PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Bộ Tài chính hứa hẹn giá xăng có lợi nhất cho người mua

Bộ Tài chính đang theo dõi sát diễn biến thị trường và hứa sẽ tính toán phương án có lợi nhất cho người tiêu dùng. Giá bán lẻ trong nước sẽ giảm nếu xăng dầu thế giới hạ nhiệt tiếp trong những ngày tới. 
Một lãnh đạo cấp cao Bộ Tài chính cho biết giá dầu thô giảm mạnh trong 8 phiên, tuy nhiên, xăng thành phẩm chỉ mới hạ nhiệt, mức giảm cũng chưa đạt ngưỡng kỳ vọng. 
Vị lãnh đạo này chia sẻ: "Tôi cũng là người tiêu dùng, vợ tôi cũng đi chợ và cảm nhận sự biến động của giá cả. Do vậy, cá nhân tôi và Bộ Tài chính sẽ lựa chọn phương án có lợi nhất cho người tiêu dùng. Sáng nào đến cơ quan, việc đầu tiên của tôi là bật máy tính để theo dõi diễn biến giá dầu thế giới". 
Cách thức tính giá bán lẻ của Việt Nam căn cứ vào giá xăng dầu thành phẩm chứ không phải dầu thô. Xăng thành phẩm mới giảm nhiệt trong vòng 2 ngày qua. Theo vị lãnh đạo này, tính trung bình 30 ngày, các nhà nhập khẩu mới xấp xỉ hòa vốn. Dù vậy, ông cũng tiết lộ: Các phương án giá đang được Bộ Tài chính cân nhắc. Nếu giá thế giới tiếp tục giảm, có khả năng sẽ điều chỉnh giá bán lẻ trong nước. 
Tuần trước, trong lúc giá dầu thô thế giới giảm sâu và đứng ở ngưỡng dưới 86 USD một thùng, doanh nghiệp trong nước vẫn có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị được tăng giá. Mức tăng dự kiến từ trên 500 đồng mỗi lít. Lý do được doanh nghiệp đưa ra là dầu thô giảm mạnh nhưng xăng dầu thành phẩm nhập khẩu tại thị trường Singapore - nơi cung cấp hàng chủ yếu vẫn giữ ở mức cao (trên 114 USD một thùng) khiến kinh doanh bị lỗ. 
Tại thời điểm doanh nghiệp kiến nghị tăng giá, Bộ Tài chính đã tính toán và xác nhận có chuyện lỗ. Nhưng do thấy xu hướng giá thế giới có nhiều tín hiệu hạ nhiệt, Bộ Tài chính không đồng ý tăng giá, mà yêu cầu doanh nghiệp giữ ổn định để tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường. 
Khi VnExpress nhắc lại việc Phó tổng giám đốc Petrolimex từng tiết lộ lẽ ra giá xăng có thể giảm từ tháng 6, thì vị quan chức của Bộ Tài chính từ chối bình luận. Ông cho hay, tới đây Bộ Tài chính sẽ có một cuộc họp công khai liên quan đến mặt hàng xăng dầu để giải đáp câu hỏi liên quan đến chuyện lỗ lãi và cách điều hành giá. 
Giới chuyên gia cho rằng thị trường xăng dầu lâu nay vẫn quen "tăng nhanh nhưng giảm chậm". Giá thế giới thất thường, doanh nghiệp có thể lỗ, nhưng cách công bố thông tin theo kiểu "úp mở" của nhà quản lý khiến dư luận không khỏi hoài nghi. 
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Xã hội Hà Nội nhận xét, khi lý giải về chuyện lỗ lãi, Bộ Công Thương nói một đằng, Bộ Tài chính nói một nẻo, doanh nghiệp cũng đưa ra cách lý giải riêng. 
"Lẽ ra, cơ quan chức năng cần tổ chức một cuộc gặp công khai giữa các bên gồm cơ quan quản lý, doanh nghiệp, kiểm toán, hội bảo vệ người tiêu dùng và giới truyền thông để làm rõ công thức tính giá, mức lỗ lãi. Làm như vậy, người tiêu dùng sẽ thấy sòng phẳng hơn và họ sẽ không hoài nghi mỗi lần tăng giá", ông nói. 
Theo ông, với diễn biến thế giới hiện nay, xăng dầu trong nước hoàn toàn có cơ hội giảm giá. Thế nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có động tĩnh gì, mà doanh nghiệp cũng không có văn bản đề xuất. Nếu diễn biến ngược lại, chắc chắn doanh nghiệp đã kêu lỗ và đòi được tăng. 
Ông Phong phân tích: Ở lần tăng giá bán lẻ trong nước hôm 29/3, Bộ Tài chính lý giải, với việc tăng giá này doanh nghiệp tuy chưa lãi nhưng bắt đầu bù đắp chi phí và hết lỗ. Tại thời điểm đó, giá xăng thành phẩm A92 nhập khẩu đứng ở mức rất cao với gần 120 USD một thùng. "Từ đó đến nay, giá nhập khẩu liên tục giảm và hiện tại chỉ còn hơn 114 USD, thế nhưng giá trong nước vẫn đứng ở mức 21.300 đồng. Việc xăng dầu chậm giảm giá khiến dư luận đặt câu hỏi về tính thị trường", ông nhấn mạnh. 
Tháng 6 vừa qua, xăng thế giới tiệm cận ngưỡng 110 USD một thùng, mỗi lít xăng bán lẻ lãi tới 900 đồng. Thay vì giảm giá bán, doanh nghiệp đã mạnh tay chi 700 đồng hoa hồng cho đại lý. 
"Điều này cho thấy rằng lợi ích của người tiêu dùng luôn được xếp vào hàng sau. Tôi cho rằng, nhà chức trách cần phải xem xét lại, minh bạch lỗ lãi để tránh người tiêu dùng luôn hoài nghi rằng: 'Giá bán lẻ trong nước tăng nhanh mà giảm chậm'. Đồng thời, ngay tại thời điểm này giá bán lẻ cần được giảm theo thế giới dù là vài trăm đồng cũng đủ để người dân tin tưởng rằng họ được bình đẳng về quyền lợi", tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh. 
Hiện xăng A92 đang bán tại thị trường Việt Nam với 21.300 đồng một lít. Dầu diezel giá 21.100 đồng một lít, còn dầu hỏa giá 20.800 đồng một lít. Mức giá này lẽ ra đã được giảm từ hồi tháng 6, nếu cơ quan chức năng không vội vã áp thuế nhập khẩu lên 5% và tăng mức trích quỹ bình ổn. (Theo VnExpress 9/8, Mục Kinh doanh, Tác giả Hồng Anh) 

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên