PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Định giá cổ phiếu DVP

1/12/2009, Cty CP đầu tư và phát triển cảng Đình Vũ chính thức niêm yết 20 triệu cổ phiếu trên HoSE với mã chứng khoán DVP, mệnh giá 10.000 đồng/1 CP, tương đương với 200 tỷ đồng vốn điều lệ. 
DVP được đánh giá là một trong những lĩnh vực đang có hướng phát triển và tốc độ tăng trưởng mạnh trong thời gian qua cũng như tương lai. Vì vậy, dự báo của các nhà phân tích CP lĩnh vực này cũng như của DVP đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. 
Mới! Đó là nhận xét đầu tiên về cảng Đình Vũ. Bắt đầu đầu tư xây dựng từ năm 2003 và khai thác một phần từ năm 2005, Đình Vũ được xem là một cảng mới. Qua các năm tiếp theo, Đình Vũ liên tục đầu tư thiết bị, cơ sở hạ tầng và hiện kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực khai thác dịch vụ cảng như: Bốc xếp hàng hoá; vận tải hàng hoá đa phương thức; dịch vụ kho vận, dịch vụ kho ngoại quan và hàng chuyển khẩu, quá cảnh; ... 
Chính vì mới đi vào hoạt động cộng với vị trí ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc với 90% sản lượng hàng hoá giao thương trong khu vực mỗi năm thông qua hệ thống các cảng ở Hải Phòng nên DVP sẽ có nhiều cơ hội và thách thức, sức ép cạnh tranh. 
Tuy là cảng mới nhưng với lợi thế riêng của mình: Vị trí địa lý đắc địa, diện tích đất kinh doanh rộng lớn được ưu đãi của Nhà nước, và đặc biệt sự hỗ trợ về kinh nghiệm khai thác cảng của cảng Hải Phòng (cổ đông lớn nắm giữ 51% vốn điều lệ), chính vì vậy hoạt động sản xuất kinh doanh của DVP có sự tăng trưởng mạnh qua các năm. 
Riêng năm 2008, các chỉ tiêu đều có tốc độ tăng trưởng hơn 170% so với 2007. Và 9 tháng đầu năm nay, Cty đã đạt mức doanh thu bằng 123%, lợi nhuận sau thuế bằng 132,7% so với 2008. Điều quan trọng là lợi nhuận từ hoạt động sản xuất có tốc độ tăng nhanh hơn so với doanh thu thuần do chi phí khấu hao thấp và gần như không thay đổi qua các năm. 
Cty càng có nhiều đơn hàng, càng tận dụng được thiết bị thì chi phí bình quân càng giảm, gia tăng hiệu quả. Cũng vì mới đi vào hoạt động nên công nợ của DVP không đáng kể, chỉ tiêu khả năng thanh toán cao, tỷ trọng nợ vay thấp, lượng hàng tồn kho thấp do Cty chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ. Một điểm đáng lưu ý là hệ số sinh lời thời gian đầu của DVP tương đối thấp so với bình quân của ngành. 
Tuy nhiên, hệ số này đang được cải thiện hàng năm (tăng ngay cả trong bối cảnh khủng hoảng với ROA năm 2008 gấp 118% năm 2007, ROE gấp 169% so với năm liền kề) do mục tiêu phấn đấu của DVP trở thành một cảng container có cơ sở hạ tầng và công nghệ hiện đại, cần vốn đầu tư lớn. Điều này có thể làm giảm hiệu quả kinh doanh ở những năm đầu nhưng sẽ tăng mạnh vào những năm sau. 
Dù có nhiều lợi thế, nhưng DVP cũng đang gặp phải sức cạnh tranh mạnh từ các Cty cùng ngành do thiết bị, cơ sở hạ tầng đầu tư chưa hoàn thiện, chưa phát huy hết năng lực; dịch vụ vận tải đa phương thức của Cty chưa phát triển mạnh. Đặc biệt là việc chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các cảng nội địa, nhất là ở Hải Phòng có truyền thống lâu năm và được đầu tư lớn. 
Bên cạnh đó, việc đầu tư mở rộng năng lực sản xuất đòi hỏi nguồn vốn lớn, nhất là từ bên ngoài. Điều này sẽ càng khó khăn hơn khi lạm phát tăng cao. 
Nhu cầu về vận tải thông qua cảng liên tục tăng mạnh trong những năm qua. Chỉ tính từ 2005 - 2008, sản lượng hàng hoá qua hệ thống cảng của VN đã tăng 3 lần và với vị trí của mình DVP sẽ có nhiều cơ hội phát huy hết năng lực của mình. Chính vì vậy, mục tiêu lớn nhất của DVP trong những năm tiếp theo, nhất là trong 2009 và 2010 là tiếp tục đầu tư thiết bị và cơ sở hạ tầng để trở thành một trong những cảng hiện đại, tiên tiến. 
Theo tính toán thì nguồn đầu tư vốn từ bên ngoài sẽ chiếm khoảng 60% tổng lượng vốn đầu tư cần thiết. Việc lên sàn cũng là một trong những mục tiêu thu hút vốn đầu tư và nhiều chuyên gia cho rằng, đây là CP nên đầu tư, nhất là trong xu hướng trung và dài hạn. Vậy cổ phiếu DVP sẽ có mức giá khoảng bao nhiêu. 
Tính toán của Cty CPCK Hải Phòng cho thấy: Nếu tính theo phương pháp P/E nội tại thì P/E=17,29. P = 61.018 đồng. Nếu tính theo phương pháp PEG thì P/E = 16,33. P = 57.644 đồng. Tổng hợp cả hai phương pháp trên cho kết quả giá CP của DVP sẽ là 59.331 đồng. 
Hai phương pháp tính này được tính toán dựa trên những giả định: Hiệu quả hoạt động của Cty ở hai quý cuối năm tương đương với nửa đầu năm. Có ba cơ sở cho giả định này. 
Thứ nhất, do khách hàng của DVP chủ yếu là các hãng nước ngoài chạy tuyến Hàn Quốc, Trung Quốc... nên Cty ít bị ảnh hưởng bởi suy giảm XNK. Đặc biệt, có một xu hướng đang củng cố và thúc đẩy cho hoạt động của DVP chính là do suy thoái kinh tế toàn cầu làm cho chi phí vận tải biển tụt xuống mức thấp nên biến loại hình vận tải này trở nên hấp dẫn đối với các nhà xuất khẩu, ngoại thương. 
Thứ hai, tỷ lệ lạm phát ở mức khoảng 6,8%. Thứ ba, lãi suất cơ bản được giữ nguyên 7%/năm. 
Dự báo của nhiều tổ chức và chuyên gia kinh tế cho thấy, XNK của VN có thể tăng trưởng trở lại với tốc độ trung bình khoảng 16-18%, với lợi thế riêng của DVP đồng thời cảng biển là một trong bốn ngành kinh tế đang được tập trung ưu tiên phát triển sẽ giúp nhà đầu tư định giá cho DVP, nhất là những nhà đầu tư trung và dài hạn. (Diễn Đàn Doanh Nghiệp 1/12) 

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên