PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Các doanh nghiệp/dự án chuyển giao từ Vinashin phù hợp với PVN

Các doanh nghiệp/ dự án từ Vinashin chuyển giao cho PVN khá phù hợp với mục tiêu phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ cho dầu khí của PVN. 
Đó là ý kiến của ông Vũ Quang Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) khi trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về việc tiếp nhận từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) 6 doanh nghiệp/dự án theo Quyết định 926/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu toàn diện Vinashin. 
Xin ông cho biết tiến độ bàn giao 6 doanh nghiệp/dự án thuộc Vinashin về PVN hiện nay? 
Ông Vũ Quang Nam: Theo quyết định 926/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu Vinashin, PVN tiếp nhận từ Vinashin 6 doanh nghiệp/dự án sau: 
Khu công nghiệp tàu thuỷ Lai Vu - Hải Dương, bao gồm cả Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Lai Vu; Khu công nghiệp tàu thuỷ Nghi Sơn - Thanh Hoá, bao gồm cả Ban quản lý dự án Khu công nghiệp tàu thuỷ Nghi Sơn; Nhà máy đóng tàu đặc chủng và sản xuất trang thiết bị Nhơn Trạch - Đồng Nai; Nhà máy đóng tàu Dung Quất; Khu công nghiệp tàu thuỷ Soài Rạp - Tiền Giang; phần vốn góp của Tập đoàn Vinashin trong Công ty cổ phần công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh - Nam Định và trong các dự án do Công ty này làm chủ đầu tư. 
Tuy nhiên, do Vinashin không góp vốn thực tế tại Công ty cổ phần công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh - Nam Định mà chỉ góp vốn bằng thương hiệu nên PVN đã báo cáo Chính phủ và được Chính phủ đồng ý cho phép không tiếp nhận phần góp vốn của Vinashin tại công ty này (Thông báo số 298/TB – Văn phòng Chính phủ ngày 9/11/2010). 
Như vậy, trên thực tế PVN chỉ tiếp nhận 5 doanh nghiệp/dự án. Ngày 21/10/2010, PVN và Vinashin đã ký biên bản bàn giao các doanh nghiệp/dự án trên. 
Ngành nghề sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp/dự án được điều chuyển có phù hợp với PVN hay không? Việc tiếp nhận và hoà nhập các doanh nghiệp trên vào PVN có ảnh hưởng gì tới kết quả sản xuất kinh doanh của PVN? 
Ông Vũ Quang Nam: Có thể nói rằng, các dự án từ Vinashin chuyển giao cho PVN khá phù hợp với mục tiêu phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ cho dầu khí của PVN. 
Chẳng hạn như Nhà máy đóng tàu Dung Quất của Vinashin là nhà máy đóng tàu lớn nhất Việt Nam, đã nhận đóng cho PVN 2 tàu chở dầu thô 100.000 DWT, nhưng 3 năm nay chưa tiến triển. Họ chỉ mới làm được một phần khối lượng các công trình này. Nay PVN được giao nhận Nhà máy đóng tàu Dung Quất, PVN có thể thực hiện đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo nhu cầu về tàu vận chuyển dầu thô cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất. 
Ngoài ra, PVN còn có các đơn vị thành viên là Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC), PV Shipyard cũng có ngành nghề hoạt động là đóng mới, sửa chữa tàu giàn khoan. Vừa rồi các đơn vị này cũng đã tự đóng thành công 2 tàu dịch vụ 3000-4000HP và đã tiến hành đặt ky cho giàn khoan 90m nước... 
Vì vậy có thể cho rằng việc tiếp nhận Nhà máy đóng tàu Dung Quất và Nhà máy đóng tàu đặc chủng Nhơn Trạch là hợp lý nhằm tăng cường nguồn lực phục vụ cho lĩnh vực đóng mới tàu chở dầu và các loại phương tiện nổi khác phục vụ ngành Dầu khí và từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường ngoài ngành Dầu khí trong nước cũng như nước ngoài. 
Việc tiếp nhận và hoà nhập các doanh nghiệp/dự án trên vào PVN diễn ra khá thuận lợi, không ảnh hưởng tới kết quả sản xuất kinh doanh của PVN, hơn nữa còn góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công các sản phẩm dang dở của PVN như các tàu chở dầu tại Nhà máy đóng tàu Dung Quất. 
Ông có thể cho biết cụ thể việc PVN có kế hoạch, chiến lược gì để sắp xếp, cơ cấu lại các doanh nghiệp tiếp nhận để phù hợp với định hướng phát triển chung của Tập đoàn? 
Ông Vũ Quang Nam: Sau khi tiếp nhận, PVN đã giao cho một số đơn vị thành viên của mình trực tiếp quản lý điều hành, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị tiếp nhận. 
Hiện tại, Khu công nghiệp tàu thuỷ Soài Rạp (Tiền Giang) được giao cho Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) trực tiếp quản lý. PVC đã thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng và công năng Khu công nghiệp thành Khu công nghiệp dịch vụ dầu khí, đồng thời triển khai một số dự án trong Khu công nghiệp như nhà máy sản xuất ống thép hàn thẳng, tổng kho xăng dầu. 
Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) tiếp nhận quản lý khu cảng Nghi Sơn (Thanh Hoá) và Nhà máy đóng tàu đặc chủng Nhơn Trạch (Đồng Nai). Đối với dự án Nhà máy đóng đặc chủng Nhơn Trạch, PTSC đã cùng các cổ đông khác thành lập công ty cổ phần đóng mới và sửa chữa phương tiện nổi PTSC (PTSC Shipyard) có vốn điều lệ 300 tỷ đồng để đóng mới và sửa chữa đội tàu dịch vụ trong ngành của PTSC, VSP và các chủ tàu khác. 
Còn Khu công nghiệp tàu thủy Nghi Sơn, PTSC đã hợp nhất với 2 bến cảng hiện hữu số 1 và 2 để hình thành khu cảng chuyên dụng, tổng hợp có quy mô lớn phục vụ nhu cầu vận chuyển tiếp nhận thiết bị hàng hóa của Dự án xây dựng nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn, khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá cũng như khu vực Bắc Trung Bộ. 
Khu công nghiệp tàu thuỷ Lai Vu (Hải Dương) được giao cho Ngân hàng TMCP Đại Dương tiếp nhận để tiếp tục đầu tư thành khu công nghiệp hoàn chỉnh. 
Đối với Công ty công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất (DQS), PVN quyết định tái cơ cấu, theo đó chuyển giao nguyên trạng một số công ty thành viên sang một số đơn vị của PVN có ngành nghề tương tự như Công ty Vận tải dầu khí PV Trans, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp dầu khí Petrosetco, Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí PVC...và chỉ đạo DQS chỉ tập trung vào đóng tàu, không kinh doanh các ngành nghề khác nhằm tập trung nguồn lực đáp ứng nhu cầu đóng mới và sửa chữa tàu chở dầu, giàn khoan, sà lan...cho các đơn vị trong ngành và phục vụ nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. 
Ông có thể dự báo với cơ chế điều hành mới, tình hình sản xuất kinh doanh sẽ có hiệu quả thế nào? 
Ông Vũ Quang Nam: Như tôi đã nói ở trên, PVN tiếp nhận 4 dự án khu công nghiệp tàu thuỷ và 1 nhà máy đóng tàu Dung Quất. Các dự án khu công nghệ thông tin đều đang trong tình trạng mới bắt đầu triển khai thực hiện đầu tư, khối lượng thực hiện chưa nhiều nên PVN sẽ có thuận lợi khi chuyển đổi mục đích và công năng của khu công nghiệp phù hợp với mục tiêu chiến lược của mình đảm bảo kinh doanh có hiệu quả. 
Riêng đối với Nhà máy đóng tàu Dung Quất, do Vinashin vừa tiến hành đầu tư vừa triển khai sản xuất đóng mới các tàu chở dầu và do thiếu vốn đầu tư, sản xuất dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Sau khi tiếp nhận và tái cơ cấu, PVN đã chỉ đạo phân loại, xếp hạng các hạng mục đầu tư để ưu tiên tiếp tục đầu tư các hạng mục cần thiết cấp bách giai đoạn 1 như cầu tầu hoàn thiện, ụ khô số 1, các bãi lắp ráp tổng đoạn...phục vụ yêu cầu sản xuất hoàn thiện các tàu đang đóng dở dang. 
Bên cạnh đó, PVN đã ban hành nghị quyết giao DQS cung cấp dịch vụ sửa chữa tàu thuyền, phương tiện nổi, giàn khoan cho các đơn vị trong ngành để tận dụng tối đa năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có, tay nghề, trình độ công nhân lành nghề của nhà máy giúp DQS từng bước vượt qua khó khăn. 
Chốt lại cuộc trao đổi, ông Vũ Quang Nam nói: Xin khẳng định là PVN nhận các doanh nghiệp/dự án này không chỉ đơn thuần là do Chính phủ giao, mà PVN đã chủ động làm việc với lãnh đạo cao nhất của Vinashin để bàn phương án hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh và đề nghị Vinashin nhượng lại một số dự án Vinashin đang đầu tư như dự án tại Nghi Sơn Thanh Hoá, Soài Rạp Tiền Giang, Nhơn Trạch Đồng Nai...nhưng vì lý do khác nhau mà Vinashin chưa đồng ý. 
Nay Chính phủ quyết định chuyển giao các dự án này sang cho PVN đó là điều rất thuận lợi cho PVN. (Theo Chinhphu.vn 13/12, Mục Hoạt động Bộ ngành, tác giả Hạnh Liên) 

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên