PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close
Phân mục: Tin hoạt động

Ngành Dầu khí trong bối cảnh Việt Nam tham gia TPP

TPP, viết tắt của từ Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương), là một hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. 12 thành viên của TPP bao gồm: Australia, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Vietnam, Mỹ và Nhật Bản. Ngoài ra các nước Colombia, Philippines, Thái Lan, Đài Loan và Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến TPP.

Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Ngoài ra, TPP sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này, như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động…

Thắt chặt hơn mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia này, thông qua các biện pháp giảm (thậm chí là loại bỏ hoàn toàn trong một số trường hợp) các hàng rào thuế quan giữa các nước, giúp tăng cường trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Cùng với tăng cường dòng chảy vốn, TPP cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nhóm 12 thành viên.

TPP bao gồm 30 chương, điều chỉnh bao quát 22 lĩnh vực về thương mại và các vấn đề liên quan đến thương mại, từ thương mại hàng hóa đến hải quan và trợ giúp thương mại; biện pháp vệ sinh dịch tễ; rào cản kỹ thuật đối với thương mại; biện pháp phòng vệ thương mại; đầu tư; dịch vụ; thương mại điện tử; mua sắm công; sở hữu trí tuệ; lao động; môi trường; các chương “ngang” nhằm mục đích bảo đảm TPP tận dụng được các tiềm năng về phát triển, năng lực cạnh tranh, và sự toàn diện; giải quyết tranh chấp, các điều khoản ngoại lệ, và điều khoản thi hành.

TPP tiếp cận thị trường toàn diện, xóa bỏ hoặc giảm thuế quan và các rào cản phi thuế quan một cách đáng kể đối với mua bán hàng hóa, dịch vụ và đầu tư; theo đó, hầu hết việc loại bỏ thuế quan đối hàng công nghiệp sẽ được thực hiện ngay lập tức, mặc dù thuế đối với một số sản phẩm sẽ được loại bỏ theo một khung thời gian dài hơn theo thỏa thuận.

Các nước TPP còn thỏa thuận sẽ bảo đảm các doanh nghiệp nhà nước hoặc những đơn vị độc quyền của mình không phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp, hàng hóa và dịch vụ của các nước còn lại. Các nước TPP đồng ý trao cho tòa án quyền tài phán đối với các hoạt động thương mại của các DNNN nước ngoài trên lãnh thổ của mình, và bảo đảm rằng, các cơ quan hành chính quản lý của các DNNN và doanh nghiệp tư nhân cũng làm như vậy một cách công bằng. Các nước TPP đồng ý sẽ không tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với lợi ích của các nước TPP khác khi cung cấp hỗ trợ phi thương mại cho các DNNN, hay làm tổn hại đến ngành công nghiệp trong nước của thành viên khác thông qua việc cung cấp các hỗ trợ phi thương mại cho DNNN sản xuất và bán hàng hóa trên lãnh thổ nước đó; đồng ý chia sẻ danh sách các DNNN của mình với các nước TPP khác và khi được yêu cầu, sẽ cung cấp các thông tin bổ sung về mức độ sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ và những hỗ trợ phi thương mại cung cấp cho các DNNN…

Cần nhắc lại rằng, kể từ ngày gia nhập WTO (7-11-2006), Việt Nam đã đồng ý cho phép thành lập liên doanh với tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài không vượt quá 49%. Sau ba năm kể từ ngày gia nhập, hạn chế này sẽ là 51%. Hai năm sau đó, cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cam kết tại phần này không ảnh hưởng đến quyền của Chính phủ Việt Nam trong việc đưa ra các quy định và thủ tục cần thiết để quản lý các hoạt động có liên quan tới dầu và khí trong phạm vi lãnh thổ hoặc quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của Việt Nam theo GATS.

Những nội dung cam kết hội nhập trong cả WTO và TPP nói trên đã và sẽ tiếp tục tạo điều kiện tự do hóa từng bước thị trường, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; đồng thời, tiếp tục bảo hộ các hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan đến khai thác mỏ của các doanh nghiệp trong nước và giúp cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với nguồn hàng hóa dịch vụ đa dạng từ nước ngoài, học hỏi trình độ kỹ thuật cao của các nước có trình độ công nghệ, kỹ thuật phát triển.

TPP ảnh hưởng tới 20 nhóm ngành hàng của Việt Nam theo 4 mức độ: Nhóm 9 ngành hàng (nhất là ngành dệt may, giày dép, gỗ, thủy sản, nông sản…), có ảnh hưởng tích cực ngay lập tức nhờ việc giảm thuế suất; Nhóm ngành cảng biển, logistics, công nghiệp phụ trợ và xây dựng sẽ có ảnh hưởng trung và dài hạn với việc cải thiện trong giao thương; Nhóm bị ảnh hưởng tiêu cực gồm ô-tô, chăn nuôi và mía đường, trong đó ô-tô sẽ là ngành chịu ảnh hưởng ngay lập tức, trong khi chăn nuôi và mía đường sẽ chịu ảnh hưởng nếu xét trong trung và dài hạn.

Riêng dầu khí nằm trong nhóm ít ảnh hưởng cùng với ngành bất động sản, dược phẩm. Trong đó, ngành khoan dầu khí nằm trong nhóm ngành dịch vụ liên quan đến khai thác mỏ có mã CPC 883, dẫn chiếu đến mã 1120 của hệ thống phân loại ISIC Rev.3, bao gồm các hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực dầu khí được cung cấp trên cơ sở trả phí hoặc theo hợp đồng, bao gồm: khoan định hướng và khoan lại; chuẩn bị khoan; dựng, sửa chữa và tháo dỡ tháp khoan; bơm trám xi-măng ống chống giếng dầu và khí; bơm ép vỉa; lấp và hủy giếng; và các hoạt động dịch vụ khác. Việc hạn chế tiếp cận thị trường đối với ngành này giúp các doanh nghiệp Việt Nam đang sở hữu những giàn khoan hiện đại giảm bớt áp lực cạnh tranh và từng bước làm chủ công nghệ và thị trường.

Ở góc độ khác, khi TPP và AEC có hiệu lực, thu ngân sách từ thuế nhập khẩu ngành dầu khí, hóa chất, kim loại và nhóm thực phẩm chế biến… sẽ giảm; trong khi áp lực tăng chi phí bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện lao động cho người lao động, cũng như chi phí tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ và xuất xứ sản phẩm nội khối… sẽ tăng, ảnh hưởng nhất định trực tiếp và gián tiếp đến quy mô và chi phí sản xuất trong hoạt động của các doanh nghiệp ngành dầu khí Việt Nam.

Đặc biệt, việc ít bị ảnh hưởng cạnh tranh từ TPP đối với ngành dầu khí nói trên đã tạo lực đẩy tăng giá cho hàng loạt cổ phiếu ngành dầu khí như: PVC, PVD, PVS, GAS, DPM, PTL, PXL, PXS, PXT… như đã ghi nhận trong những ngày qua; nhưng về lâu dài, xu hướng này có thể thay đổi do mở rộng thị trường.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2016, ngành dầu khí đặt mục tiêu sản lượng dầu thô khai thác đạt 16,03 triệu tấn, giảm 8,8% so với ước thực hiện năm 2015. Khai thác khí ước đạt 9,61 tỷ m2, giảm 1,9% so với năm 2015. Khí hóa lỏng (LPG) ước đạt 650 nghìn tấn, tăng 0,9% so với năm 2015. Xăng dầu các loại đạt 5,69 triệu, giảm 10,1% so với năm 2015; phấn đấu ký 3 - 5 hợp đồng dầu khí mới ở các lô mở; tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí theo đúng tiến độ chương trình công tác và ngân sách của các hợp đồng dầu khí; vận hành an toàn các đường ống hiện có, vận hành an toàn và hiệu quả Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy Đạm Cà Mau, Nhà máy chế biến Condensate Dinh Cố, Nhà máy Polypropylen Dung Quất,... bảo đảm cung cấp đủ khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và dân sinh trong nước.

Đồng thời, tích cực tìm kiếm tham gia các dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực phát triển nguồn khí, chế biến và vận chuyển khí hóa lỏng để có sản phẩm bổ sung cho nguồn khí tiêu thụ trong nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm kỹ thuật tiến độ, hạ giá thành sản phẩm dịch vụ, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ mà các đơn vị trong PVN có khả năng cung cấp (như dịch vụ khảo sát địa chấn, địa chất công trình, dịch vụ tàu chuyên dụng, dịch vụ cơ khí chế tạo và xây dựng lắp biển, dịch vụ khoan, dịch vụ vận tải dầu thô và dầu sản phẩm...); xúc tiến mở rộng thị trường dịch vụ sang các nước trong khu vực và thế giới. Cụ thể như, các dịch vụ kỹ thuật, tài chính, bảo hiểm, kinh doanh dầu, xăng dầu. Trước mắt, ngành dầu khí sẽ triển khai dịch vụ cho các dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí của PVN ở nước ngoài, phát triển đội ngũ làm dịch vụ đạt chuẩn quốc tế, tăng cường đầu tư phương tiện thiết bị, áp dụng công nghệ cao và hiện đại để giảm giá thành sản phẩm dịch vụ và bảo đảm tiến độ dự án.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước được dự báo còn tiếp tục diễn biến khó lường do ảnh hưởng từ giá dầu thô, ngành dầu khí cần tiếp tục đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, cắt giảm tối đa chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động; sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ một cách hiệu quả, triển khai thực hiện lộ trình đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; chú trọng bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ thực hiện công tác khoa học - công nghệ... 

(Theo Nhân Dân)

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên