PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Bình Thuận: Điện gió vướng titan

Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, hiện tỉnh đang gặp trở ngại lớn trong việc cấp phép đầu tư các dự án khai thác điện gió vì nhiều vùng đất có tiềm năng khai thác điện gió lại nằm chồng lấn với vùng có trữ lượng cát đen (titan) lớn. 
Trao đổi với TBKTSG Online chiều 1/12, ông Đinh Huy Hiệp, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, cho biết việc cấp phép dự án điện gió hiện phải tạm ngừng vì tỉnh đang chờ kết quả khảo sát trữ lượng khoáng sản titan trên địa bàn tỉnh do Bộ Tài nguyên và môi trường triển khai. 
Trong khi đó, ông Hiệp cũng cho biết, hiện nay các nhà đầu tư tìm đến Bình Thuận xin đầu tư khai thác điện gió rất nhiều. Tỉnh cũng vừa xây dựng xong bản đồ quy hoạch mạng lưới điện gió, tốc độ gió để làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư. 
Đến nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận cho 12 dự án đầu tư khai thác điện gió với tổng công suất khoảng 1.500 MW nằm rải rác ở các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam… Trong khi đó, theo ông Hiệp, tổng trữ lượng điện gió của tỉnh Bình Thuận hiện lên đến khoảng trên 4.000 MW, còn có thể kêu gọi thêm nhà đầu tư đến khai thác. 
Ông Hiệp cho biết, một trong những trở ngại lớn đối với việc thu hút các dự án khai thác điện gió của tỉnh chính là phải chờ kết quả khảo sát trữ lượng titan của Bộ Tài nguyên và môi trường rồi mới được cấp phép tiếp. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và môi trường về vấn đề này. 
“Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hiệp hội điện gió Bình Thuận trong năm 2010 chính là giải quyết dứt điểm trở ngại này, kiến nghị được có cơ chế ưu tiên cho phát triển nguồn năng lượng sạch”, ông Hiệp nói. 
Theo ông Hiệp, tỉnh sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép ưu tiên triển khai các dự án điện gió trước tại các vùng đất có trữ lượng titan và tiềm năng khai thác điện gió. Sau 50 năm, sau khi dự án điện gió xong thì mới cấp phép cho khai thác titan. 
Trữ lượng titan của tỉnh Bình Thuận ước khoảng 500 triệu tấn. Trung bình mỗi năm khai thác được 1 triệu tấn titan thành phẩm (cần khoảng 2,5 triệu nguyên liệu titan thô, loại 54%), thì phải mất đến 200 năm mới khai thác hết trữ lượng. Do vậy, việc đưa nguồn titan nằm trên vùng dự án điện gió vào vùng dự trữ với thời gian 50 năm là hợp lý, ông Hiệp phân tích. 
Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, dự án điện gió có suất đầu tư khá cao, một nhà máy điện gió công suất khoảng 30 MW có vốn đầu tư khoảng trên 1.000 tỉ đồng. 
Dự kiến vào giữa tháng 1-2010, tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức Hội thảo phản biện quốc tế về quy hoạch, khai thác năng lượng điện gió trên địa bàn Bình Thuận. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ hoàn chỉnh quy hoạch về phát triển năng lượng điện gió đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020. (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn 2/12) 

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên