PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close

Khó xử khi nhận doanh nghiệp yếu

Nếu không làm rõ các điều kiện, tiêu chí của hình thức chuyển giao doanh nghiệp nhà nước, cả doanh nghiệp chuyển giao và doanh nghiệp nhận chuyển giao đều khó xử.
Theo thông tin mới nhất từ Ban quản lý Khu công nghiệp Hải Dương, kết quả cuối cùng liên quan đến đề nghị mua lại Khu công nghiệp Lai Vu (Hải Dương) giữa hai tập đoàn dệt may lớn của Hồng Kông là Pacific và Công ty trách nhiệm hữu hạn Tinh Lợi (công ty con của Tập đoàn Crystal) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn chưa có.
Mặc dù đây được coi là giải pháp tốt nhất để làm sống lại 200 ha của khu công nghiệp đã từng đứng trên bờ vực phá sản vốn thuộc về Vinashin, cũng như là cách tốt để PVN thoái vốn khỏi Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khu công nghiệp Lai Vu sau khi nhận chuyển giao dự án này từ Vinashin, song dường như khoảng thời gian hơn 1 năm qua vẫn chưa đủ để các bên liên quan xử lý hoàn tất các vấn đề của mình.
Tuy vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn về vấn đề này, cả đại diện phía PVN, cũng như phía Ban quản lý Khu công nghiệp Hải Dương đều cho biết, đang nỗ lực để giải quyết các vấn đề liên quan.
Cũng phải nói thêm, Khu công nghiệp Lai Vu chỉ là một trong số 7 công ty con, 23 công ty “cháu” và 5 dự án của Vinashin được chuyển giao cho PVN và Vinalines, nhằm tái cơ cấu Vinashin theo Quyết định 926/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Khi đó, nguyên tắc chuyển giao là nguyên trạng, trên cơ sở cùng ngành nghề, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp này sẽ thực hiện hạch toán riêng và xử lý riêng để tránh ảnh hưởng đến doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu vừa được hoàn tất vào tháng 10/2013 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về cơ chế bán, chuyển giao doanh nghiệp, dự án trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, khó khăn mà doanh nghiệp nhận chuyển giao doanh nghiệp nhà nước không hề nhỏ.
“Hầu hết doanh nghiệp chuyển giao mất cân đối nghiêm trọng về tài chính, khó khăn trong thực hiện các khoản phải thu, phải trả… Tại thời điểm chuyển giao, không ít doanh nghiệp có nhiều dự án dở dang, chậm tiến độ. Việc xác định giá trị các dự án dở dang gặp nhiều khó khăn”, bà Nguyễn Thị Luyến, Phó trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (thuộc CIEM) phân tích.
Thậm chí, khi tìm hiểu các doanh nghiệp, dự án của Vinashin chuyển giao cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác, bà Luyến còn phát hiện nhiều khoản nợ từ các doanh nghiệp, dự án này khá lớn, nhưng hồ sơ chưa đầy đủ, thậm chí có dự án chưa có giấy chứng nhận đầu tư.
“Thực trạng này dẫn đến khó khăn trong việc thanh quyết toán, đặc biệt đối với các khoản chênh lệch dự toán và giá trị thực thanh, thực chi”, bà Luyến làm rõ những khó khăn trong hậu chuyển giao khi trao đổi về nghiên cứu đã được Tổ chức FNF (Đức) hỗ trợ trong khuôn khổ dự án FNF - CIEM.
Mọi việc sẽ trở nên vô cùng phức tạp nếu bên nhận chuyển giao bị động với hoạt động này, cũng như hàng loạt tồn tại mà doanh nghiệp chuyển giao mang tới. Hơn thế, ông Trần Tiến Cường, chuyên gia tư vấn độc lập, người đã tham gia xây dựng hầu hết văn bản liên quan đến doanh nghiệp nhà nước khi còn giữ vị trí Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (CIEM), còn lo ngại đến khả năng phát tán “mầm bệnh” của doanh nghiệp chuyển giao nếu doanh nghiệp này quá yếu kém.
“Hình thức chuyển giao chỉ nên hướng vào doanh nghiệp, dự án có ngành, lĩnh vực không thuộc ngành, lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn, tổng công ty mà nó đang hoạt động nhưng phải là ngành, lĩnh vực có nhu cầu, có khả năng tiếp nhận của tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác”, ông Cường đề xuất và cho rằng, với các doanh nghiệp, dự án không thuộc danh mục quy định cần nắm giữ 100% vốn nhà nước thì tiến hành cổ phần hóa, chuyển nhượng cho các đối tượng khác, chứ không nên chuyển giao.
Với doanh nghiệp thực sự không có khả năng phục hồi, hoặc lâm vào tình trạng phá sản, ông Cường cho rằng, nên thực hiện giải thể hoặc phá sản theo đúng tinh thần của Quyết định 929/2012/QĐ - TTg phê duyệt Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế giai giai đoạn 2011-2015.
Một số đề xuất liên quan đến hình thức chuyển giao doanh nghiệp nhà nước:
Bổ sung hình thức chuyển giao doanh nghiệp nhà nước vào Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 109/2008/NĐ-CP về giao, bán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để tạo khung pháp lý cho hoạt động này.
Doanh nghiệp hoạt động trong những ngành, lĩnh vực kinh doanh chính hoặc có liên quan chặt chẽ tới ngành, lĩnh vực kinh doanh chính của công ty mẹ tập đoàn kinh tế, tổng công ty hay nhóm công ty tiếp nhận.
Không thuộc diện giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản;
Thuộc diện chuyển giao trong Đề án đã được phê duyệt hoặc được Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Đối tượng nhận chuyển giao: là công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có ngành kinh doanh chính, hoặc phụ trợ phù hợp với ngành của doanh nghiệp được chuyển giao.
Nguồn: Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 109/2008/NĐ-CP về giao, bán, cho thuế doanh nghiệp nhà nước. (Đầu Tư 6/11, tr11, tác giả Bảo Duy) 
Nộp thuế nhập khẩu ầu thô theo quy định mới tại Thông tư 128
Tỷ giá hạch toán liên quan đến đồng tiền nộp thuế, thời hạn nộp thuế đối với tiền thuế chênh lệch sau khi có giá chính thức, tính tiền chậm nộp thuế (đối với những tờ khai tạm thời chưa nộp thuế xuất khẩu đăng ký từ 1-7-2013 đến 15-7-2013)… là những nội dung mà Tổng cục Hải quan hướng dẫn Tổng công ty dầu Việt Nam (PV OIL) trong việc nộp thuế xuất khẩu dầu thô theo quy định tại Thông tư 128/2013/TT-BTC chính thức có hiệu lực từ ngày 1-11-2013.
Tỷ giá hạch toán liên quan đến đồng tiền nộp thuế
Tổng cục Hải quan cho biết, tỷ giá hạch toán liên quan đến đồng tiền nộp thuế cần căn cứ vào khoản 2 Điều 19 Thông tư 128/2013/TT-BTC:
“Trường hợp được tạm nộp thuế khi chưa có giá chính thức trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng, người nộp thuế được tạm nộp bằng ngoại tệ hoặc đồng tiền Việt Nam; Sau khi có giá chính thức, người nộp thuế nhận được tiền ngoại tệ thanh toán từ khách hàng nước ngoài, thì nộp tiền thuế chênh lệch (nếu có) bằng ngoại tệ.
Trong trường hợp tạm nộp bằng đồng tiền Việt Nam, tỷ giá quy đổi ngoại tệ là tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm tính thuế. Tỷ giá này cũng được áp dụng thống nhất khi hạch toán ngoại tệ giữa Kho bạc Nhà nước và cơ quan Hải quan”.
Thời hạn nộp thuế đối với tiền thuế chênh lệch sau khi có giá chính thức
Theo Tổng cục Hải quan, cần căn cứ vào khoản 2 Điều 20 Thông tư 128: Trường hợp số tiền thuế tạm nộp hoặc số tiền thuế được bảo lãnh trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng nhỏ hơn số tiền thuế phải nộp khi có giá chính thức thì người nộp thuế phải nộp số tiền thuế chênh lệch giữa tiền thuế phải nộp theo giá chính thức và giá tạm tính (nếu có) tại thời điểm chốt giá chính thức”.
Bên cạnh đó, cần căn cứ vào quy định “thời điểm chốt giá tối đa là 90 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan hàng hoá xuất khẩu. Trường hợp thời điểm chốt giá vượt quá 90 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai, giao Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố căn cứ hồ sơ, chứng từ, thực tế lô hàng xuất khẩu để kiểm tra, xem xét, quyết định việc chấp nhận thời điểm chốt giá ghi trên hợp đồng” tại khoản 2 Điều 11 Thông tư 205/2010/TT-BTC.
Tính tiền chậm nộp thuế (đối với những tờ khai tạm thời chưa nộp thuế xuất khẩu đăng ký từ 1- 5/7/2013)
Khoản 2 Điều 168 Thông tư 128/2013/TT-BTC quy định: Các nội dung về quản lý thuế đã được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế thì thực hiện theo thời điểm có hiệu lực của Luật (ngày 1/7/2013).
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 7 Điều 20 thì: “Thời hạn nộp thuế đối với dầu thô xuất khẩu, hàng hóa áp dụng thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 42 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13. Theo đó, người nộp thuế phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh thì trong thời gian bảo lãnh phải nộp tiền chậm nộp 0,05%/ngày. Thời hạn bảo lãnh tối đa là 30 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Điều kiện được bảo lãnh thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Thông tư này”.
Cùng với đó, điểm a, khoản 1 Điều 131 cũng quy định: người nộp thuế nộp tiền chậm nộp trong các trường hợp: “Nộp tiền thuế chậm so với thời hạn quy định, thời hạn được gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo, trong quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế của cơ quan hải quan và văn bản xử lý về thuế của cơ quan có thẩm quyền”. (Hải Quan Online 6/11, mục chính sách mới, tác giả Hải Nam) 

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên