PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

5 năm gia nhập WTO: Doanh nghiệp khó trụ vững nếu thiếu bản lĩnh

Đó là chia sẻ của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp Hà Nội sau 5 năm gia nhập WTO tổ chức ngày 14/12. 
Thủ tướng cho rằng, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là điều kiện cần nhưng chưa đủ để Việt Nam hội nhập và phát triển, nếu không có bản lĩnh, doanh nghiệp sẽ khó lòng trụ vững trong WTO. 
Sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp của Hà Nội được hưởng lợi nhiều từ các cam kết mở cửa nền kinh tế. Họ cũng được tiếp cận với nhiều thiết bị công nghệ cao, học hỏi nhiều kinh nghiệm quản lý hiện đại. 
Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) là một ví dụ. Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Hapro như nông sản, dược liệu, hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, rau quả chế biến... ít bị hạn chế bởi hàng rào kỹ thuật của các nước, đã tạo thuận lợi cho việc tập trung đầu tư, phát triển nguồn hàng xuất khẩu của Hapro. 
Bên cạnh đó, hội nhập còn tạo cho môi trường kinh doanh trở nên thông thoáng hơn, kích thích việc thành lập mới các doanh nghiệp. Theo Cục Thống kê Hà Nội, năm 2011, trên địa bàn có gần 19.000 doanh nghiệp trong nước đăng ký, tăng 1%, với số vốn đăng ký khoảng 159.600 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2010. 
Ở khía cạnh khác, hội nhập cũng có những mặt trái, nhất là khi đa phần DN trong nước vẫn còn quá nhỏ bé, sức "đề kháng" còn yếu. Nhiều doanh nghiệp đang thua ngay trên "sân nhà", đặc biệt ở lĩnh vực tài chính và dịch vụ. Vì thế, tới đây nếu không biết đối phó, sẽ có nhiều doanh nghiệp bị "chết chìm". 
Tái cấu trúc đầu tư công, hệ thống tài chính và các doanh nghiệp nhà nước đang là nhiệm vụ của Hà Nội và cả nước. Kinh tế Hà Nội tuy là một bộ phận của kinh tế cả nước song mỗi địa phương cũng có những nét đặc thù riêng, vì thế không nên sao chép nguyên bản mà chính quyền và các doanh nghiệp của thành phố cần đi sâu phân tích và có chủ trương thích hợp. 
Cơ hội thì rất nhiều, quan trọng là chúng ta có trông thấy và nắm bắt được hay không. Ví như sau trận động đất và sóng thần ở trong nước, kế tiếp là trận lụt ở Thái Lan, rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã chuyển hướng đầu tư xây dựng nhà máy ở các quốc gia đang phát triển khác như Indonesia, các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Hà Nội không nên bỏ lỡ cơ hội hợp tác này. 
Hay như các cam kết gia nhập WTO và cam kết của Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc hoặc việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN có hiệu lực đầy đủ vào năm 2015 không chỉ đặt ra thách thức mà còn mở ra không ít cơ hội. Doanh nghiệp cần nhạy bén tận dụng cơ hội để "đón lõng" chứ không nên co mình, than vãn. 
Doanh nghiệp phải "nhìn xa trông rộng" để thấy rằng xu hướng thế giới bây giờ là sản xuất những sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Sau khủng hoảng, các nước chủ trương hạn chế chiến lược hướng quá mạnh vào xuất khẩu. Phương tiện thanh toán quốc tế đang có sự dịch chuyển khi đồng USD, đồng EURO đang khủng hoảng, đồng Yên lên cao. (Kinh Tế & Đô Thị 15/12)

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên