng nhất là minh bạch và tỉnh táo, không làm theo phong trào. Nếu sau tái cấu trúc, có những ngân hàng khổng lồ mà vẫn yếu kém thì coi như vô nghĩa.
Các lãnh đạo ngân hàng cho biết họ lo ngại là các biện pháp hành chính vẫn chưa dừng lại trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, ngay cả khi phải thực hiện việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thay vì dùng các công cụ sẵn có trong tay Ngân hàng Nhà nước.
“Trần lãi suất hay các biện pháp hành chính chỉ là tạm thời, không thể kéo dài mãi. Trong khi đó, các tiêu chuẩn an toàn tài chính với ngân hàng đã có sẵn, các công cụ tiền tệ nếu được sử dụng linh hoạt sẽ giúp các ngân hàng phải tự tìm cách sáp nhập với nhau, tìm ra các phân khúc thị trường phù hợp. Thực tế, mới chỉ có trên 12% dân số Việt Nam sử dụng dịch vụ ngân hàng. Thị trường còn dư địa quá lớn cho các ngân hàng tìm thị trường mới”, chủ tịch Hội đồng quản trị một ngân hàng có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh nói.
Thời gian qua, đã có những cuộc thương thảo giữa các ông chủ ngân hàng song chưa đi đến điểm chung. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho M&A cũng chưa đầy đủ và rõ ràng. Chủ tịch Hội đồng quản trị một ngân hàng nói:“Chúng tôi hoàn toàn muốn sáp nhập vì muốn làm trong một tổ chức lớn hơn, có ích hơn và giá trị cũng như quyền lợi cổ đông tốt hơn, trong đó có cả quyền lợi của mình. Tôi ủng hộ nếu các ngân hàng phải ngồi lại được với nhau để tự nguyện sáp nhập, Ngân hàng Nhà nước cũng có cách làm chuyên nghiệp và bài bản để hỗ trợ quá trình đó”.
Theo một cuộc khảo sát của Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, đa số lãnh đạo các ngân hàng không đồng thuận nếu Ngân hàng Nhà nước đứng ra mua lại một phần hoặc toàn bộ các ngân hàng yếu kém, tái cơ cấu và bán lại, vì việc này quá rủi ro và lãng phí nguồn lực. Họ cho rằng nếu cần thiết cơ quan quản lý có thể rút giấy phép ngân hàng và hỗ trợ xử lý hậu quả song không thể lấy tiền thuế của dân để cứu những đơn vị làm ăn không đàng hoàng.
Trong cuộc cải tổ này, nhóm ngân hàng quốc doanh theo một quan chức Ngân hàng Nhà nước “vẫn nằm trong vùng an toàn” song lại là nhóm cần tái cấu trúc và cũng đang có cơ hội lớn để cải tổ bởi Nhà nước chính là ông chủ của họ. Điều nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp lo ngại nhất với thị trường ngân hàng chính là ngân hàng quốc doanh. Có Ngân hàng đang có tổng tài sản lớn nhất thì nợ xấu triền miên và có thể cao nhất trên thị trường.
Năm ngân hàng quốc doanh đang chiếm khoảng 50% thị phần tín dụng và 60% thị phần tiết kiệm tại Việt Nam song lại ẩn chứa nhiều rủi ro. Chỉ cần “phẫu thuật” một trong số này đã có tác dụng lành mạnh hóa thị trường ngang với vài chục ngân hàng nhỏ. Cải tổ hệ thống ngân hàng, không có lý gì loại ra các ngân hàng quốc doanh lớn bởi vấn đề quan trọng nhất là phải tạo ra một hệ thống ngân hàng khỏe mạnh. Nếu tái cấu trúc xong, thị trường chỉ còn lại số ít các ngân hàng lớn nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều bệnh tật thì coi như tái cấu trúc nửa vời. (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn 31/10

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên