PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close
Phân mục: Tin hoạt động

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: An toàn môi trường - giá trị cốt lõi của phát triển bền vững

Thời gian gần đây, dư luận bức xúc sau hàng loạt vụ xả thải độc hại ra môi trường, gây hệ lụy nặng nề đối với đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Vấn đề an toàn môi trường của các nhà máy công nghiệp được quan tâm hơn bao giờ hết. Là tập đoàn sản xuất công nghiệp trụ cột của đất nước với hàng trăm nhà máy, xí nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giải quyết bài toán này như thế nào?

Tiệm cận với các quy chuẩn quốc tế

Hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Tập đoàn được tập trung trên 5 lĩnh vực chính là: thăm dò, khai thác dầu khí, lọc - hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao, trong đó thăm dò khai thác dầu khí là cốt lõi.

Không đơn thuần như các ngành khác, để bảo đảm an toàn môi trường trong hoạt động dầu khí nước ta, khá nhiều đối tượng đặc thù và phức tạp phải giải quyết như: ứng phó sự cố tràn dầu; xử lý dung dịch khoan và mùn khoan thải từ các công trình dầu khí trên biển; quản lý chất thải đối với các hoạt động dầu khí trên biển; xử lý khí thải, nước thải trong công nghiệp lọc - hóa dầu, đạm, hóa phẩm dầu khí, công nghiệp sản xuất điện; xử lý nước khai thác thải từ các công trình dầu khí trên biển; xử lý môi trường khi thu dọn mỏ…

Xác định việc loại trừ hoặc giảm thiểu các rủi ro gây tác hại đối với sức khỏe và tính mạng con người, gây thiệt hại tài sản hoặc môi trường là trách nhiệm của mọi đơn vị sản xuất công nghiệp, PVN luôn đặt mục tiêu bảo đảm an toàn sức khỏe môi trường (ATSKMT) lên hàng đầu.

Từ ngày thành lập đến nay, PVN luôn nhận thức sâu sắc trách nhiệm kiểm soát, hướng dẫn các đơn vị cơ sở, các đối tác nước ngoài thực thi tuân thủ quy định pháp luật về ATSKMT. Tại Việt Nam, PVN là doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực an toàn, môi trường, từng bước hoàn thiện các hướng dẫn kiểm soát an toàn, môi trường, ứng phó với các sự cố đặc thù riêng của ngành, đảm bảo đạt các yêu cầu của công nghiệp dầu khí quốc tế.

Cùng với sự tư vấn của các tổ chức quốc tế (PSA, NCA, KLIF…), Tập đoàn đã nỗ lực không ngừng trong việc phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng và hoàn thiện các tài liệu pháp luật về quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp, ứng phó sự cố tràn dầu và bảo vệ môi trường, nhằm đảm bảo an toàn cho con người, môi trường và tài sản trong toàn bộ hoạt động dầu khí.

Đã 55 năm trôi qua kể từ ngày ngành Dầu khí Việt Nam bắt đầu hình thành và phát triển, đến nay, dù lĩnh vực hoạt động rất rộng và quy mô lớn, song PVN chưa để xảy ra một sự cố môi trường nghiêm trọng nào. Đối với ngành công nghiệp dầu khí, đây cũng có thể ghi nhận là một kỳ tích.

Mục đích của yêu cầu pháp luật về ATSKMT và các yêu cầu của tiêu chuẩn khác là điều chỉnh các hoạt động, các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp để đảm bảo người lao động được bảo vệ khỏi thương tật, sản phẩm không gây phương hại đến cộng đồng và tác động đến môi trường được giảm thiểu.

Được biết, do nhận thức và tuân thủ đầy đủ mọi biện pháp thích hợp cũng như áp dụng các chuẩn mực theo quy định, đến thời điểm hiện nay, đã có 15 đơn vị cơ sở của PVN có Hệ thống quản lý ATSKMT được các công ty độc lập đánh giá và cấp chứng chỉ quốc tế, gồm: PTSC, PV GAS, PVFCCo, PV Trans, PVD, PVC, DMC, VSP, PVEP, PV Power, BSR, DQS, BDPOC, PVCFC và PV Oil. Các đơn vị còn lại cũng trong quá trình hoàn thiện hệ thống quản lý ATSKMT nhằm đáp ứng yêu cầu của Tập đoàn, yêu cầu của pháp luật và đặc thù hoạt động của đơn vị. Hệ thống quản lý ATSKMT của Tập đoàn được xây dựng và duy trì đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả theo các tiêu chuẩn OHSAS 18001, ISO 14001 và ISO 9001.

Quy trình chặt chẽ và khoa học

PVN đã tổ chức bộ máy quản lý công tác ATSKMT thống nhất và xuyên suốt từ Công ty Mẹ đến các đơn vị cơ sở và do một Phó tổng giám đốc Tập đoàn trực tiếp điều hành. Ban ATSKMT của PVN được tổ chức thành 3 phòng gồm: Phòng An toàn & Sức khỏe lao động, Phòng Bảo vệ Môi trường và Văn phòng Trực tình huống khẩn cấp. Các đơn vị cơ sở đều thành lập phòng, ban ATSKMT và phân công cán bộ chuyên trách.

Bên cạnh chính sách ATSKMT, các thành phần và các quy trình chính được công bố trong Sổ tay Hệ thống quản lý ATSKMT đóng vai trò là các yêu cầu thiết yếu cho mọi hoạt động. Trong nhiệm vụ triển khai chính sách ATSKMT Tập đoàn đã cập nhật, sửa đổi các tài liệu hệ thống quản lý gồm: Kế hoạch Ứng cứu khẩn cấp và Kế hoạch Ứng phó sự cố tràn dầu; hướng dẫn quản lý rủi ro và ứng cứu khẩn cấp trong các hoạt động dầu khí; hướng dẫn quan trắc và phân tích môi trường biển khu vực lân cận các công trình dầu khí ngoài khơi Việt Nam; hướng dẫn quan trắc môi trường xung quanh và giám sát nguồn thải của các công trình dầu khí trên đất liền.

PVN đã ban hành các hướng dẫn kỹ thuật và quản lý định hướng hoạt động cho các đơn vị cơ sở cũng như công tác quản lý và kiểm tra của Tập đoàn. PVN cũng chú trọng công tác ATSKMT trong các dự án đầu tư tại các quốc gia khác, đảm bảo đáp ứng mọi yêu cầu của nước sở tại và các tiêu chuẩn quốc tế.

Các đơn vị cơ sở của PVN thường xuyên tổ chức cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về ATSKMT để tổ chức thực hiện. Với sự quản lý, hỗ trợ của PVN, đến nay hầu hết các đơn vị, nhà thầu dầu khí đều đã lập danh mục các tài liệu pháp luật cần tuân thủ và tổ chức đánh giá định kỳ hằng năm. Qua các hình thức thực hiện đa dạng như giao cho bộ phận ATSKMT chuyên trách, bán chuyên trách, quản lý chất lượng hệ thống… hoặc ký kết với doanh nghiệp có chức năng liên quan… đã đảm bảo việc cập nhật đúng và đầy đủ quy định pháp luật ATSKMT trong toàn Tập đoàn.

Mặt khác, trong các đợt kiểm tra định kỳ công tác ATSKMT ở các đơn vị, việc đánh giá sự tuân thủ pháp luật luôn được Tập đoàn xem là nội dung quan trọng. Công tác kiểm tra ATSKMT không chỉ được tiến hành với tần suất hằng năm mà còn được thực hiện theo bốn cấp, cấp Tập đoàn, cấp tổng công ty, cấp công ty và cấp tổ đội, nhằm đảm bảo mức độ chi tiết, nghiêm ngặt và kịp thời của công tác kiểm tra.

Ngoài ra, Tập đoàn thường xuyên phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước gồm Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội… đánh giá việc tuân thủ quy định ATSKMT ở các đơn vị.

Tại PVN, công tác bảo vệ môi trường được triển khai ngay từ khi bắt đầu của mọi dự án. Các dự án đều được nghiên cứu và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết, kế hoạch bảo vệ môi trường cho dự án đầu tư theo yêu cầu pháp luật, trong đó đề xuất các biện pháp, kế hoạch ngăn ngừa, giảm thiểu tác động môi trường. Biện pháp giảm thiểu cam kết đạt được các mục đích như: Giảm thiểu lượng chất thải; Xử lý các loại chất thải phát sinh đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế trước khi xả thải vào môi trường; Giảm thiểu các tác động không liên quan đến chất thải như xáo trộn vật lý, tiếng ồn, độ rung...

Công tác giám sát các nguồn thải được thực hiện theo hệ thống, lưu hồ sơ, báo cáo theo quy định. Công tác phân loại, lưu giữ tạm thời, vận chuyển và xử lý các chất thải rắn, chất thải nguy hại được bố trí đầy đủ nguồn lực, hướng dẫn cụ thể, đảm bảo giảm thiểu nguy cơ gây hại tới môi trường và cộng đồng, tuân thủ quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Tập đoàn yêu cầu các đơn vị thường xuyên cập nhật các nguồn thải từ hoạt động của mình, từ đó xác định rõ những rủi ro và tác động môi trường để thực hiện các hoạt động giảm thiểu phù hợp.

Doanh nghiệp hướng tới cộng đồng

Nhận thức được rằng, để quản lý môi trường và các vấn đề xã hội có hiệu quả trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, Tập đoàn trước hết cần dựa vào cộng đồng. Các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường phải là thể thống nhất, hài hòa và có sự tham gia của tất cả các cá nhân cũng như các tổ chức trong việc bảo vệ môi trường (BVMT) tự nhiên và xã hội ở cơ sở để đáp ứng nhu cầu của mục tiêu phát triển bền vững của Tập đoàn.

Hầu hết các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của PVN được thực hiện ngoài khơi tại các bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, Phú Khánh… có thể gây cản trở và hạn chế hoạt động của ngư dân tại các ngư trường. Tuy nhiên, các hoạt động đánh bắt của ngư dân có nguy cơ gây rò rỉ, cháy nổ đường ống và các hoạt động thăm dò, khai thác do việc thả neo hoặc dùng chất nổ trong đánh bắt.

Hoạt động sản xuất trong các lĩnh vực lọc hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí trên bờ của PVN được đánh giá mang một số tác động tiêu cực đến cộng đồng dân cư xung quanh nếu không có biện pháp giảm thiểu thích hợp. Ngoài ra, trong giai đoạn xây dựng có khả năng phải di dời, tái định cư các hộ dân sống trong khu vực dự án. Khi đi vào hoạt động các nhà máy làm tăng mật độ phương tiện lưu thông, có thể xảy ra xung đột văn hóa với cộng đồng địa phương do tăng lực lượng lao động từ nhiều vùng miền khác nhau, tăng nguy cơ lan truyền dịch bệnh xã hội. Các sự cố cháy, nổ, tràn dầu có thể gây tác động đến cộng đồng địa phương.

Chính vì vậy, các vấn đề an toàn, môi trường và xã hội được giải quyết tốt nhất khi có sự tham gia của tất cả các bên quan tâm.

Việc tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án, các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương và các bộ phận liên quan được tiến hành dưới hình thức họp cộng đồng dân cư do chủ dự án và UBND cấp xã nơi thực hiện dự án đồng chủ trì. Ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp được thể hiện đầy đủ, trung thực trong biên bản. Những ý kiến này được chủ dự án giải trình và cam kết thực hiện, sau khi đạt được sự đồng thuận.

Ngoài ra, trong một số dự án liên doanh với nước ngoài hoặc có vay vốn của các tổ chức tín dụng quốc tế, việc tham vấn cộng đồng địa phương còn phải tuân thủ yêu cầu riêng của tổ chức tín dụng cho vay như IFC, ADB, WB…

Sự tham gia của cộng đồng và công chúng trong các dự án này được phân chia thành 4 cấp độ như sau: Đàm phán - thảo luận trực tiếp giữa chủ dự án và các bên chủ chốt liên quan nhằm xây dựng sự đồng thuận và hướng tới giải pháp các bên có thể chấp nhận. Tham gia - sự trao đổi tương tác giữa chủ dự án và cộng đồng bao gồm chia sẻ thông tin và thiết lập chương trình làm việc, tăng cường hiểu biết giữa các bên. Tham vấn - thông tin hai chiều giữa chủ dự án và cộng đồng tạo cơ hội cho cộng đồng bày tỏ quan điểm về đề xuất; Thông báo - thông tin một chiều từ chủ dự án tới cộng đồng.

Việc tăng cường hiểu biết, nhận thức giữa các đơn vị cơ sở của Tập đoàn với người dân và chính quyền địa phương là hết sức quan trọng và cần thiết thông qua các hoạt động giao lưu, phối hợp với địa phương tham gia công tác an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phối hợp với địa phương trong kế hoạch phòng chống cháy, nổ và ứng phó tràn dầu… thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng và nâng cao hình ảnh một doanh nghiệp hướng tới cộng đồng.

Vì mục tiêu phát triển bền vững

Kể từ năm 2012, PVN đã đưa vào sử dụng hiệu quả phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu ATSKMT của PVN”, một cầu nối quan trọng giữa Tập đoàn và các đơn vị. Thông qua công tác vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu ATSKMT, Tập đoàn tổng hợp, thống kê và theo dõi các chỉ số ATSKMT của tất cả các đơn vị cơ sở và nhà thầu dầu khí, báo cáo định kỳ tới lãnh đạo Tập đoàn và cơ quan quản lý nhà nước về ATSKMT. Trên cơ sở đánh giá chi tiết các chỉ số ATSKMT được theo dõi, Tập đoàn rà soát hiệu quả của hệ thống quản lý ATSKMT; Kiện toàn, bổ sung các văn bản hướng dẫn; phát hiện, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong ATSKMT; Tìm kiếm các cơ hội nâng cao chất lượng công tác ATSKMT, đảm bảo bảo vệ nghiêm ngặt cho người lao động, môi trường và tài sản của Tập đoàn.

Về quản lý, PVN hiện đang tiếp tục củng cố hệ thống các tổ chức liên quan đến hoạt động BVMT, cải tiến liên tục hệ thống quản lý BVMT từ cấp Tập đoàn đến các đơn vị cơ sở. Công tác quản lý môi trường được thực hiện trên cơ sở quản lý rủi ro và xuyên suốt quá trình triển khai dự án từ giai đoạn xây dựng ý tưởng đến kết thúc và tháo dỡ công trình, trong đó các giải pháp công nghệ - kỹ thuật sẽ là lựa chọn ưu tiên, bao gồm cả việc lựa chọn công nghệ, nguyên liệu, nhiên liệu và vị trí công trình. Quá trình triển khai các nhiệm vụ trên được khởi động bằng các hoạt động kiểm toán: Kiểm toán sử dụng nguyên, nhiên liệu, vật tư, năng lượng, kiểm toán phát thải, từ đó định lượng được các định mức cơ sở cho mỗi đơn vị sản phẩm hoặc doanh thu và xác định các yếu tố chính ảnh hưởng đến các tiêu chí trên, từ đó hình thành các giải pháp phù hợp.

Năm 2015, Luật Bảo vệ Môi trường số 55/2014/QH13 bắt đầu có hiệu lực thi hành với nhiều thay đổi quan trọng; các dự án thăm dò khai thác dầu khí ở vùng nước sâu xa bờ đã bắt đầu được triển khai; các hiện tượng bất thường do biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng. Bối cảnh đó đặt ra những mục tiêu mới trong công tác BVMT.

Để đảm bảo phát triển bền vững trong sản xuất, kinh doanh, các mục tiêu lớn trong giai đoạn tới sẽ là: Sử dụng hợp lý và hiệu quả nguyên, nhiên liệu, vật tư, năng lượng và kiểm soát chặt chẽ phát thải, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải, đảm bảo cung ứng cho thị trường các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Như vậy, BVMT sẽ là các hoạt động không chỉ bó gọn trong kiểm soát phát thải và ứng phó sự cố môi trường mà thực sự tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, kinh doanh.

Công tác thông tin, tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua trong tiết kiệm nguồn lực, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất sẽ đảm bảo mọi cán bộ, nhân viên tham gia hiệu quả vào quá trình phát triển của PVN.

Song song với các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, các hoạt động BVMT hiện hữu vẫn tiếp tục được PVN triển khai theo hướng thực chất và hiệu quả hơn, các tiêu chí BVMT được lượng hóa, các thông tin được tổng hợp, xử lý, kịp thời cung cấp thông tin và đề xuất đến các cấp lãnh đạo phục vụ quá trình ra quyết định.

Mặc dù thành tựu về an toàn môi trường không dễ định lượng, không nổi bật như các kết quả hoàn thành kế hoạch kinh tế, kỹ thuật, song PVN luôn coi đó là một giá trị cốt lõi của phát triển xanh, phát triển bền vững.

(Theo PetroTimes)

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên