PVGAS

Vui lòng chờ trong giây lát

Close
Phân mục: Tin hoạt động

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Hơn 1 giờ đồng hồ chạy xe ôtô từ trung tâm Hà Nội, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội vào một buổi chiều oi bức của tiết trời tháng Sáu. Nằm khuất sâu trong một quả đồi, bị che lấp bởi những vườn keo và con đường vào Trung tâm cũng đầy đá sỏi gập ghềnh.

Sau cuộc điện thoại thông báo có khách đến thăm, ông Hồ Sỹ Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam hối hả chạy ra tận cổng để đón khách bằng nụ cười thân thiện cùng những cái bắt tay thật chặt. “Đối với chúng tôi, các đồng chí ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là người một nhà. Trung tâm này, mái nhà của các nạn nhân da cam này được xây dựng và đi vào hoạt động là nhờ sự ủng hộ của nhiều cơ quan, cá nhân, trong đó có sự giúp đỡ rất nhiệt tình của Tập đoàn Dầu khí” - ông Hải hồ hởi nói như để giải thích với những ai ngạc nhiên trước sự vồn vã của mình.

Nhà ở nuôi dưỡng nạn nhân số 1 do Hội cựu chiến binh Tập đoàn và Tổng Công ty Khí Việt Nam tài trợ xây dựng toàn bộ.

Sau một hồi gặp gỡ, tôi ấn tượng với sự thân thiện của vị Giám đốc và cái cách ông gọi Trung tâm là “mái nhà của các nạn nhân da cam”. Gọi như vậy chẳng sai chút nào bởi nơi đây được xây dựng và hoạt động bằng nguồn kinh phí đóng góp của những tấm lòng nhân ái trên khắp mọi miền đất nước. Cách gọi này cũng không hề có chút xã giao nào bởi ông Giám đốc Trung tâm cũng chính là một nạn nhân của chất độc da cam/Dioxin.

Cả hai vợ chồng ông Hồ Sỹ Hải đều chịu ảnh hưởng của chất độc giết người này. Vợ ông sinh 4 người con, 1 người không giữ được, 3 người còn lại thì mắc chứng tâm thần. Ông Hải cũng là người đã trực tiếp sang Mỹ đấu tranh đòi quyền lợi cho các nạn nhân của chất độc da cam/Dioxin ở Việt Nam. Ngoài 70, ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, là Giám đốc Trung tâm, là người trực tiếp đi vận động kinh phí để xây dựng, vận hành nơi này và cũng là một nạn nhân của chất độc da cam/Dioxin, ông Hải hiểu rõ sự quan tâm của xã hội đối với những nạn nhân da cam/Dioxin.

Theo lời vị giám đốc, trung tâm này có diện tích 16,7 ha, gồm các khu nhà điều hành, nhà ăn, nhà ở nuôi dưỡng nạn nhân, nhà xông hơi giải độc, nhà đa năng... Trong quá trình xây dựng Trung tâm Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) tài trợ 9,5 tỉ đồng. Số tiền này được dùng để xây dựng hạng mục nhà ở nuôi dưỡng nạn nhân số 1 gồm 2 tầng với 39 phòng, phục vụ việc khám bệnh, cấp phát thuốc, điều trị cũng như ngủ nghỉ và sinh hoạt văn hóa cho các nạn nhân chất độc da cam/Dioxin với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại.

Với chức năng chính là nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và giải độc cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/Dioxin, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, trung bình mỗi năm Trung tâm đón tiếp 1.400 lượt nạn nhân đến điều trị, nghỉ ngơi, phục hồi chức năng…

Các nạn nhân da cam/Dioxin xem bóng đá tại phòng sinh hoạt văn hóa

Ông Nguyễn Tiến Đễ (ở phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ), một cựu chiến binh đến giải độc chất da cam/Dioxin cho biết, chúng tôi ở đây, mỗi người đều mang một bệnh tật do chất độc da cam gây ra, cũng chạy chữa rất nhiều nơi nhưng không khỏi. Khi được Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam phổ biến có một trung tâm giải độc Dioxin nên đã tìm đến. Về đây, nhìn thấy cơ ngơi khang trang chúng tôi rất xúc động. Chúng tôi ăn ở 2 người 1 phòng khép kín, có điều hòa, bình nóng lạnh, tôi thấy rất đầy đủ. Những ngày qua, được xông hơi giải độc tôi thấy trong người rất thoải mái. Tôi tin rằng sau đợt điều trị ở đây về sức khỏe của chúng tôi sẽ có sự chuyển biến rõ rệt, để xã hội cũng như gia đình đỡ phần vất vả trong việc chăm sóc chúng tôi. Tôi cũng sẽ nói với các đồng đội của tôi đi về đây để điều trị.

Hoạt động xông hơi giải độc tại Trung tâm áp dụng công nghệ có xuất xứ từ Hoa Kỳ, là hàng độc quyền, không bán trên thị trường. Thời gian mỗi đợt điều trị là 21 ngày. Hàng ngày, các nạn nhân sau khi ăn sẽ được phát thuốc uống rồi vận động trong thời gian từ 10 đến 30 phút, sau đó sẽ vào phòng xông trong thời gian từ 1 đến 4 giờ. Trong quá trình này, nhiệt độ phòng xông hơi luôn giữ ở mức cao và cứ mỗi 5 - 7 phút, khi mồ hôi ra nhiều, nạn nhân lại ra tắm và bổ sung nước điện giải. Mỗi đợt điều trị ở Mỹ có giá tới 6.000 USD, nhưng ở Việt Nam chỉ tốn khoảng 6,3 triệu đồng. Hiện nay, tại Trung tâm có 4 phòng xông hơi, cùng lúc có thể điều trị cho khoảng 40 nạn nhân.

Đối với các nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai, Trung tâm nuôi dưỡng theo các hình thức ngoại trú, bán trú và nội trú. Hình thức ngoại trú được áp dụng cho các nạn nhân da cam/Dioxin bị liệt toàn thân, tâm thần, gia đình khó khăn… không thể đến Trung tâm. Với những nạn nhân này, Trung tâm vận động các nguồn lực hỗ trợ nuôi dưỡng tại gia đình mỗi tháng 10 kg gạo và tiền thực phẩm.

Anh Phạm Tuấn Anh - nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thế hệ thứ 2.

Anh Phạm Tuấn Anh (30 tuổi, ở thôn Tân Bình, xã Yên Bình, Thạch Thất, Hà Nội), nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thế hệ thứ hai được Trung tâm nuôi dưỡng kể rằng anh được ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ lại được cùng mọi người tham gia các hoạt động tăng gia sản xuất. Nhờ vậy, anh cảm thấy khỏe hơn và mỗi tháng anh đều có thêm 700 - 800 ngàn đồng từ việc tăng gia sản xuất để gửi về gia đình. Cảm thấy mình không còn là gánh nặng cho mọi người nữa, anh rất vui.

Được ở cạnh đồng đội, đồng chí, cùng nhau vượt qua những tháng ngày bệnh tật, ông Hồ Sỹ Hải tâm sự: “Trung tâm được thành lập tháng 4-2014, ban đầu chưa có cơ sở vật chất gì, chúng tôi phải đến từng nơi để vận động các tổ chức, các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí xây dựng và hoạt động. Trong quá trình đó, chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ về vật chất cũng như tinh thần rất lớn từ phía Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Các anh luôn quan tâm, hỏi han và có những sự giúp đỡ hết sức kịp thời. Trong đó, tôi rất cảm kích sự quan tâm của anh Phan Đình Đức - Chủ tịch Hội CCB Tập đoàn và anh Lê Quang Toán - Chánh văn phòng Hội CBB. Chưa khi nào chúng tôi đến vận động mà các anh từ chối tiếp, dù có bận đến mấy các anh đều cố gắng gặp gỡ, hỏi han tình hình chúng tôi. Từ những ngày đầu san núi, bạt đồi cho đến khi khai trương Trung tâm các anh đều có mặt ở những thời điểm quan trọng. Các anh coi công việc của Trung tâm như công việc của chính cơ quan, gia đình mình”.

“Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là một trong những đơn vị đầu tiên ủng hộ kinh phí xây dựng Trung tâm và công trình nhà ở nuôi dưỡng nạn nhân số 1 mà Tập đoàn tài trợ cũng chính là hạng mục hoàn thành sớm nhất của Trung tâm. Do yêu cầu cấp bách của tình hình, ngay khi công trình này và một số hạng mục khác được hoàn thiện chúng tôi đã ngay lập tức đưa nạn nhân vào nuôi dưỡng, chăm sóc” - ông Hải khẳng định.

Ông Hồ Sỹ Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ nạn nhân xã hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam.

Ngoài nguồn kinh phí ủng hộ cho việc xây dựng, hàng năm, Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đều ủng hộ 500 triệu đồng để duy trì hoạt động của Trung tâm. Chia sẻ với chúng tôi, Ủy viên Ban Chấp hành, Chánh văn phòng Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Lê Quan Toán - cho biết: “Phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tương thân tương ái của dân tộc, cũng như sự chỉ đạo của Đảng ủy và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam về công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, những năm qua Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam của hàng triệu đồng bào, đồng đội. Trong đó có việc ủng hộ kinh phí góp phần xây dựng và duy trì hoạt động của Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam. Nguồn kinh phí này được trích từ nguồn quỹ từ thiện do các cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành Dầu khí làm thêm ngày thứ Bảy ủng hộ”.

Được biết, không chỉ bó gọn vào hoạt động ủng hộ kinh phí góp phần xây dựng và duy trì hoạt động của Trung tâm, Hội CCB Tập đoàn Dầu khí còn có nhiều hoạt động khác góp phần xoa dịu nỗi đau da cam như: hỗ trợ các trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh, nhiễm chất độc da cam/Dioxin trên cả nước; thăm hỏi, tặng quà các nạn nhân nhiễm chất độc dacam/dioxin… Ngoài ra, Hội còn hỗ trợ kinh phí xây dựng các mái ấm “Nghĩa tình đồng đội” cho các cựu chiến binh trên khắp cả nước; hỗ trợ sửa chữa các nghĩa trang liệt sỹ; hỗ trợ xây Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ bên sông Thạch Hãn, Quảng Trị... Từ năm 2011 - 2016, tổng số kinh phí Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã hỗ trợ cho hoạt động đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội đã lên tới gần 30 tỷ đồng.

Mặt trời cuối ngày dịu dần những tia nắng cuối cùng lên những áng mây lơ lửng làm ửng hồng một góc trời. Chúng tôi chợt nghĩ, với sự chung tay, góp sức của tất cả mọi người, những nỗi đau do những di chứng kia gây ra sẽ được xoa dịu phần nào. Và tôi thầm cảm ơn những con người đã tham gia vào hành trình đó, trong đó có những người Dầu khí.

Trong vòng 10 năm (từ năm 1961 đến năm 1971) với chiến dịch “Ranch Hand” quân đội Mỹ đã phun rải xuống miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam Việt Nam trên 100 triệu lít chất độc hoá học trong đó có 65% là chất độc da cam chứa 386 kg dioxin tinh chất cực kỳ độc hại, làm nhiễm độc trên diện tích 2,6 triệu ha, làm tổn thương nghiêm trọng đến sức khoẻ (gây các bệnh ung thư, dị tật bẩm sinh và hàng loạt rối loạn chức năng khác) cho từ 2,1 triệu đến 4,8 triệu người dân Việt Nam và các thế hệ con cháu của họ.

Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết trong đau đớn; nhiều nạn nhân đang sống đời sống thực vật, cô đơn không nơi nương tựa; đa số nạn nhân không có việc làm. Việc nuôi dưỡng, điều trị bệnh tật và phục hồi chức năng và dạy nghề cho nạn nhân là một đòi hỏi bức thiết.

© Bản quyền thuộc về TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tầng 12, 12A, 14 và tầng 15, Tòa nhà PV GAS, số 673 đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Điện thoại: +84.28. 3781 6777 Fax: +84.28. 3781 5666 Email: pvgas@pvgas.com.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc
Giấy phép xuất bản số 131 GP/BC do cục Báo Chí- Bộ VHTT cấp ngày 10/04/2007

Lên trên