PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close
Phân mục: Tin hoạt động

PV GAS tham gia bảo vệ động vật hoang dã bằng việc làm cụ thể

Động vật hoang dã (ĐVHD) Việt Nam nói riêng, trên thế giới nói chung, hiện đang phải đối mặt với sự suy giảm nghiêm trọng về số lượng cá thể trong tự nhiên, mà mối đe dọa lớn nhất đối với các loài ĐVHD Việt Nam là nạn tiêu thụ, buôn bán trái phép ĐVHD và các sản phẩm làm từ ĐVHD.

Trước thập niên 90 của thế kỷ XX, ĐVHD Việt Nam chủ yếu bị săn bắt, buôn bán sang Trung Quốc và các nước láng giềng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế đất nước thì nhu cầu tiêu tụ ĐVHD ở Việt Nam cũng tăng mạnh và ngày càng trở nên phổ biến với rất nhiều hình thức tiêu thụ khác nhau: từ việc ăn các món ăn làm từ ĐVHD, uống rượu ngâm ĐVHD, sử dụng thuốc đông y có nguồn gốc từ ĐVHD hay thậm chí cả việc mua đồ lưu niệm, vật trang trí trong nhà… Một hình thức khác mà mọi người dường như ít để ý; nhưng cũng là một hình thức tiêu thụ khá phổ biến, đó là nuôi nhốt ĐVHD làm cảnh tại nhà dân, quán cà phê, ở nhà hàng như khỉ, voọc, cu li, trăn hay thậm chí rái cá hay mèo rừng.

 ĐVHD và các sản phẩm của ĐVHD được bày bán, tiêu thụ ở khắp mọi nơi: tại nhà hàng, trên đường phố, ở nhà dân, ở các quầy lưu niệm, quán cà phê. Chúng ta có thể nhìn thấy rất nhiều trên các biển quảng cáo, trong thực đơn, trên mạng, biển báo ngoài đường, trên Facebook hay các trang kết nối buôn bán trên mạng.

Người ta có thể có rất nhiều lý do cho việc tiêu thụ ĐVHD của mình, nhưng dù với bất kỳ lý do gì thì tình trạng này cũng cần phải chấm dứt. Không chỉ bởi vì việc tiêu thụ ĐVHD là vi phạm pháp luật với mức hình phạt có thể lên tới 7 năm tù giam và 500.000.000 đồng, là nguyên nhân thúc đẩy các tội phạm nghiêm trọng về săn bắt và buôn bán ĐVHD, mà còn bởi việc tiêu thụ ĐVHD ở Việt Nam còn có tác động lên các quần thể hoang dã của thế giới.

Chỉ riêng với tê giác, nhu cầu tiêu thụ sừng ngày một tăng đã khiến cho số lượng tê giác ở châu Phi sụt giảm nghiêm trọng. Tốc độ săn bắn tê giác ở Nam Phi đã tăng gấp trên 7000%; từ 13 cá thể năm 2007, lên tới 1004 trong năm ngoái. Tất cả tê giác tự nhiên ở Việt Nam, một phần của di sản tự nhiên không còn nữa.

 Tình trạng này vẫn tiếp diễn dù có rất nhiều người tham gia bảo vệ chúng, và thậm chí những kiểm lâm viên, cũng như tê giác bị giết hại bởi bọn săn trộm. Và tình hình vẫn ngày càng trở nên tệ hơn, khi mà Việt Nam hiện đang bị coi là một trong hai thị trường chính về tiêu thụ sừng tê giác trên thế giới. Đáng buồn hơn, điều này không chỉ xảy ra với tê giác. Để đáp ứng nhu cầu về ngà voi, cao hổ và các bộ phận của chúng, các cá thể này cũng đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng với số lượng còn lại trong tự nhiên chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhiều loài khác như gấu, vượn, tê tê, voọc, rùa.. cũng có thể cùng chung số phận. Một vài loài trong số đó là những loài đặc hữu ở Việt Nam, chỉ có ở Việt Nam, mà không có ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng như không thể gây nuôi ở vườn thú.

Với mong muốn góp phần chung tay bảo vệ động vật hoang dã, PV GAS đang phối hợp cùng Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng nhằm hạn chế việc mua bán, tiêu thụ ĐVHD tại Việt Nam. ENV là một trong những tổ chức môi trường đầu tiên tại Việt Nam chuyên sâu về lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường, được thành lập năm 2000 với mục tiêu nâng cao nhận thức người dân về sự cần thiết của việc bảo vệ thiên nhiên và các loài ĐVHD. ENV cũng thiết lập một đường dây nóng miễn phí để tiếp nhận thông tin về các vi phạm từ cộng đồng.

Sau đó, thông tin sẽ được chuyển giao tới các các cơ quan chức năng. Mỗi một vụ vi phạm sẽ được theo đuổi đến khi có kết quả cuối cùng, đôi khi có sự tham gia trực tiếp cùng các cơ quan chức năng để kịp thời giải cứu. Đường dây nóng hoạt động từ 8:00 – 17:30, từ thứ 2 đến thứ 6, theo giờ làm việc của các cơ quan chức năng. Tính đến nay, hơn 6.500 vi phạm đã được ghi nhận, giúp giải cứu hàng trăm cá thể.

 Trong tháng 9 và tháng 10/2014, để nâng cao thêm hiệu quả chương trình, ENV sẽ tổ chức các buổi nói chuyện tại các đơn vị trực thuộc, thành viên PV GAS về chủ đề này. PV GAS đã tham gia treo các biển cảnh báo ở công sở với nội dung: KHÔNG tiêu thụ động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã. Thông qua mạng công việc, trang tin chung của Tổng công ty, PV GAS đang tích cực kêu gọi toàn thể CBCNV và gia đình góp phần làm cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, bài trừ mọi hành vi làm hại đến ĐVHD, cung cấp số điện thoại nóng để gọi khi phát hiện hành vi săn bắt, buôn bán, tiêu thụ ĐVHD.

 

Bằng những hành động hết sức đơn giản và thiết thực, các CBCNV PV GAS đều ý thức trách nhiệm công dân Việt Nam, góp phần bảo vệ ĐVHD bằng những việc làm hàng ngày:

1. KHÔNG tiêu thụ ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD: KHÔNG ăn thịt ĐVHD, KHÔNG uống rượu ngâm ĐVHD, KHÔNG trưng bày các sản phẩm từ ĐVHD, KHÔNG nuôi nhốt ĐVHD làm cảnh.

 2.   Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng bằng cách chia sẻ với người thân, bạn bè, gia đình giúp thông điệp ngày càng được lan tỏa rộng hơn.

3. Trở thành tình nguyện viên (TNV) của ENV để tham gia các hoạt động bảo vệ ĐVHD như: truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng; tham gia điều tra, khảo sát các cơ sở vi phạm, góp phần giải cứu hàng trăm cá thể ĐVHD và chấm dứt hàng ngàn vi phạm.

4. Thông báo vi phạm tới cơ quan chức năng địa phương hoặc tới đường dây nóng bảo vệ ĐVHD miễn phí 1800 1522

Thông tin tham khảo:

3.1.             Về ENV

http://thiennhien.org/gioi-thieu/gioi-thieu-chung

http://thiennhien.org/gioi-thieu/su-menh-muc-tieu

3.2.             Các chiến dịch lớn của ENV

http://thiennhien.org/bao-ve-dong-vat/bao-ve-ho

http://thiennhien.org/bao-ve-dong-vat/bao-ve-te-giac

http://thiennhien.org/bao-ve-dong-vat/bao-ve-gau

3.3.             Các thông điệp truyền thông của ENV

http://thiennhien.org/thu-vien/thong-diep-truyen-thong/clip-truyen-thong

3.4.             Tin hoạt động

http://thiennhien.org/thu-vien/ban-tin-hoat-dong-env

http://thiennhien.org/tin-tuc/tin-hoat-dong

https://www.facebook.com/trungtamgiaoducthiennhien

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên