PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Đường ống IPI - nơi Nga, Trung, Mỹ đối đầu

Trong bối cảnh các nước cạnh tranh khốc liệt, tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, dầu lửa và khí đốt trở càng bị "thèm khát".
Đường ống IPI
Việc xây dựng đường ống có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong chính sách năng lượng của tất cả các nước, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga…
Việc thiết kế, chi phí, quá trình thực hiện các dự án đường ống luôn là những vấn đề gai góc, gây nhiều tranh cãi. Dự án đường ống Iran - Pakistan - Ấn Độ (IPI) có thể vận chuyển khí đốt từ mỏ South Pars, Iran qua Pakistan sang Ấn Độ, có chiều dài 3.000 km với kinh phí xây dựng dự kiến ở vào khoảng 7,5 tỷ USD.
Năm 1995, Islamabad và Tehran ký một thỏa thuận xây dựng đường ống nối South Pars tới Karachi (trung tâm công nghiệp quan trọng hàng đầu của Pakistan). Chính phủ Iran hiểu rằng, cả Pakistan và Ấn Độ có thể sử dụng nguồn khí đốt này, khi Pakistan giữ vai trò vừa là nước nhập khẩu vừa là cầu trung chuyển.
Năm 1999, Iran và Ấn Độ ký một thỏa thuận và đàm phán việc xây dựng IPI (còn gọi là “đường ống dẫn hòa bình”). Tuy nhiên, cho tới nay, dự án này vẫn đang bị “treo” bởi các bên chưa đạt được đồng thuận liên quan tới giá, phí trung chuyển…
Việc thực hiện IPI liên quan tới lợi ích của nhiều quốc gia, trong đó có cả Mỹ, Trung Quốc và Nga. Thái độ ngập ngừng của Ấn Độ đối với IPI có thể là hệ quả của việc Mỹ gây “sức ép” để lôi kéo New Dehli tham gia các dự án đường ống khác.
Iran và Mỹ
Giới quan sát cho rằng, IPI bị trì hoãn do nhiều mối quan hệ “giằng xé”, liên quan tới lợi ích của nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ. Từ khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ luôn tìm cách để kiểm soát phần lớn nguồn cung năng lượng của thế giới, thông qua các mỏ khí đốt và dầu lửa ở Azerbaijan, các nước Liên Xô cũ ở Trung Á cũng như việc thiết lập các chế độ đồng minh ở Afghanistan và Iraq.
Tuy nhiên, với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và Ấn Độ thì chiến lược năng lượng của Mỹ cũng bị “ảnh hưởng” nhiều. Do đó, chính sách năng lượng đối với Iran được Chính phủ Mỹ rất quan tâm bởi nó liên quan nhiều tới lợi ích dài hơi của nước này. Iran “kiểm soát” vịnh Péc xích và việc thực thi dự án IPI có thể cản trở các mục tiêu của Washington nhằm “cô lập” Tehran với cộng đồng quốc tế.
Mỹ phản đối mạnh mẽ bất cứ dự án năng lượng nào liên quan tới Iran, bởi lo ngại Pakistan và Ấn Độ bị phụ thuộc vào Iran. Họ tiếp tục chủ động can dự vào khu vực bằng việc ngăn cản các nước tham gia IPI. Trên thực tế, Washington đang tài trợ xây dựng dự án TAPI, chuyển khí đốt từ Turkmenistan thông qua Afghanistan và Pakistan để sang Ấn Độ.
Những dự án có lợi cho chiến lược năng lượng và địa chính trị của Mỹ lại chính là mối quan ngại đối với Nga và Trung Quốc. Trong kế hoạch của Washington, Kabul là một mắt xích quan trọng cho hành lang an toàn các dòng chảy năng lượng từ biển Caspian tới Pakistan và Ấn Độ. Tuyến đường này có thể làm “lu mờ” các tuyến đường ống của Trung Quốc và Nga đang cung cấp rất nhiều năng lượng cho khu vực.
Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran ảnh hưởng tới chính sách năng lượng của Ấn Độ. Trên thực tế, rất khó để New Dehli mặc cả với Iran về một thỏa thuận năng lượng khi nước này đang phát triển chương trình hạt nhân dân sự với sự đồng ý của Mỹ.
Tiếp nữa, sự nghi kỵ của Ấn Độ với Pakistan “cản trở” các cuộc hội đàm về các dự án năng lượng liên quan tới hai nước, dẫn tới sự “đình trệ” từ Ấn Độ trong tham gia IPI.
Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo của Mỹ, Ấn Độ vẫn tăng cường quan hệ ngoại giao với Iran, cụ thể như việc xây dựng cảng Chabahar - một điểm trung chuyển năng lượng ở miền Nam Iran.
Sự hợp tác này chứng tỏ tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược trong thúc đẩy xuất khẩu của Ấn Độ vào khu vực dù có nhiều điểm hoài nghi về dự án IPI. Thứ nhất, New Dehli và Tehran chưa thống nhất về các mức giá khí đốt. Thứ 2, Ấn Độ vẫn quan ngại về những chi tiết trong kế hoạch vận chuyển của Iran qua Pakistan khi hai nước chưa thống nhất được các địa điểm mà đường ống này đi qua.
Với Pakistan, Ấn Độ có hai điểm quan ngại là phí trung chuyển và sự gián đoạn có thể xảy ra trong quá trình hoạt động. Ấn Độ lo lắng rằng, nếu những căng thẳng ngoại giao xảy ra với Pakistan hay xung đột về khu vực Kashmir tái diễn, Pakistan có thể cho ngừng dòng chảy sang Ấn Độ, tương tự việc Nga làm với Ukraine năm 2006 và 2009.
Với Pakistan, nước này quan ngại sự trỗi dậy và gia tăng ảnh hưởng của Ấn Độ. Là điểm trung chuyển, cung cấp năng lượng cho Ấn Độ khác nào “nối giáo cho giặc”. Pakisan cần có năng lượng, tuy nhiên Tehran sẽ không cung cấp nếu không có sự tham gia của bên thứ 3.
Do đó, “con bài” mà Islamabad tính tới chính là Trung Quốc - đồng minh truyền thống của họ, đồng thời là “kẻ thù” của New Dehli. Trung Quốc tham gia IPI sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Islamabad hơn là Ấn Độ, xét trên cả phương diện kinh tế lẫn chính trị và ngoại giao.
Với Trung Quốc, dự án này vừa đem lại cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít nguy cơ. Với việc trở thành “nhân vật chính”, Bắc Kinh có thể tạo ra “trục năng lượng” mới, vừa đa dạng hóa nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế đang “khát” năng lượng, vừa gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Tuy nhiên, sự bất ổn về chính trị tại những nơi mà đường ống này đi quan cũng là vấn đề khiến lãnh đạo Bắc Kinh đau đầu.
Thông qua dự án này, Bắc Kinh muốn gia tăng sức ép với Nga trong các cuộc đàm phán sắp tới liên quan tới giá cả và các đường ống dẫn khí đốt nối khu vực Đông Siberia và Trung Quốc. Cũng giống châu Âu, Bắc Kinh không muốn quá phụ thuộc vào Moscow trong vấn đề năng lượng.
Việc tham gia các dự án năng lượng ở châu Á cũng giúp Bắc Kinh dần gia tăng ảnh hưởng mà mục tiêu chiến lược “chuỗi ngọc trai” đề ra.
Lợi ích của Nga
Moscow quyết tâm duy trì vị trí là nhà cung cấp năng lương hàng đầu cho thị trường châu Âu; đồng thời tích cực tìm kiếm các cơ hội “kiếm tiền” mới. Phần lớn các cơ sở kinh tế của nước này đều dựa vào các công ty năng lượng và cơ sở hạ tầng của ngành công nghiệp dầu lửa, khí đốt thiên nhiên.
Moscow sẵn sàng ủng hộ việc thiết lập đường ống dẫn IPI nhằm trung chuyển khí đốt của Iran sang các thị trường phương Đông hơn là phương Tây, nhằm tránh sự cạnh tranh tiềm tàng của Tehran tại thị trường truyền thống này. Từ đó, sự “thống trị” của Nga trong vận chuyển năng lượng từ khu vực biển Caspian có thể được đảm bảo.
Hơn nữa, Nga rất hứng thú với việc tạo ra một hành lang năng lượng Nam-Bắc cũng như thiết lập các mối quan hệ thương mại gần gũi hơn giữa Nam Á và châu Âu thông qua lãnh thổ của Nga. Moscow nhận định, Pakistan, Ấn Độ và Iran cũng hứng thú tham gia các kế hoạch năng lượng và thương mại này.
Do đó, lợi ích chiến lược của các nước lớn trong xây dựng những hệ thống đường ống dẫn dầu, khí đốt đang khiến cuộc đua cạnh tranh năng lượng tại Trung và Nam Á diễn ra hết sức quyết liệt, hình thành nên một “cuộc chơi mới” giữa các “ông lớn” tại khu vực này. (Đất Việt 20/11, Mục Thế giới, Tác giả Thế Phương)

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên