PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Đong thiếu, cân điêu... thời “bão giá”

Nạn đong thiếu, cân điêu… đang bùng phát nhân thời "bão giá". Trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng không hề biết mình bị "móc túi", hoặc biết nhưng không biết kêu ai. 
Trong khoảng 3 tháng gần đây, đoàn kiểm tra liên ngành xăng dầu Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện 7 cây xăng trên địa bàn thành phố “móc túi” người tiêu dùng bằng cách “cho” xăng A83 “đội lốt” xăng A92 hoặc đong thiếu. Có những trường hợp gian lận đo lường bị phát hiện sai số gấp 10 lần mức cho phép. 
Danh sách 7 cây xăng lần này gồm: Cây xăng 1434 Phạm Thế Hiển, Phường 5, Quận 8 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại – dịch vụ sản xuất Hoàng Tuấn (vừa đong thiếu vừa bán xăng dỏm); Cây xăng tại số D12/22 tỉnh lộ 10, Phường Bình Trị Đông, Quận Bình Tân thuộc doanh nghiệp tư nhân thương mại Kim Quế (vừa đong thiếu vừa bán xăng dỏm); Cây xăng 184 Nguyễn Văn Luông, Phường 11, Quận 6 thuộc doanh nghiệp tư nhân Sông Hương (bán xăng dỏm); Cây xăng tại số 1 Nguyễn Kiệm, Phường 3, Quận Gò Vấp thuộc công ty Trách nhiệm hữu hạn số 1 Nguyễn Kiệm (bán xăng dỏm); Cây xăng số 93 Võ Thị Sáu, Phường 6, Quận 3 thuộc chi nhánh công ty cổ phần dịch vụ Q.3 (đong thiếu xăng); trạm mua bán xăng dầu tại số 502 Kinh Dương Vương, Phường An Lạc, Quận Bình Tân, thuộc Hợp tác xã xe du lịch và vận tải số 4 và doanh nghiệp tư nhân Rồng Phụng, số 560A Thoại Ngọc Hầu, Phường 10, Quận Tân Bình (đong thiếu xăng). 
Không chỉ xăng dầu, gian lận thương mại diễn ra tràn lan ở nhiều lĩnh vực hàng hóa khác. Theo Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh,, vi phạm về gian lận thương mại mặt hàng đóng gói sẵn (không đủ khối lượng, thể tích được ghi trên bao bì) cũng rất đa dạng: thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, hàng bách hóa, công nghệ phẩm, hạt giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nguyên vật liệu sản xuất... Mỹ phẩm là mặt hàng người tiêu dùng bị “móc túi” nhiều nhất. 
Vừa qua, trong quá trình kiểm tra Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ánh My (Quận Thủ Đức), đội Quản lý thị trường 3A đã lấy mẫu mỹ phẩm hiệu AM do công ty này sản xuất, đóng gói để kiểm nghiệm. Kết quả từ Trung tâm Kỹ thuật - Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng 3 (Quatest 3) cho thấy 100% mẫu mỹ phẩm này bị “ăn gian” trọng lượng từ 5 - 53%, thậm chí có mẫu bị thiếu đến khoảng 60% trọng lượng so với định lượng ghi trên bao bì. 
Tương tự, đội Quản lý thị trường 3A kiểm tra Công ty Cổ phần Bảo Khang (Quận Phú Nhuận) phát hiện 223.796 chai keo silicon chất kết dính trong xây dựng bị thiếu trọng lượng từ 8 - 15% so với công bố, thu lợi bất chính với tổng trị giá hơn 3 tỉ đồng. Ủy ban nhân dân thành phố quyết định phạt công ty này 62 triệu đồng và truy thu hơn 3 tỉ đồng về gian lận cân đong, đóng gói hàng hóa. 
Ông Đỗ Việt Hùng, Trưởng phòng Đo lường dung tích - Lưu lượng - Quatest 3, cho biết: “Hiện nay cơ quan quản lý chủ yếu kiểm tra về trọng lượng chứ ít khi kiểm tra về thể tích”. Như thế, nước đóng chai (nước lọc, nước ngọt, bia rượu, nước rửa chén, nước xả vải...), nước mắm, dầu ăn... đều có thể bị gian lận về đo lường. Tại buổi tổng kết hoạt động quản lý đo lường 5 năm do Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng thành phố tổ chức vào giữa tháng 11.2010, một cán bộ đặt vấn đề: Hiện có rất nhiều mặt hàng đóng gói sẵn gian lận đo lường nhưng khó kiểm soát. 
Như trên vỏ chai nước lọc ghi 500 ml nhưng không có nấc, vạch nào để kiểm soát. Vậy nước đầy chai là đủ 500 ml hay 2/3 chai? Vì vậy, nhà sản xuất muốn ăn gian thể tích nước là can thiệp vào dây chuyền sản xuất. 
Sữa bột là mặt hàng thiết yếu và lợi nhuận cao nên khả năng người tiêu dùng bị “móc túi” càng lớn. người tiêu dùng đặt nghi vấn: Sữa bột đóng hộp có đủ cân? Đặc biệt trong các chương trình khuyến mãi, chất lượng, thành phần sữa có bị ăn bớt? Liệu có kiểm soát gian lận đo lường mặt hàng nhạy cảm này? 
Gas được coi là mặt hàng thiết yếu mà người tiêu dùng bị “móc túi” trắng trợn. Thị trường gas hiện nay tràn lan gas lậu, gas giả. Vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường Thành phố liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều vụ gas lậu, gas giả với số lượng lớn. 
Cụ thể, ngày 11.9.2010, đội Quản lý thị trường 4A đã kiểm tra xe tải biển số 54Y-0417 trước đại lý gas số164/3 Trịnh Đình Trọng, Phường Phú Trung, Quận Tân Phú và phát hiện 110 bình gas mang 14 nhãn hiệu gas như Elf, VT, Shell, Petrolimex… là giả, không có hóa đơn chứng từ. 
Ngày 19.6.2010 trên QL1A (thuộc Quận Thủ Đức), đội Quản lý thị trường 4A cũng phát hiện 187 bình gas giả, (loại 12-13 kg) trên 2 xe tải biển số 54X-5020 và 54Y-2833. Ngày 27.5.2010 tại đường Bùi Đình Túy (Phường 12, Quận Bình Thạnh) đội Quản lý thị trường Bình Thạnh đã kiểm tra xe tải biển số 54L-6361 thu 43 bình gas giả loại 12-13 kg. Ngày 29.1.2010 trên QL22 (Phường Tân Thới Nhất, Quận 12) đội Quản lý thị trường 12B đã phát hiện xe tải biển số 54X-3820 vận chuyển 150 bình gas giả… 
Theo ông Nguyễn Sỹ Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, mỗi bình gas 12 kg sang chiết lậu, đối tượng thu lời từ 25.000 - 30.000 đồng. Đây là mức lời quá lớn. 
Theo báo cáo của Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường- Chất lượng về hàng đóng gói sẵn 10 tháng đầu năm 2010, có 20/67 lô hàng kiểm tra không đạt (30%), tỷ lệ này năm 2009 là 26%. Cũng theo Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường- Chất lượng, chỉ có thể kiểm tra những nơi kinh doanh hàng đóng gói sẵn có nguồn gốc nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước với số lượng lớn như trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối... các đơn vị nhập khẩu, sản xuất trực tiếp. 
Giám đốc một siêu thị tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Đợt giá cả biến động mạnh hiện nay có nhiều nhà sản xuất đề nghị tăng giá hàng nhưng siêu thị không đồng ý, hoặc họ không dám tăng giá vì sợ “dội” hàng. Tuy vậy, họ lại có cách ăn gian rất tinh vi là đóng gói thiếu.
Ví dụ trên bao bì thực phẩm đóng gói là 250g nhưng thực chất họ đóng gói chỉ 220g. Tình trạng này rơi vào hàng đóng gói sẵn như thực phẩm (mì gói, phở gói, hủ tiếu gói, thực phẩm đông lạnh đóng gói, đồ hộp...), hóa chất, mỹ phẩm, dầu gội. 
Theo tiến sĩ Vũ Thị Bạch Nga - Trưởng Ban bảo vệ người tiêu dùng (Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương), gian lận, vi phạm về đo lường chủ yếu xảy ra ở những nước kém phát triển. Ở nước ta vi phạm về đo lường luôn rất cao, đứng đầu trong các hình thức vi phạm. Trong đó hàng đóng gói sẵn bị ăn bớt trọng lượng bán tràn lan tại các siêu thị. 
Trong khi đó người tiêu dùng chưa thể tự bảo vệ mình trước tệ nạn “móc túi” của các nhà sản xuất, phân phối hàng. Chuyên viên Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Đào Thị Cúc cho biết tình trạng gian lận, vi phạm về đo lường hàng đóng gói sẵn khá nhiều nhưng người tiêu dùng không phản ánh lên Hội vì giá trị nhỏ, hơn nữa người tiêu dùng không có phương tiện đo lường chính xác, không phát hiện và cũng không có thói quen cân đo lại hàng hóa mình đã mua. Hội có nhận được một số vụ phản ánh, khiếu nại về gian lận xăng dầu nhưng người tiêu dùng không cung cấp được chứng cứ cụ thể nên Hội chuyển sang cơ quan chức năng liên quan theo dõi. 
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang là dấu hỏi lớn. Tại một hội thảo ở Thành phố Hồ Chí Minh, tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan - Tổng thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam phát biểu: người tiêu dùng trên thế giới là đối tượng có quyền lực lớn nhất trong tiêu dùng, nhưng ở Việt Nam đối tượng này yếu thế nhất, ít được bảo vệ nhất. (Theo Thanh Niên Onlie 10/12, Mục Đời sống)

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên