PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

“Lệch pha” kiểm toán ngày càng nhiều

Chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán của các doanh nghiệp niêm yết đã không còn là chuyện lạ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, điều bất thường là trong mùa công bố Báo cáo tài chính năm nay, những con số chênh lệch khủng xuất hiện rất nhiều.
Sai số gần hết Báo cáo tài chính
Công ty cổ phần Than Vàng Danh - Vinacomin (TVD) vừa công bố Báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2012. Theo đó, ghi nhận lợi nhuận sau thuế sau khi kiểm toán là 57,4 tỷ đồng, tăng 45,8 tỷ đồng so với 11,6 tỷ đồng trước khi kiểm toán (mức chênh lệch trước và sau kiểm toán gần 5 lần).
Tổng Công ty cổ phần Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí (PVC) thông báo báo cáo kiểm toán hợp nhất năm 2012. Theo đó, lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán tăng gần 50 tỷ đồng so với trước kiểm toán lên 271,63 tỷ đồng. Một doanh nghiệp dầu khí khác cũng có sự chênh lệch lớn trước và sau kiểm toán là Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PVS).
Cụ thể, so với Báo cáo tài chính do doanh nghiệp tự lập và Báo cáo tài chính đã kiểm toán thì doanh thu thuần tăng 97,6 tỷ đồng. Cùng với những thay đổi trong các khoản chi phí và doanh thu, lãi ròng của doanh nghiệp tăng thêm 46 tỷ đồng.
Tổng Công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VNR) cũng vừa công bố Báo cáo tài chính 2012 sau kiểm toán. Ngược lại, so với các công ty nêu trên, so với Báo cáo tài chính trước kiểm toán, phần lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ của VNR năm 2012 giảm 75 tỷ đồng, chỉ còn 255,8 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu do khoản doanh thu hoạt động tài chính sau kiểm toán được ghi nhận chỉ với 304,4 tỷ đồng, trong khi trước đó VNR ghi nhận 379,4 tỷ đồng.
Doanh nghiệp có sự chênh lệch cả về con số lẫn khoản mục trước và sau kiểm toán lớn nhất tính đến thời điểm hiện nay là Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC). Theo Báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán vừa được PPC công bố, gần như phần lớn các khoản mục chính của Báo cáo tài chính đều có sai số.
Các khoản mục sai số có thể kể là: các khoản phải thu ngắn hạn tăng 28,4 tỷ đồng; các khoản đầu tư tài chính dài hạn giảm 15,6 tỷ đồng; nợ ngắn hạn tăng 5,5 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu tăng 7,3 tỷ đồng; doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 5,1 tỷ đồng; lợi nhuận gộp về bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ tăng 5,1 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 261 triệu đồng; thu nhập khác tăng 20,8 tỷ đồng; phát sinh lỗ trong công ty liên doanh, liên kết là 15,6 tỷ đồng; tổng lợi nhuận kế toán trước thuế tăng 10 tỷ đồng; chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tăng 5,5 tỷ đồng; chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại tăng 116,7 tỷ đồng.
Tổng hợp các ảnh hưởng này đã làm cho lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 112,2 tỷ đồng.
Kẽ hở chuẩn mực kế toán?
Giải trình về sự chênh lệch của Báo cáo tài chính, ông Nguyễn Văn Trịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị của TVD, cho rằng thực hiện theo Thông tư 52/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, thì TVD phải công bố Báo cáo tài chính quý trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày kết thúc quý.
Do đó, để đáp ứng quy định, TVD đã tiến hành lập và nộp Báo cáo tài chính quý IV-2012 vào ngày 19-1-2013. Trong khi đó, TVD là công ty con của Tập đoàn Công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), nên sau khi kết thúc năm doanh nghiệp phải làm các thủ tục để nghiệm thu khối lượng mỏ và quyết toán chi phí với TKV.
Tại thời điểm lập báo cáo tài chính quý IV-2012, TVD chưa triển khai nghiệm thu khối lượng và quyết toán chi phí với TKV được. Chính vì vậy, số liệu trên Báo cáo tài chính do TVD tự lập sẽ có sự chênh lệch với Báo cáo tài chính sau kiểm toán.
Theo ông Tôn Anh Thi, Tổng giám đốc PVC, tình trạng chênh lệch lớn trước và sau kiểm toán là do doanh nghiệp được ghi nhận tăng thêm lợi nhuận sau thuế trên Báo cáo tài chính hợp nhất công ty con sau kiểm toán (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dung dịch khoan M-I Việt Nam).
Ngoài ra, phần giảm lợi nhuận chưa thực hiện từ các giao dịch mua bán hàng và cung cấp dịch vụ của các đơn vị thành viên hơn 33 tỷ đồng khiến phần lợi nhuận tăng tương ứng. Trong khi đó, theo giải trình của VNR, nếu áp dụng ghi nhận chênh lệch tỷ giá theo VAS10, số dư lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 1-1-2012 sẽ tăng 32,3 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế cho năm tài chính kế thúc ngày 31-12-2012 sẽ giảm tương ứng.
Nếu vậy, khoản mục “chênh lệch tỷ giá hối đoái” được phản ánh trong mục “vốn chủ sở hữu” trên bảng cân đối kế toán tại ngày 1-1-2012 sẽ không có số dư. Chính vì vậy, ban lãnh đạo doanh nghiệp đã quyết định áp dụng việc ghi nhận chênh lệch tỷ giá theo hướng dẫn tại Thông tư 179 và tin tưởng việc áp dụng đó cùng với việc đồng thời công bố đầy đủ thông tin về sự khác biệt trong trường hợp áp dụng theo hướng dẫn VAS10 sẽ cung cấp đầy đủ hơn các thông tin cho người sử dụng Báo cáo tài chính hợp nhất.
Theo thống kê đến thời điểm hiện nay, có hơn 30 doanh nghiệp niêm yết có Báo cáo tài chính lệch pha trước và sau kiểm toán. Hiện tượng số doanh nghiệp có sai sót ngày càng gia tăng do chưa có chế tài đối với các hành vi này dù nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo.
Theo nhận định của các chuyên gia, chênh lệch Báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán của doanh nghiệp có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Vấn đề là các nguyên nhân này rất khó nhận biết và ngay cả cơ quan quản lý rất khó phân biệt được do các chuẩn mực kế toán và kiểm toán của Việt Nam vẫn còn nhiều kẽ hở. (Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính 25/3, tr10, tác giả Hải Hồ) 

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên